Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động mong được tăng ca

09:08, 27/08/2022

Từ quý II-2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai gặp khó khăn do ít đơn hàng nên phải giảm giờ làm thêm, không tổ chức tăng ca. Đây là vấn đề đang khiến nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm vì không tăng ca sẽ không đủ thu nhập để trang trải cuộc sống.

Từ quý II-2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai gặp khó khăn do ít đơn hàng nên phải giảm giờ làm thêm, không tổ chức tăng ca. Đây là vấn đề đang khiến nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm vì không tăng ca sẽ không đủ thu nhập để trang trải cuộc sống.

Gia đình anh Nguyễn Duy Khánh với bữa cơm tối tại nhà trọ P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.My
Gia đình anh Nguyễn Duy Khánh với bữa cơm tối tại nhà trọ P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.My

Trong bữa cơm tối của gia đình chỉ có vài món ăn với phần rau nhiều hơn phần thịt, anh Nguyễn Duy Khánh, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay, hơn 2 tháng nay, công ty anh đơn hàng giảm nên không tăng ca như trước. Do không được tăng ca, thu nhập hằng tháng giảm nên bữa cơm tối của cả gia đình gồm 4 người cũng đơn giản hơn.

* Tính toán kỹ chi tiêu

Gia đình anh Khánh năm nay có 2 con học lớp 5 và lớp 11 bước vào năm học mới. “Đầu tháng 7, cả 2 vợ chồng đều được công ty điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Niềm vui chưa trọn vẹn thì giá cả thị trường leo lang khiến đời sống chật vật hơn. Nay, công ty lại thông báo không tổ chức tăng ca nên thu nhập từ lương cơ bản phải tính toán kỹ hơn mới đủ chi tiêu” - anh Khánh bộc bạch.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh HỒ THANH HỒNG, để bảo vệ quyền lợi NLĐ, các cấp Công đoàn đang giám sát chặt chẽ điều chỉnh lương và các chính sách, phúc lợi và việc thực hiện pháp luật lao động của DN đối với NLĐ.

Công nhân Lê Thị Hiền, làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) cũng chung hoàn cảnh. Bắt đầu từ tháng 8, chị Hiền chỉ làm việc 4 ngày/tuần vì công ty giảm đơn hàng. Chị Hiền cho biết, nếu tình trạng này kéo dài, cuộc sống ở trọ sẽ rất khó khăn vì vừa lo cho con ăn học, vừa trả tiền thuê trọ và nhiều khoản phát sinh khác. Mong ước lớn nhất của chị Hiền là được tăng ca trở lại, được đi làm cả tuần như trước đây may ra mới có mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng để lo cho gia đình.

Cũng theo chị Hiền, hiện dù giảm giờ làm song công ty vẫn thực hiện đầy đủ phúc lợi cho công nhân như: hỗ trợ xăng xe, nhà ở và các khoản khác với mức trên 500 ngàn đồng/tháng. “Hầu hết NLĐ thu nhập đủ trang trải cuộc sống xa quê là do tăng ca nhiều. Còn nếu chi tiêu trong mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng thì rất chật vật. Chỉ mỗi tiền phòng trọ đã 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước thì phần còn lại chỉ có thiếu trước, hụt sau” - chị Hiền cho hay.

Còn anh Lê Văn Đính (quê An Giang, hiện ở trọ tại KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) có 8 năm làm công nhân tại một công ty sản xuất gỗ  tại P.Hố Nai. Từ đầu tháng 8 đến nay, anh Đính tan ca về phòng trọ sớm hơn mọi khi vì công ty không tổ chức tăng ca. Anh Đính cho biết, nếu không đi làm thêm, thu nhập của anh khoảng 6 triệu đồng (5,2 triệu đồng lương cơ bản và các khoản phụ cấp). Còn nếu tăng ca, mức thu nhập này tăng lên mức 7-8 triệu đồng/tháng. “Trước đây, mỗi tháng, tôi tiết kiệm gửi về quê cho mẹ được khoảng 3 triệu đồng. Còn hiện tại thì khó khăn hơn do công việc không ổn định” - anh Đính cho hay.

* Mong giữ nguyên phúc lợi

Chị Lê Thu Ái Minh, làm việc tại một DN may mặc H.Nhơn Trạch cho hay, trong thời điểm các DN đều gặp khó khăn do ít đơn hàng, các khoản phụ cấp của NLĐ rất dễ bị công ty trừ. Chẳng hạn, đối với tiền chuyên cần, nếu công nhân đi làm đầy đủ các ngày trong tháng thì mới được hưởng 300 ngàn
đồng/tháng. Còn nếu vào muộn 5-10 phút sẽ trừ tiền; nếu nghỉ làm 2 ngày thì bị trừ hết toàn bộ phụ cấp chuyên cần. Thậm chí, nếu con bị bệnh, phải nghỉ 2, 3 ngày để trông con mà không thuộc dạng nghỉ phép thì bị trừ hết tiền chuyên cần, trừ cả tiền xăng xe.

Công nhân Lê Thị Hiền làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) đang lo lắng cho học phí đầu năm học của con trai
Công nhân Lê Thị Hiền làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) đang lo lắng cho học phí đầu năm học của con trai

Cũng theo chị Minh, hiện lương cơ bản của chị 4,2 triệu đồng/tháng. Cộng với các khoản phụ cấp và tiền làm thêm, tháng cao nhất được nhận 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, có những tháng ít việc, phải nghỉ luân phiên như tháng 7 vừa qua, thu nhập của chị giảm xuống 4,5 triệu đồng/tháng. Lý do là ngoài không có tiền làm thêm, các khoản phụ cấp cũng bị trừ gần hết do nghỉ làm nhiều. Chồng chị làm cùng công ty và có thu nhập tương tự. Với tổng thu nhập hơn 9 triệu đồng của 2 vợ chồng và đang nuôi 2 con nhỏ cùng mẹ già, chị phải thắt chặt chi tiêu.

Trong đợt khảo sát việc làm, thu nhập, đời sống NLĐ tại Đồng Nai mới đây, bà Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua khảo sát tại một DN cho thấy, lương cơ bản của NLĐ là 4,5 triệu đồng/người/tháng; phụ cấp tay nghề từ 250 ngàn đồng đến 2 triệu đồng; tiền chuyên cần là 480 ngàn đồng/người/tháng. Với khoản phụ cấp tay nghề, công ty có thể trả cho NLĐ ở rất nhiều mức. Với tiền chuyên cần, NLĐ chỉ cần nghỉ một vài ngày cũng bị mất toàn bộ số tiền này. Thậm chí, có DN còn tính chuyên cần cho thời gian làm tăng ca hoặc đặt ra quy định NLĐ hoàn thành định mức thì mới được tiền chuyên cần.

Bà Lan cho rằng, về các khoản tiền phụ cấp cho NLĐ là quyền của DN, pháp luật không quy định cụ thể các khoản phụ cấp. Do đó, công cụ duy nhất là thương lượng. Công đoàn cần tăng cường vai trò của mình trong công tác thương lượng để đưa vào thỏa ước lao động tập thể những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, trong đó có các khoản phụ cấp DN buộc phải thực hiện và quyền lợi NLĐ được đảm bảo. Còn nếu quy định về các khoản phụ cấp mới chỉ đưa vào quy chế quản lý của thì công ty toàn quyền quyết định.

Chị NGUYỄN THỊ HUẾ, công nhân Công ty TNHH Fashion Garments (TP.Biên Hòa): Mong công việc ổn định trong những tháng cuối năm

Hiện tại, tôi được nghỉ làm ngày thứ bảy hằng tuần và chỉ tăng ca 1 giờ/ngày nên thu nhập cũng giảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tôi mong từ nay đến cuối năm, DN có nhiều đơn hàng để việc làm, thu nhập NLĐ sẽ tăng hơn. Đặc biệt, NLĐ sẽ được tăng ca mới đủ thu nhập trang trải cuộc sống.

Công nhân LÊ THỊ MINH NGUYỆT, Công ty TNHH Unipax (Khu công nghiệp Amata): Tăng ca trở lại để đảm bảo thu nhập

Hơn 2 tháng nay công ty không tổ chức tăng ca nên chúng tôi ít việc làm. Kéo theo đó, thu nhập giảm rõ rệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống xa quê, nhất là chi phí tiền thuê trọ, tiền học đầu năm cho con và sinh hoạt hằng ngày. Tôi mong sẽ được tăng ca trở lại vì nếu sống bằng lương cơ bản, NLĐ phải chật vật xoay xở.

Thảo My

Tin xem nhiều
Khám phá việc làm tphcm