Trong hội thảo quốc gia Văn hóa soi đường cho quốc dân đi ngày 24-11-2021, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp (DN) được nêu ra, nhiều ý kiến tham luận, xem đó là nội dung mới, thiết thực trong việc xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam.
Trong hội thảo quốc gia Văn hóa soi đường cho quốc dân đi ngày 24-11-2021, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp (DN) được nêu ra, nhiều ý kiến tham luận, xem đó là nội dung mới, thiết thực trong việc xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam.
Công nhân sản xuất hàng tại một doanh nghiệp ở H.Long Thành. Ảnh: Văn Gia |
Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xem việc xây dựng môi trường văn hóa là một trong 10 nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 đã xác định xây dựng môi trường văn hóa là một trong 5 mục tiêu chung. Theo đó, DN được xem là đơn vị cơ sở cần phải xây dựng môi trường văn hóa.
Đặc điểm chung của DN Việt Nam quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu; thực lực và tiềm lực mỏng, sức cạnh tranh còn yếu, đội ngũ doanh nhân non trẻ. Với đặc điểm như thế, việc xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn có ý nghĩa là xây dựng nền tảng tinh thần, động lực phát triển và sức mạnh nội sinh để DN vượt khó, tăng trưởng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Về lý luận, xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là xây dựng những con số nhảy múa hoặc những mỹ hiệu rực rỡ cho DN mà phải là xây dựng hệ thống giá trị, hành lang pháp lý, chuẩn mực đạo lý cho DN, của DN, vì sự phát triển bền vững của DN.
Về cấu trúc, xây dựng môi trường văn hóa DN không phải chỉ ở nội bộ của mỗi đơn vị DN, mà ở cả hệ thống bên ngoài, bên trong và phía trước của DN, nói cách khác là xây dựng môi trường của môi trường văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa DN không phải là việc riêng của DN.
Có mấy vấn đề từ thực tế đang mong chờ:
Thứ nhất, về nhận thức, cần làm rõ để cùng nhận thức đủ - đúng về tầm quan trọng của môi trường văn hóa trong DN. Cái gì níu giữ được công nhân, duy trì được sản xuất khi DN khó khăn? Đó không phải là tiền lương mà là văn hóa ứng xử và môi trường làm việc có văn hóa. Trong thử thách phòng chống dịch Covid-19, điều này thấy rất rõ.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa trong DN có tác động nhiều chiều, trước hết, cho “sức khỏe” của chính DN, tiếp đến là cho tiến bộ của xã hội và cho sự cường thịnh của đất nước: “DN phát tài: đa, cát, lợi. Quốc gia hưng thịnh: phú, lạc, cường”.
Thứ ba, cần đổi mới cách tổ chức thực hiện, đánh giá và đầu tư phát triển. Việc xây dựng môi trường văn hóa DN đang mong muốn và chờ đợi bộ quy chuẩn và quy tắc ứng xử về văn hóa cho DN; trong đó, có 5 thành tố cấu thành môi trường văn hóa của mỗi DN. Một là, mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và nộp thuế. Hai là, mức độ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Ba là, mức độ thực hiện đúng chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích của người lao động. Bốn là, mức độ, hiệu quả tham gia công tác an sinh xã hội với chính quyền địa phương. Năm là, có thiết chế văn hóa, phong trào hoạt động văn hóa và quy chế về chăm lo cho đời sống của người lao động thuộc DN, động viên và phát huy nhân tố con người.
Thứ tư, phát huy nhân tố con người. Trong DN, con người là nhân tố quan trọng nhất, cần được phát huy cao nhất nhân cách, phẩm chất, đạo đức, kỹ năng đã được hình thành. Con người trong DN bao gồm CEO, lãnh đạo, quản lý theo tầng bậc và người lao động gắn với công việc. Tất cả đều là chủ thể của DN, cần phải được tôn trọng, bảo vệ, được phát huy hết khả năng hiện có, được học tập, bồi dưỡng nhằm đạt đến khả năng cần có và có thể có.
Người lao động trong DN Việt Nam là người làm việc có tổ chức chính trị - xã hội, có hội nhóm cùng chung sở thích, có nhiều cách cùng chia sẻ các vấn đề xã hội. Vì vậy, mỗi DN, theo điều kiện của mình cần xây dựng các quy định và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động được học tập, rèn luyện kỹ năng, được chăm sóc và động viên tinh thần, được giao tiếp và ứng xử với nhau bằng giá trị văn hóa, theo chuẩn mực văn hóa.
Thứ năm là xây dựng thương hiệu và văn hóa kinh doanh. Thương hiệu là giá trị đặc biệt của DN, siêu lợi nhuận, không thể mua bằng tiền, được xây dựng bằng tâm sức của toàn DN trong thời gian dài. Nó là sức sống, niềm tin, lòng tự hào và nhịp cầu nối người lao động với DN, với xã hội; thực sự là sản phẩm của môi trường văn hóa của DN. Mỗi DN cần có chiến lược và từng bước xây dựng được thương hiệu của DN mình. Xây dựng được thương hiệu DN tức là đã có được văn hóa trong kinh doanh, góp phần xây dựng quốc hiệu Việt Nam.
Thứ sáu là vấn đề môi trường hội nhập quốc tế. Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều DN làm ăn với nhiều quốc gia, môi trường hội nhập về kinh tế, khoa học kỹ thuật khá tốt, nhưng môi trường hội nhập về văn hóa quả không dễ dàng. Nhiều sự cách biệt về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo còn tạo trở ngại cho giao tiếp để hội nhập. Nhiều DN đã dừng bước các dự án trước sự ngăn cách về văn hóa.
Thứ bảy là vấn đề nguồn nhân lực CEO, lãnh đạo quản lý DN; cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng sao cho các nhà lãnh đạo, quản lý DN có “hàm lượng văn hóa Việt Nam” trong tim óc để hiểu biết và lưu tâm đến môi trường văn hóa DN.
Xây dựng môi trường văn hóa DN là việc hệ trọng và cấp thiết. Về chủ trương, Nghị quyết đã nêu rõ nhưng trong thực tế, còn tự phát và rời rạc; cần có sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu lực, thống nhất và bản sắc trong hệ thống DN.
Huỳnh Văn Tới