Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nào giáo viên sống được bằng nghề?

06:08, 06/08/2022

Câu hỏi khi nào giáo viên sống được bằng nghề có từ nhiều năm nhưng không biết khi nào mới có câu trả lời chính thức. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chưa mấy mặn mà với ngành Sư phạm.

Câu hỏi khi nào giáo viên sống được bằng nghề có từ nhiều năm nhưng không biết khi nào mới có câu trả lời chính thức. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chưa mấy mặn mà với ngành Sư phạm.

Giáo viên Trường mầm non Trảng Táo, xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc trong giờ dạy Ảnh: t.nam
Giáo viên Trường mầm non Trảng Táo, xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc trong giờ dạy Ảnh: t.nam

Khi lương vẫn là điểm nghẽn

Với nhiều giáo viên hiện chủ yếu sống bằng tiền lương, nếu muốn có thêm thu nhập thì phải dạy thêm, trong khi không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm. Với những sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp, sống bằng lương lại càng khó.

Chị Đặng Thị D. mới về công tác tại một trường THCS công lập tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, lương khởi điểm khi nhận công tác tại trường chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nếu so với nhu cầu sống tối thiểu hiện tại thì không thể nào đủ.

Cô PHẠM THỊ HẢI ANH, Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Lương giáo viên “vật lộn” với bão giá

Nhiều năm nay giáo viên vẫn mong mỏi chính sách cải cách tiền lương, nhưng chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Với đồng lương còn ít ỏi, nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mới ra trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều khi đến kỳ tăng lương, lương tăng thêm được một đồng thì giá cả sinh hoạt tăng gấp đôi. Do đó, nhiều giáo viên đang hằng ngày phải “vật lộn” với bão giá…

Chị D. chia sẻ, nhà chị ở H.Định Quán, ra trường chị quyết tâm ở lại thành phố để tìm kiếm công việc với thu nhập tốt hơn nhưng không dễ dàng. Chi phí 3,5 triệu đồng/tháng phải chi nhiều khoản: tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền điện thoại…

“Tôi tốt nghiệp đại học đi làm rồi nhưng vẫn “ăn bám” cha mẹ. Hằng tháng, cha mẹ vẫn gửi đồ ăn, gửi thêm tiền để tôi trang trải. Sau này, khi có gia đình mà đồng lương mỗi lần tăng không được bao nhiêu thì không biết lấy gì để lo cho cuộc sống” - chị D. tâm tư.

Còn chị Bùi Thị Thu A., công tác tại một trường THCS tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị công tác ở mọt trường đặc thù luôn quá tải về trường lớp và sĩ số. Lớp chuẩn có 35 học sinh, thì chị phải “gồng mình” dạy tới 51 học sinh/lớp, tuy nhiên lương cũng không có chênh lệch là bao, chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chị A. đã phải bán quần áo trẻ em online những khi rảnh rỗi. Đã nhiều lần chị tính nghỉ việc để tìm một công việc có thu nhập cao hơn, ít gò bó hơn nhưng lại không đành vì nghĩ đến học sinh, nghĩ về nghề mình đã chọn.

Khi được hỏi tại sao không dạy thêm tại nhà để có thêm thu nhập như nhiều giáo viên khác, chị A. chia sẻ, dạy thêm là công việc nhiều giáo viên muốn, thậm chí thu nhập từ công việc dạy thêm còn nhiều hơn cả thu nhập chính nhưng không phải muốn là được. Lý do chị không thể dạy thêm là vì môn chị dạy được xếp là “môn phụ”, nhu cầu học thêm của học sinh gần như không có. Chỉ thi thoảng mới có học sinh nhờ chị phụ đạo thêm để đi thi học sinh giỏi môn Tin học.

Cần chính sách đồng bộ

Để thu hút học sinh phổ thông có học lực khá, giỏi sau khi tốt nghiệp THPT chọn ngành Sư phạm, ngoài việc tiếp tục được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng trong suốt năm học theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Khi giáo viên có đời sống tốt, họ yên tâm gắn bó với nghề lâu dài, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, giáo viên mới có nhiều thời gian để sáng tạo cho công tác dạy và học.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Với việc có thêm chính sách thu hút mới, Trường đại học Đồng Nai kỳ vọng năm 2022 này sẽ thu hút được nhiều học sinh có học lực khá, giỏi vào các ngành sư phạm, trong đó có cả những ngành từ trước đến nay khó thu hút người học. Đây chính là giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên hiện nay của tỉnh”.

Theo TS Phan Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nhờ chính sách từ Nghị định 116/2020/NĐ-CP mà trong 2 năm trở lại đây, các trường đại học sư phạm tuyển sinh “khởi sắc” hơn các năm trước rất nhiều. Nếu như trước đây chưa có chính sách này chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu là may, còn trong 2 năm trở lại đây các trường thường tuyển được trên 90%. Hiệu ứng từ Nghị định 116/2020/NĐ-CP chính là cơ hội cho các trường sư phạm tăng cường khả năng đào tạo giáo viên cho các địa phương hiện còn đang thiếu.

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, chính sách mới ban hành với sinh viên sư phạm từ trước đến nay, kể cả chính sách mới ban hành là Nghị định 116/2020/NĐ-CP cũng mới chỉ thu hút được đầu vào chứ chưa giải quyết triệt để được đầu ra. Muốn học sinh khá giỏi “đua” vào trường sư phạm thì phải có chính sách đồng bộ cả về đầu vào lẫn đầu ra, làm sao sau khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải có cuộc sống đảm bảo, sống được bằng lương. Bởi, thực tế, những học sinh khá giỏi sẽ không thiếu đường vào những trường đại học đa ngành với những ngành nghề ra trường là có thu nhập cao gấp nhiều lần nghề giáo viên.

Cô Lê Thị Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) chia sẻ, giáo viên là nghề cao quý, nhưng thực tế thu nhập của giáo viên lại chưa tương xứng với công sức mà hằng ngày họ phải cống hiến. Do đó, muốn giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, thì cần phải thực hiện sớm chính sách cải cách tiền lương đối với giáo viên.

Thành Nam

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tìm hiểu genz là gì Hiểu rõ deadline và tầm quan trọng