Ngày 2-8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023. Tại Đồng Nai, nhiều năm nay công tác tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên bậc mầm non, cũng đang gặp khó khăn.
Ngày 2-8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023. Tại Đồng Nai, nhiều năm nay công tác tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên bậc mầm non, cũng đang gặp khó khăn.
Sinh viên Khoa Sư phạm tiểu học, mầm non Trường đại học Đồng Nai trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: C.Nghĩa |
Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, các phòng GD-ĐT địa phương đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết, sẽ khó lòng tuyển đủ giáo viên như mong muốn, và câu chuyện thiếu giáo viên chưa thể giải quyết được ngay.
Chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu
Trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch Hứa Bửu Hổ cho biết, hằng năm huyện đều tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các trường mầm non và phổ thông (từ tiểu học đến THCS). Thế nhưng chưa năm nào huyện tuyển đủ chỉ tiêu mà các trường cần. Chẳng hạn năm 2021, chuẩn bị cho năm học 2021-2022, huyện đăng thông báo tuyển 300 giáo viên các bậc học mầm non và phổ thông nhưng không tuyển đủ cho cả các cấp học.
Đồng Nai cần tuyển dụng thêm 5.696 giáo viên ở các bậc học Theo kiến nghị của UBND tỉnh gửi Bộ GD-ĐT, từ 2022-2025, Đồng Nai cần tuyển dụng thêm 5.696 giáo viên ở các bậc học. Chỉ tính riêng năm 2022 này, số lượng giáo viên cần tuyển dụng lên tới 2.441 người, trong đó giáo viên tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non trình độ đại học chiếm nhiều nhất với 418 người, tiếp đó là sư phạm mầm non có trình độ cao đẳng 203 người. |
Theo ông Hổ, khó nhất vẫn là tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục. Đối với năm học 2022-2023, sẽ có thêm lớp 3 và 7 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, nhu cầu giáo viên các bộ môn sẽ tăng, vì vậy nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng nhưng chắc chắn sẽ khó tuyển đủ theo nhu cầu dự kiến.
Huyện Trảng Bom là một trong những địa phương có quy mô trường lớp và học sinh đông, chính vì vậy nhu cầu tuyển dụng giáo viên hằng năm tương đối cao. Hiện nay, huyện vẫn còn thiếu 73 giáo viên theo biên chế được giao, bên cạnh đó huyện còn thiếu tới 253 giáo viên theo định biên của huyện.
Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, mới đây, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 73 giáo viên còn thiếu so với biên chế và đang triển khai cho các trường tuyển dụng. Đối với 253 giáo viên còn thiếu theo định biên, sắp tới huyện sẽ triển khai tiếp vào đầu năm học mới 2022-2023.
Bà Hà chia sẻ, chuyện thiếu giáo viên và khó tuyển giáo viên là khó khăn chung của nhiều nơi chứ không riêng Trảng Bom. Khó khăn nhất với huyện là tuyển giáo viên một số môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật cho bậc tiểu học và THCS. Theo bà Hà, đầu ra của các trường đại học có đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc và Mỹ thuật hiện không nhiều. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non cho các trường công lập cũng chưa hết khó khăn. Nguồn đào tạo của các trường thì có nhưng khó thu hút, phần vì nguồn ít, phần vì thu nhập chưa hấp dẫn.
Đối với TP.Biên Hòa, địa phương có quy mô trường lớp và học sinh lớn nhất tỉnh, việc tuyển dụng giáo viên bổ sung cho năm học mới 2022-2023 lại càng khó khăn hơn. Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh, năm học sắp tới, quy mô học sinh của TP.Biên Hòa sẽ tăng khoảng 10 ngàn em. Như vậy, sẽ cần một số lượng giáo viên mới nhất định để đáp ứng cho nhu cầu dạy học. Hơn nữa, năm học sắp tới, ngoài các lớp đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gồm lớp 1, 2, 6 thì còn có thêm lớp 3 và 7, do đó nhu cầu tuyển dụng sẽ còn thêm nhiều hơn.
Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, năm học nào UBND TP.Biên Hòa cũng chỉ đạo tuyển dụng giáo viên tương đối sớm, tuy nhiên chưa năm thành phố tuyển đủ giáo viên được giao, dù rằng ở thành phố có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác.
Khó chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên
Ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán cho biết, tổng số giáo viên của huyện còn đang thiếu ở 3 cấp học là mầm non, tiểu học, THCS vào khoảng 100 người. Trong vài năm trở lại đây, huyện khó thu hút giáo viên về địa phương, dù hằng năm, huyện có khoảng 20 học sinh khối 12 trúng tuyển vào các ngành sư phạm tại Trường đại học Đồng Nai và Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Đối với giáo viên THCS thiếu không quá nhiều, huyện có thể bố trí “bù qua sớt lại”, còn với bậc mầm non và tiểu học thì đành chịu. Giáo viên sẽ làm việc nhiều tiết hơn để bù lại cho số giáo viên còn thiếu.
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT địa phương, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, việc thu hút sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đại học chính quy về công tác càng ngày càng khó. Nguyên nhân đầu tiên là nguồn đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, mức thu nhập và điều kiện sống của giáo viên ở trường huyện so với các trường ở thành phố là khá chênh lệch. Điều này dẫn tới sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chỉ muốn “bám” thành phố không muốn về địa phương công tác. Thậm chí, ngay ở khu vực thành thị, nhiều trường công lập cũng đang phải cạnh tranh khá gay gắt với các trường tư thục trong tuyển dụng giáo viên, bởi khu vực trường công lập và tư thục có mức chênh lệch thu nhập khá lớn.
Chị Lê Thị Thu, tốt nghiệp lớp đại học K7 chính quy, Khoa Sư phạm tiểu học - mầm non thuộc Trường đại học Đồng Nai vào tháng 6 vừa qua cho biết, chị đã có việc làm trước khi tốt nghiệp ở một trường phổ thông tư thục tại TP.Biên Hòa với mức lương khởi điểm hơn 10 triệu đồng/tháng. Nếu ra trường mà về một trường công lập nào đó ngay tại TP.Biên Hòa công tác, phải mất thời gian dài mới có được mức lương cao như vậy.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, trong đó có giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.
Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông công lập cho rằng, việc có thêm biên chế cho ngành là điều rất đáng phấn khởi, tuy nhiên cần thực hiện đồng bộ hơn về nhiều mặt. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đào tạo giáo viên, đảm bảo tốt chất lượng đầu ra. Cần nhất là phải cải cách triệt để thu nhập của giáo viên, để giáo viên sống được với nghề, từ đó yên tâm công tác, tập trung nâng cao chất lượng.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Có giải pháp đặt hàng đào tạo giáo viên Tỉnh đã hoàn thành khảo sát nhu cầu giáo viên các bậc học trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn 2022-2025, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xin được cấp biên chế. Cùng với đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường đại học sư phạm để đào tạo và cùng cấp cho tỉnh đối với những môn học đang bị thiếu giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn như: Nhạc, Họa, Tin học, Tiếng Anh… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thêm những chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non các trường công lập và tư thục theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, đảm bảo từng bước giúp giáo viên có đời sống tốt hơn. Trưởng phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu HUỲNH VĂN GẮT: Cần chính sách thu hút giáo viên Huyện Vĩnh Cửu có địa bàn rộng, trong đó có những xã vùng sâu vùng xa. Đến nay, trường nào của huyện cũng thiếu giáo viên, trừ các trường mầm non là tương đối ổn. Trước năm học mới sắp tới, huyện có 17 giáo viên xin chuyển ra khỏi địa phương vì nhiều lý do. Huyện đang phải tuyển bổ sung khoảng 70 giáo viên mới nhưng cũng khó khăn vì thu hút giáo viên về các trường vùng sâu vùng xa hiện nay không dễ. Cách đây vài năm, chính sách thu hút giáo viên về các xã vùng sâu vùng xa cũng đã bị cắt, do đó tuyển dụng càng khó khăn hơn. Muốn thu hút giáo viên, phải có chính sách tốt thì giáo viên mới chịu về địa phương công tác lâu dài. Đặng Công (ghi) |
Công Nghĩa