Ngày 28-8 hằng năm là ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin cách mạng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001, lấy cột mốc từ Bản Tuyên cáo của Chính phủ ngày 28-8-1945 (9 ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công), đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL).
Ngày 28-8 hằng năm là ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin cách mạng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001, lấy cột mốc từ Bản Tuyên cáo của Chính phủ ngày 28-8-1945 (9 ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công), đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL). Năm nay, Sở VH-TTDL Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống của ngành vào ngày 26-8, tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Ắt là, nhiều người dự và vui lắm.
Đồng bào dân tộc Chơro ở xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu biểu diễn cồng chiêng. Ảnh minh họa: Kiều Tân |
Cầm thư mời trong tay, tự dưng tui lại nhớ kỷ niệm về câu hỏi của người bạn chí thân: “Trong chặng đường làm Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin của ông, kỷ niệm nào ấn tượng nhứt?”. Tui đã trả lời: “Chuyện về 2 từ thấm sâu, tỏa sáng”.
Còn nhớ, thập niên 1990, ngành Văn hóa thông tin rất tự hào về chương trình “đưa văn hóa thông tin về cơ sở”. Ấy là việc mua một số thiết bị văn hóa gồm những ampli, đàn điện tử, loa thùng, đạo cụ… định mức cỡ 30 triệu đồng cho mỗi xã, phải là xã có thành tích tốt mới được bình chọn. Năm 1994, tui tham gia đưa một bộ thiết bị gọi là “văn hóa thông tin” về một xã thuộc H.Vĩnh Cửu. Oách lắm: xã tiếp nhận long trọng, cờ xí rực rỡ, người nhận lẫn người trao đều nở cười hết công suất.
Trong bữa tiệc mừng, một lão nông râu dài bưng ly rượu đế đến, giọng ấm như nắng mà bén như dao: “Cảm ơn cấp trên, cảm ơn lãnh đạo đã đưa về xã những thứ cần cho công tác văn hóa thông tin”. Sau ly rượu cụng nóng ran là gáo nước lạnh buốt sống lưng: “Tui già rồi, nói e không phải, chú đừng buồn! Chỉ ngần ấy thứ mà gọi là đưa văn hóa thông tin về cơ sở? Vậy khi mấy chú chưa đưa về thì cơ sở tụi tui không có văn hóa thông tin à? Xưa nay, cơ sở tụi tui sinh sống, chống giặc hai chân và giặc nhiều chân bằng gì?”.
Ngần ấy câu hỏi làm tui nghẹn họng không trả lời được. Còn đau đầu nhiều bữa, trăn trở về câu nói của ông già. Ừ nhỉ! Theo nguyên lý, văn hóa ở trong dân, từ cơ sở. Cung cấp mấy thứ lèo phèo mua được ấy mà gọi là “đưa văn hóa thông tin về cơ sở” liệu có nghịch lý không, đúng bản chất không?
Đem những trăn trở này vào các cuộc trao đổi, thảo luận, kiến nghị. Kết quả: Không còn gọi tên chương trình là đưa về nữa, mà là “đầu tư, phát triển văn hóa thông tin ở cơ sở”. Vậy là có tiếp thu, đổi mới tư duy. Nhưng vẫn còn gì đó chưa ổn, cảm thấy sai sai?
Đến vài năm sau, khoảng 1995, khi góp ý, tiếp thu Nghị quyết Trung ương chuyên đề về văn hóa, từ “thấm sâu” xuất hiện với quan điểm làm cho văn hóa thấm sâu vào cơ sở, vào từng người, từng lĩnh vực, từng địa phương; chữ được dùng ấy làm tui vui sướng, suýt vỗ đùi hét to: Đổi mới đây rồi!
Khi triển khai Nghị quyết Trung ương, trở lại nơi trước, đem tinh thần mới, cảm xúc mới khoe với lão nông nọ. Ông già lắng nghe, vuốt râu, lại cái giọng ôn tồn mà nổi sóng: “Ừ, nghe thì mới đấy. Nhưng, có gì đó vẫn chưa ổn. Cái này thấm sâu vào cái kia, nghĩa là “cái này” vẫn nằm ngoài “cái kia”? Cái này ấy lấy từ đâu ra? Móc dưới đất lên hay kéo từ trên trời xuống, hay vay mượn của Tây Tàu?”.
Lại những câu hỏi nhức óc. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là quan điểm chính thống, phải thuộc nằm lòng. Cho dù vẫn còn lợn cợn như uống nước còn chút cặn. Những khi hội nghị, góp ý xây dựng, tui thường móc nội dung này ra, nói hoài, phát chán, có người bực mình “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Thế ông định thay thế bằng thứ gì?”.
Bằng gì ư? Khó thiệt. Một đêm, trông ngọn đèn dầu, nhớ câu “ánh đèn không tỏa sáng dưới chân đèn”, tui ngộ ra: Đúng rồi, văn hóa phải tỏa sáng. Văn hóa của dân, từ cơ sở vốn đã sáng; ít sáng thì bồi đắp cho sáng hơn; luôn làm cho ánh sáng tỏa rộng, lan nhanh; bổ sung bổ khuyết cái mới, phương cách mới để tỏa sáng lung linh nhiều màu sắc.
May quá, trong một buổi tại hội nghị quan trọng, ý tưởng này được một vị lãnh đạo có trọng trách chú ý, đề nghị tiếp thu đưa vào văn kiện. Đó là lý do, từ sau năm 2015, các văn kiện quan trọng xuất hiện thêm từ “tỏa sáng” bên cạnh “thấm sâu”.
Trời ạ! Từ 7 âm tiết này đến 7 âm tiết nọ là chặng đường dài. Đó không phải là chuyện chữ nghĩa mà là nhận thức và cách tiếp cận thực chất của văn hóa, trọng dân, học tập ở dân.
Ong Mật