Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ anh hùng không danh hiệu

07:08, 06/08/2022

Trong buổi sinh hoạt CLB gia đình văn hóa chuyên đề Tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ tại H.Nhơn Trạch ngày 28-7-2022, khi nói đến những nội dung cần tiếp tục thực hiện, có bàn đến việc giải quyết hồ sơ tồn đọng. Khi đề cập đến hồ sơ tồn đọng, có nhắc lại chuyện đau lòng về một nữ anh hùng không danh hiệu. Đó là trường hợp của chị Ba Huyền Tâm.

Trong buổi sinh hoạt CLB gia đình văn hóa chuyên đề Tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ tại H.Nhơn Trạch ngày 28-7-2022, khi nói đến những nội dung cần tiếp tục thực hiện, có bàn đến việc giải quyết hồ sơ tồn đọng. Khi đề cập đến hồ sơ tồn đọng, có nhắc lại chuyện đau lòng về một nữ anh hùng không danh hiệu. Đó là trường hợp của chị Ba Huyền Tâm.

Những năm 1968-1969, tình hình căng thẳng, ác liệt; giặc ra sức đánh phá để trả hận “Mậu Thân”, quân dân Nhơn Trạch kiên cường chống trả để bảo vệ căn cứ, phát triển phong trào. Trong chiến đấu, có những thành tích được tuyên dương anh hùng, cũng có những sự hy sinh thầm lặng, đau lòng. Trường hợp của nữ đồng chí Huyền Tâm là chuyện đau lòng đọng lại trong ký ức nhiều người.

Cán bộ kháng chiến và nhân chứng lịch sử Nhơn Trạch đều biết “chị Ba Huyền Tâm”. Theo sách Lịch sử Đảng huyện Nhơn Trạch, nữ đồng chí Huyền Tâm tên khai sinh là Lưu Thị Xinh, sinh 1942, người xã Long Tân, thoát ly tham gia kháng chiến năm 1962, kiên cường với công tác phụ nữ, từng làm Chủ tịch Hội Phụ nữ H.Nhơn Trạch. Trong kháng chiến, Ba Huyền Tâm đã vượt lên những khó khăn của nữ cán bộ, xả thân trong mọi phong trào, nhiều lần thoát chết, nhiều mất mát hy sinh trong đời riêng.

Ba Huyền Tâm kết hôn cùng đồng chí Lư Văn Chắc (Ba Vân) - Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, sinh 2 người con; năm 1966, Ba Vân hy sinh khi Huyền Tâm ở độ tuổi 24. Cám cảnh của nữ đồng chí trẻ, tổ chức mai mối cho Huyền Tâm gá nghĩa với đồng chí Phạm Minh Chính, cũng là Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch mà vợ là Trà Thị Ánh Nguyệt đã hy sinh. Hai người đồng cảnh ngộ, chung chí hướng, mặn nồng tình đồng chí nghĩa vợ chồng.

Ba Huyền Tâm có mang trong đời sống kháng chiến khắc khổ. Khoảng giữa năm 1968, Ba Huyền Tâm cùng đoàn công tác của Huyện ủy đến xã Long An, đêm nghỉ lại ở xóm Gốc. Máy bay Mỹ soi đèn, phát hiện, nả đạn vào đoàn công tác, mấy cán bộ hy sinh, nhiều người bị thương. Ba Huyền Tâm bị trúng đạn từ ngực trổ ra lưng, vỡ xương vai. Chị Ba đang kỳ thai nghén, bị thương nặng nên Ban Thường vụ Huyện ủy bàn, thống nhất ý kiến đưa chị ra cơ sở để trị thương và sinh nở. Người quyết định là đồng chí Nguyễn Văn Thông, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch. Người thực hiện là bà Phan Thị Nho (mẹ của đồng chí Hai Thông) và Võ Thị Quyện (vợ của đồng chí Phạm Minh Lý). Nơi ở để trị thương là nhà bà Mười Xéo (cơ sở cách mạng) ở xã Đại Phước. Được hơn 1 tháng, Ba Huyền Tâm sinh được một bé gái, nhưng bé yếu quá, không nuôi được. Ba Huyền Tâm buồn rầu, vết thương tái phát nên mấy ngày sau thì mất. Năm 1972, đồng chí Phạm Minh Chính cũng hy sinh, không tìm thấy xác.

Trường hợp đồng chí Ba Huyền Tâm không thuộc diện được công nhận liệt sĩ, bởi vì sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi xác minh, lời kể sự thật của các nhân chứng lịch sử như đồng chí Hai Thông, Năm Quyện không được xem trọng bằng lời khai để qua mắt địch thời đó, rằng Ba Huyền Tâm là sản phụ thường dân, chết vì vết thương cũ tái phát.

Nếu được xác minh đầy đủ, nữ đồng chí Lưu Thị Xinh (Ba Huyền Tâm) ắt đã được công nhận liệt sĩ. Nếu được công nhận liệt sĩ, Lưu Thị Xinh chắc đã được xét, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng với thành tích hi hữu: Có hai chồng là liệt sĩ, bản thân cũng là liệt sĩ.

Một tấm gương anh hùng và kết quả chưa được tuyên dương anh hùng khiến người đời sau đọng lòng.

Ong Mật

Tin xem nhiều