Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam tiếp cận với sử liệu toàn diện và đầy đủ nhất về Thế chiến thứ hai qua tác phẩm đồ sộ dày 1.200 trang Thế chiến thứ hai của tác giả Antony Beevor (NXB Hà Nội và Omega Plus ấn hành).
Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam tiếp cận với sử liệu toàn diện và đầy đủ nhất về Thế chiến thứ hai qua tác phẩm đồ sộ dày 1.200 trang Thế chiến thứ hai của tác giả Antony Beevor (NXB Hà Nội và Omega Plus ấn hành).
Tác phẩm Thế chiến thứ hai bản tiếng Việt |
Gọi Thế chiến hai là “sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ XX, cuộc xung đột tồi tệ nhất lịch sử nhân loại”, tác giả Antony Beevor mô tả cuộc xung đột không chỉ diễn ra ở châu Âu mà trên phạm vi toàn cầu và sự ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến. Trong bối cảnh năm 2022 này, tiếng bom đạn vẫn chưa ngừng rơi ở châu Âu khi cuộc chiến Nga - Ukraine đang kéo dài, thì Thế chiến thứ hai một lần nữa cho thấy sự tàn khốc và phi nghĩa của chiến tranh.
Một biên sử đặc biệt
Tác giả Antony Beevor không quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Tác phẩm Stalingrad - trận chiến định mệnh mà ông viết về trận chiến Stalingrad đầy ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và Đức, mang tính bước ngoặt trong Thế chiến hai từng được ra mắt ấn bản tiếng Việt năm 2018, được đón nhận nồng nhiệt bởi tính chân thật và đầy ắp dữ liệu quý cho đối tượng độc giả say mê lịch sử và nghiên cứu về lịch sử.
Antony Beevor là sử gia, nhà văn người Anh từng có thời gian phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông viết các tác phẩm về các cuộc chiến lớn có giá trị và được xem là một trong những nhà sử học quân sự hạng nhất. Nhiều tác phẩm của Beevor đều cho thấy sự nghiên cứu công phu: Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh) - xuất bản năm 1998; Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945) - xuất bản năm 2002; The Battle for Spain: The Spainish Civil War 1936-1939 (Trận chiến cho Tây Ban Nha: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939) - xuất bản năm 2006… |
Với Thế chiến thứ hai (The Second World War), Antony Beevor mang đến một công trình nghiên cứu sâu và rộng về Thế chiến hai - tính từ khi Hitler xua quân xâm lược láng giềng Ba Lan (ngày 1-9-1939) cho đến ngày 14-8-1945 - ngày phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện và chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Hậu quả và hệ lụy từ cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu này đối với lịch sử thế giới hiện đại được tác giả phản ánh và phân tích kỹ. Bởi những gì một cuộc chiến tranh như Thế chiến hai mang lại thật kinh hoàng: khoảng 60-70 triệu người thiệt mạng, hàng trăm triệu người mất nhà cửa, hơn 30 quốc gia tham chiến ảnh hưởng kinh tế nặng nề, dư chấn chiến tranh kéo dài qua nhiều thế hệ. “Chiến tranh ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã gây ra những tàn phá không kể xiết”, còn “châu Âu bị chia năm xẻ bảy vì những căng thẳng chính trị” - tác giả viết.
Người dân ở châu Âu tràn ra phố ăn mừng trong thời khắc Thế chiến hai sắp kết thúc (1945) Ảnh tư liệu |
Bằng nguồn tư liệu đầy ắp (khéo léo kết hợp giữa tư liệu lưu trữ cùng các phỏng vấn, ghi chép, câu chuyện của nhiều chứng nhân), tác phẩm hệ thống lại một cách xuất sắc bối cảnh tình hình, từng diễn biến, các bước đi chiến lược quân sự của các bên… một cách khách quan, đa chiều. Chiến dịch Sư tử biển và trận chiến Anh; châu Phi và Đại Tây Dương; Trân Châu Cảng; Diệt chủng bằng hơi ngạt; Cuộc tấn công Ichigō và Leyte; Đột kích Philippines, Iwo Jima, Okinawa, Tokyo; Chiến dịch Berlin; Những thành phố của người chết… đều ngồn ngộn thông tin và tình tiết, khiến người đọc khó lòng rời bỏ khỏi những chương sách.
Quan tâm thân phận con người
Đặc biệt, vốn từng là một người lính, tác giả có cơ hội khắc họa chân thực và tinh tế những trận đánh khốc liệt đầy đau thương. Nhờ đó, lịch sử - nhất là lịch sử về chiến tranh, được tái hiện ly kỳ, không “khuôn mẫu” mà hướng về con người, quan tâm triệt để đến thân phận con người trong cuộc chiến lẫn thời hậu chiến. Như Antony Beevor viết sau cuộc chiến: “Ngoài số người đã chết còn có vô số người khác tật nguyền cả về tâm lý lẫn thể xác”.
Cuốn sách The Second World War của Antony Beevor |
Ngoài các con số về thảm kịch quốc gia và sắc tộc được thu thập để phản ánh sự tàn bạo của Thế chiến thứ hai và các nạn nhân của nó, nhiều mẩu chuyện về con người cho thấy thế chiến này “đã thay đổi cuộc sống của mỗi người theo những hướng không thể tiên liệu”.
Ở chương cuối “Bom nguyên tử và chinh phục Nhật Bản”, độc giả khó thể bỏ qua dòng cảnh báo của Antony Beevor: “Vẫn có một hiểm họa thực tế là Thế chiến thứ hai trở thành một điểm tham chiếu nhanh cả cho lịch sử hiện đại lẫn tất cả các xung đột nhất thời”. Ngày nay, khám phá những lớp sự thật dưới đống đổ nát lịch sử của thế chiến, tầng lớp nhân dân thế giới văn minh càng thấm thía rằng để các “xung đột nhất thời” không còn diễn ra ở bất kỳ nơi đâu trên hành tinh xanh này, không có gì khác hơn là nhân loại phải chung tay vì một mục tiêu duy nhất: hòa bình.
“Thế chiến thứ hai, với quy mô toàn cầu của nó là thảm họa do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử… Không một giai đoạn nào khác trong lịch sử đem lại một nguồn phong phú như vậy để nghiên cứu các mâu thuẫn, bi kịch của cá nhân và đông đảo mọi người, sự thối nát của chính trị quyền lực, thói đạo đức giả tư tưởng, thói hám danh của các chỉ huy, sự phản bội, ngang trái, sự xả thân, sự tàn ác khó tin và lòng trắc ẩn khó ngờ” - ANTONY BEEVOR viết trong Thế chiến thứ hai. |
Cẩm Điệp