Ngày khai giảng năm học mới 2022-2023 đã đến rất gần với trên 740 ngàn học sinh các bậc học trong toàn tỉnh. Thời điểm này, nhiều phụ huynh, trong đó có những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đã kịp mua sắm cho con mình sách vở và những vật dụng cần thiết sẵn sàng bước vào năm học mới.
Ngày khai giảng năm học mới 2022-2023 đã đến rất gần với trên 740 ngàn học sinh các bậc học trong toàn tỉnh. Thời điểm này, nhiều phụ huynh, trong đó có những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đã kịp mua sắm cho con mình sách vở và những vật dụng cần thiết sẵn sàng bước vào năm học mới.
Phụ huynh mua sách cho con chuẩn bị bước vào năm học mới tại cửa hàng của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai. Ảnh: Đ.Công |
* Ưu tiên chuyện học
Anh Nguyễn Văn Hiệp là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Nhựa Phú Lâm (TP.Biên Hòa). Ở trọ đi làm công nhân nuôi sống cả gia đình nhưng anh luôn ưu tiên chuyện học của con lên trên hết. Anh Hiệp cho hay, năm nay cả 2 con anh đều bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới nên buộc phải mua sách mới thay vì học lại sách cũ. Ngoài sách anh còn phải mua thêm tập vở và nhiều dụng cụ học tập khác, chi phí tốn hơn 2 triệu đồng. Anh chia sẻ thêm: “Đầu tháng 8 lãnh lương là hai vợ chồng dẫn con đi mua sắm cho năm học mới ngay, ưu tiên chuyện học cho con là trên hết rồi mới tính chuyện chi tiêu các khoản khác”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Không được để học sinh khó khăn bỏ học Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã nhấn mạnh: “Các địa phương phải rà soát, thống kê những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh thuộc diện hộ nghèo, con công nhân ở trọ để có kế hoạch hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập, xem xét miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế. Bằng mọi giá không được để xảy ra thiếu trường lớp, hoặc quá khó khăn dẫn tới học sinh phải bỏ học”. |
Không có đủ điều kiện vào lớp 10 trường công lập nên chị Lê Trần Diễm Nhi, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cố gắng cho con vào học Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, dù mức học phí hằng tháng chiếm hơn 1/4 mức thu nhập của chị. Chị Nhi cho hay: “Đầu năm học chỉ mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục, bảo hiểm y tế cho con thôi là đã “đi” gần hết tháng lương của chồng. “Đời cha mẹ đã cực vì ít học nên không thể để con lớn lên cũng giống cha mẹ được, dù khó khăn đến mấy, có vay mượn thì cũng phải mua sắm cho con vào năm học mới cho tươm tất, để con yên tâm học hành”.
Năm học trước vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vợ chồng anh Đinh Ngọc Nam, công nhân Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Anco (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom) gửi con về cho ông bà nội ở An Giang trông coi và học lớp 3. Năm học này, vợ chồng anh tiếp tục đưa con lên học lớp 4 tại Trường tiểu học Sông Mây (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom). Anh Nam cho biết: “Khi đưa con trở lại trường tiếp tục học tập, Ban giám hiệu tạo điều kiện tiếp nhận ngay. Hai vợ chồng cũng tiết kiệm để mua sắm đầy đủ từ sách vở, đồ dùng học tập và sẵn một khoản để đóng góp đầu năm học mới khi cần”.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch Hứa Bửu Hổ cho biết, công nhân các khu nhà trọ trên địa bàn huyện mới trải qua một đợt khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nửa cuối năm 2021 nên đến nay vẫn còn khó khăn. Do đó, huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tuyên truyền để công nhân biết và tiếp cận mặt hàng sách giáo khoa, tập vở học sinh với giá bình ổn, giảm từ 5-10% so với giá bìa. Công đoàn cơ sở nhiều đơn vị, doanh nghiệp dịp này còn tổ chức tuyên dương, khen thưởng con công nhân lao động học giỏi sống tốt nên các em được động viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường phải hỗ trợ kịp thời cho con công nhân, không để học sinh nào bị thất học.
* Tạo thuận lợi cho con công nhân
Phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) là địa bàn có áp lực dân số cơ học rất cao, dẫn tới trường nào trên địa bàn phường cũng rơi vào quá tải. Dẫu vậy học sinh trên địa bàn phường không phân biệt là học sinh có hộ khẩu thường trú, hay con công nhân tạm trú đều được tiếp nhận vào lớp 1 theo đúng tuyến đăng ký tạm trú. Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài Ngô Thị Thanh Thủy cho biết: “Nhà trường đã tiếp nhận hơn 800 học sinh đến tuổi vào lớp 1 không phân biệt thường trú hay tạm trú. Nhiều công nhân sau khi nộp hồ sơ và thấy con mình có trong “biên chế” lớp 1 đã rất phấn khởi vì học phí được miễn, trong khi nếu học ở trường tư khá tốn kém”.
Ban giám hiệu Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tặng sách và đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn |
Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài Phạm Thị Hải Anh cho hay, nhiều học sinh là con công nhân ở trọ trên địa bàn phường có hoàn cảnh khá khó khăn, do vậy năm nào nhà trường cũng tìm cách hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn trước khi bước vào năm học mới nhà trường tổ chức quyên góp sách giáo khoa cũ còn dùng được tặng cho những học sinh cần. Nhà trường cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm tập vở, hay mua tặng bảo hiểm y tế… Dù chưa nhập học chính thức nhưng hiện tại nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phải rà lại danh sách từng em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt để ngăn trường hợp vì quá khó khăn mà bỏ học.
Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai Võ An Ninh cho biết, đến thời điểm này, trên 5 triệu bản sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã được công ty chuyển về các trường với giá bán trực tiếp đến tay học sinh thấp hơn giá bìa 5%, tập vở học sinh được giảm 10%. Những ngày cận kề khai giảng năm học mới, công ty mở bán cả vào buổi tối để phục vụ phụ huynh, trong đó có rất đông phụ huynh là công nhân tranh thủ buổi chiều tối, ngày nghỉ đến mua sắm cho con em mình.
Đặng Công