Đó là ý kiến đề xuất của nhiều bạn đọc (BĐ) sau khi xem bài viết Điều chỉnh phí thu gom rác hộ gia đình đăng trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 29-7.
Đó là ý kiến đề xuất của nhiều bạn đọc (BĐ) sau khi xem bài viết Điều chỉnh phí thu gom rác hộ gia đình đăng trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 29-7.
Nhân viên môi trường thu gom rác tại chung cư Thanh Bình (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) |
Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều BĐ cho rằng, việc tăng giá để tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tái đầu tư phương tiện, nhân công… là phù hợp. Tuy nhiên, khi phí tăng, chất lượng dịch vụ thu gom rác cũng phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhất trí chủ trương tăng giá
BĐ Võ Thị Kim Dung (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi rất quan tâm đến thông tin UBND tỉnh thống nhất cho điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom chất thải lên 30-40 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng và 50-300 ngàn đồng/tháng đối với cơ quan hành chính, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Khi đọc bài viết Điều chỉnh phí thu gom rác hộ gia đình trên Báo Đồng Nai, tôi thấy việc tăng giá là cần thiết. Bởi mức giá thu hiện nay đã áp dụng từ năm 2017 đến nay đã không còn phù hợp nữa”.
Một số bạn đọc Báo Đồng Nai kiến nghị, đơn vị, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, có biện pháp xử lý hành vi trốn đóng tiền thu gom rác, vứt rác bừa bãi, chưa thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác… |
“Bài viết đã nêu khái quát được những khó khăn của các đơn vị thu gom rác, tình trạng thu không đủ bù chi. Trong khi mức thu thấp, thậm chí có tình trạng trốn đóng phí, chi phí nhân công cao, không đủ nguồn đầu tư phương tiện vận chuyển… Vì vậy, nếu mức thu điều chỉnh có thể giải quyết phần nào bất cập này thì tôi nghĩ người dân cũng sẽ nhất trí” - bà Dung nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Thành (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho rằng, tăng giá thu gom rác còn có ý nghĩa giúp người dân giảm lượng rác thải sinh hoạt vứt ra hằng ngày. Khi việc thải càng nhiều phí càng cao thì bắt buộc người dân sẽ sử dụng tiết kiệm, giảm thải.
Tuy nhiên, theo ông Thành, khi tăng chi phí dịch vụ cần thực hiện theo lộ trình, phải tuyên truyền vận động để người dân nắm bắt, tạo sự đồng thuận cao. “Về nguyên tắc và theo quy định của pháp luật, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm giải quyết nguồn gây ô nhiễm đó. Việc người dân phải trả đúng, đủ phí thu gom, xử lý rác cũng là việc phải thực hiện” - ông Thành nói.
Quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ
Có không ít ý kiến BĐ bày tỏ lo ngại việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom chất thải có thể dẫn đến hành vi từ chối đăng ký thu gom, trốn đóng tiền rác. “Ở TP.Biên Hòa có 250 ngàn căn nhà nhưng chỉ hơn 50% đóng tiền thu gom rác hằng tháng. Không biết những hộ này đổ rác thải đi đâu, liệu khi tăng phí thì số người trốn đóng tiền rác có tăng lên không” - BĐ Trần Văn Phan (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ.
Để giải quyết cho vấn đề này, theo ông Phan, đơn vị chức năng của thành phố nên rà soát lại, yêu cầu các hộ gia đình đăng ký và đóng tiền thu gom rác. Đồng thời, tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định về môi trường của người dân, thu gom rác của doanh nghiệp thông qua hệ thống camera đô thị thông minh, có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi trốn đóng tiền rác, vứt rác bừa bãi, chưa thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác…
Giá dịch vụ được điều chỉnh tăng, thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo là ý kiến chung của nhiều người. BĐ Trần Thị Thanh Thủy (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đề nghị cần có chế tài đối với những hộ không đóng tiền rác và cần thay đổi phương tiện thu gom rác để giảm ô nhiễm.
“Hiện vẫn còn nhiều phương tiện vận chuyển, thu gom rác không đạt chuẩn; đơn vị thu gom tự động cắt giảm tần suất thu gom rác khiến rác thải còn tồn đọng gây ô nhiễm môi trường...” - bà Thủy phàn nàn.
Một số ý kiến BĐ đề xuất cần triển khai kế hoạch chuẩn hóa xe, phương tiện thu gom rác, nhất là ở các đơn vị dân lập vì hiện nay có ở nhiều khu dân cư người thu gom còn sử dụng xe thô sơ. Đối với các xe vận chuyển rác chuyên dụng từ nội đô đến các bãi rác xử lý tập trung phải đảm bảo sạch sẽ nhằm hạn chế phát tán mùi hôi …
Ngoài ra, có ý kiến BĐ đề xuất tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu gom từ các hộ dân phải đảm bảo đúng giờ, không được để rác ùn ứ trong khu dân cư hoặc trên đường gây cản trở giao thông; nhất là bố trí điểm tập kết rác phù hợp, xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng môi trường, phát tán mùi hôi mỗi khi rác được trung chuyển.
Kim Liễu
Bà ĐỖ THỊ KHÁNH LINH (P.Hóa An, TP.Biên Hòa):
Tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao
Tôi đồng tình với việc tăng giá dịch vụ thu gom chất thải theo mức giá UBND tỉnh quy định bởi mức giá như vậy là phù hợp với tình hình giá cả hiện nay. Khi giá cả nhiên liệu, nhân công đều tăng, lượng chất thải rắn thải ra môi trường ngày càng nhiều… nếu giữ giá dịch vụ theo trước đây sẽ gây khó cho các đơn vị thu gom và rất khó để tăng chất lượng dịch vụ.
Để có sự đồng thuận từ phía người dân, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rằng, liên tiếp những năm qua, tỉnh giữ mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không tăng giá là để chia sẻ với khó khăn của người dân. Trong điều kiện hiện nay, việc tăng giá là cần thiết, góp phần cải thiện điều kiện làm việc của công nhân môi trường, tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh dịch vụ làm ăn có lãi, tái đầu tư cho hoạt động thu gom giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Bà TRẦN THỊ MỸ LIÊN (xã Lộc An, H.Long Thành):
Nên có quy định xử phạt hành vi “trốn” đóng tiền rác
Đọc tin trên báo tôi thấy ở TP.Biên Hòa chỉ có 50% tổng số căn nhà trên địa bàn có đăng ký đóng tiền thu gom rác hằng tháng, H.Trảng Bom có khoảng 70% hộ dân đăng ký thu gom rác... Phải chăng có tình trạng trên là do chưa có áp dụng chế tài đối với hành vi không đóng tiền rác?
Theo tôi, nên có quy định xử phạt hành chính hành vi “trốn” đóng tiền thu gom rác để giúp thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tốt hơn. Hành vi không đóng tiền nên bị xử lý hành chính ở mức độ cao hơn nhiều so với mức tiền phí dịch vụ thu gom rác phải đóng. Khi bị “đánh” vào túi tiền, người dân tự khắc sẽ phải cân nhắc về việc thoải mái xả thải ra môi trường.
Khi mức đóng tiền thu gom rác được điều chỉnh tăng, nếu không có chế tài nghiêm khắc sẽ rất dễ xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường, thậm chí xuất hiện “rác tặc” (người sẵn sàng vứt rác sang nhà người khác để trốn tránh nghĩa vụ trả tiền rác). Đây là vấn đề mà đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần tính toán các giải pháp xử lý khi triển khai tăng phí thu gom rác thải.
Gia An (ghi)