Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết liệt ngăn dịch bệnh bùng phát

09:08, 20/08/2022

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại Đồng Nai với số ca bệnh và số ca tử vong đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, gần đây số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, gây lo ngại cho nhiều người.

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại Đồng Nai với số ca bệnh và số ca tử vong đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, gần đây số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, gây lo ngại cho nhiều người.

Người dân P.Suối Tre (TP.Long Khánh) ra quân phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Công Nghĩa
Người dân P.Suối Tre (TP.Long Khánh) ra quân phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Công Nghĩa

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng rất cần sự chủ động từ người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Cần sự chủ động từ người dân

Chiến dịch đồng loạt ra quân phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn Đồng Nai do chính quyền các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh triển khai mới đây đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.

Mới đây, tại buổi lễ phát động chiến dịch đồng loạt ra quân phòng, chống SXH, Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa HUỲNH TẤN ĐẠT đề nghị các xã, phường phòng, chống dịch SXH trên tinh thần quyết liệt, thực chất, rốt ráo. Giải pháp quan trọng nhất là diệt lăng quăng, diệt muỗi tại chính nơi ở, nơi làm việc, phát quang bụi rậm, không để tồn tại những vật chứa có nguy cơ đọng nước… Từ đó, kéo giảm tối đa số ca mắc và tử vong do SXH trên địa bàn.

BĐ Nguyễn Thanh Phong (ngụ KP.5, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay, qua thông tin từ báo chí, tôi thấy tình hình dịch bệnh SXH tại Đồng Nai diễn biến khá phức tạp. Tính đến ngày 13-8, toàn tỉnh ghi nhận hơn 17 ngàn ca mắc SXH (tăng gấp 3,5 lần) và 16 ca tử vong (tăng 15 ca so với cùng kỳ năm 2021).

 Khi thấy Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trực tiếp đến P.Hố Nai kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch SXH là ông Phong hiểu, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH rất cấp bách. “Ngay sau lễ phát động, tôi và các hộ dân khác đã hưởng ứng chiến dịch ngay bằng cách bắt tay dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đổ bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết, diệt muỗi… để phòng, chống dịch bệnh SXH” - ông Phong chia sẻ.

Theo ông Phong, ngoài tổ chức chiến dịch ra quân phòng, chống dịch bệnh SXH, trong thời gian tới, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của dịch SXH, sẽ tự khắc biết áp dụng các biện pháp quan trọng trong phòng tránh dịch là: diệt lăng quăng, diệt muỗi tại chính nơi ở, nơi làm việc; phát quang bụi rậm, lật úp các vật dụng chứa nước không để đọng nước tạo môi trường cho muỗi gây bệnh SXH sinh sản...

BĐ Nguyễn Hoàng Chinh (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) chia sẻ, đọc báo thấy số ca mắc SXH, Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai tăng, xuất hiện nhiều ca tử vong, ông thấy rất lo. “Dịch Covid-19, SXH nếu không được kiểm soát sẽ đe dọa đến sức khỏe người dân. Vì vậy, ngoài các hoạt động mà ngành Y tế, các cơ quan chức năng triển khai, mỗi người, mỗi nhà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh SXH để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình” - ông Chinh nói.

Cùng suy nghĩ với ông Chinh, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh đóng vai trò quan trọng. Đối với bệnh SXH, biện pháp cốt lõi là diệt lăng quăng, nếu người dân không dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường thường xuyên thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, kéo theo nhiều ca bệnh SXH xuất hiện. Còn đối với Covid-19, biện pháp phòng bệnh phải thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế là tiêm ngừa đầy đủ, đeo khẩu trang nơi công cộng (chợ, siêu thị, khu vui chơi, công viên)...

* Duy trì thường xuyên, liên tục

Chính sự chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh là yếu tố làm tăng nguy cơ  dịch chồng dịch trong cộng đồng. BĐ Lê Minh Thư (ngụ TP.Long Khánh) chia sẻ, qua theo dõi thông tin về lễ phát động ra quân phòng, chống dịch bệnh SXH trong toàn tỉnh, bà rất tâm đắc với phát biểu của lãnh đạo tỉnh khi chỉ đạo quá trình triển khai phòng, chống dịch bệnh phải quyết liệt, thực chất, không được làm hình thức. Phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong cả hệ thống chính trị, trong mỗi cán bộ đảng viên và người dân.

Người dân H.Nhơn Trạch đổ bỏ các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng. Ảnh: Hạnh Dung
Người dân H.Nhơn Trạch đổ bỏ các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng. Ảnh: Hạnh Dung

Để phát huy hiệu quả của chiến dịch ra quân phòng, chống dịch SXH, BĐ Nguyễn Thị Trang (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất các địa phương, nhất là những nơi có nhiều ca mắc SXH, nguy cơ dịch bệnh cao cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp cố ý không tuân thủ phòng, chống dịch theo quy định.

Đồng tình với quan điểm của bà Trang, một số BĐ đề xuất giải pháp để khống chế tốt dịch bệnh là ở những nơi có nguy cơ cao trên địa bàn, chính quyền và ngành y tế cần phân công tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý dứt điểm. Song song đó, các lực lượng chức năng cần tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức, quản lý các điểm có nguy cơ dịch bệnh cao cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, mùa khai giảng đang đến gần, nhiều BĐ cho rằng, công tác phòng, chống dịch bệnh trong các trường học cũng đặc biệt quan trọng, cần quan tâm sớm. Vì dịch Covid-19 vẫn còn và dễ lây lan trong trường học nếu không có biện pháp phòng dịch tốt.

Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN HỮU TÀI: Không chủ quan với dịch bệnh Covid-19

Người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh Covid-19. Để chủ động phòng ngừa cần tiêm đủ các liều vaccine ngừa Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế, đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn. Hiện nay với sự xuất hiện biến thể mới của Omicron có khả năng làm tăng số ca nhiễm bệnh, ca tử vong do Covid-19. Đặc biệt là với nhóm người dễ tổn thương như: người già, người có bệnh lý nền nặng, ung thư, lao phổi hay bị các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV… Ngành Y tế Đồng Nai vẫn xác định, vaccine phòng Covid-19 là nền tảng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, là yếu tố tiên quyết để chấm dứt và ngăn không để dịch bệnh bùng phát trở lại với sự xâm nhập của các biến chủng mới.

BS CKI PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai: Thực hiện tốt các biện pháp công tác phòng, chống dịch SXH

Hiện nay, bệnh SXH chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Hiện đang là mùa mưa, để phòng chống bệnh SXH, người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng). Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày, để tránh muỗi đốt.

Gia An (ghi)

Kim Liễu

Tin xem nhiều