Rằm tháng 7 năm nay đúng vào thứ sáu (ngày 12-8). Đây là một ngày rằm quan trọng trong lịch lễ Âm lịch của dân gian Việt Nam, gắn với tháng 7 nhân văn với tinh thần: Hiếu đạo, yêu thương, vị tha, tu học, đặc biệt là sự quan tâm đến "Thập loại chúng sinh" đã khuất. Nói đến tháng 7 nhân văn, không thể quên bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.
Rằm tháng 7 năm nay đúng vào thứ sáu (ngày 12-8). Đây là một ngày rằm quan trọng trong lịch lễ Âm lịch của dân gian Việt Nam, gắn với tháng 7 nhân văn với tinh thần: Hiếu đạo, yêu thương, vị tha, tu học, đặc biệt là sự quan tâm đến “Thập loại chúng sinh” đã khuất. Nói đến tháng 7 nhân văn, không thể quên bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.
Đi lễ chùa. Ảnh: Internet |
Bài văn tế này còn được gọi là Văn chiêu hồn hoặc Văn tế chiêu hồn, hiện chưa rõ Nguyễn Du viết lúc nào, nhiều tài liệu cho rằng viết trước cả tuyệt tác Truyện Kiều, khi ông còn làm Cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812), sau một trận dịch bệnh, nhiều người chết, người ta lập nhiều trai đàn cầu siêu. Bản văn được nghiên cứu sớm nhất có lẽ là bản in khắc ván năm 1895 do nhà sư Chính Đại lưu giữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, H.Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian sáng tác chưa rõ, nhưng tinh thần nhân văn đậm màu Phật pháp của Nguyễn Du đồng điệu với dân gian thì quá rõ. Bài văn tế gồm 184 câu song thất lục bát, theo thể cổ văn dành để cúng tế cầu siêu cho người đã khuất. Văn từ đậm nét Phật giáo, cảm xúc đầy chất thơ, chất tình của nhà thơ lớn dành cho số phận những con người đã khuất:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
...Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quý ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?…
Thập loại chúng sinh được nêu trong văn tế gồm 16 loại người, đều là những loại người hoàn cảnh khác nhau; khi ở dương gian hoặc thấp hèn hoặc tội lỗi hoặc nghịch cảnh trớ trêu, nhưng khi đã khuất đều bất hạnh, đáng thương, cần hơi ấm tình người nhân thế. Văn tế nêu gần như không thiếu hạng người nào: 1. Những kẻ “tính đường kiêu hãnh” tham danh vọng mà quên mạng sống; 2. Những kẻ giàu sang sống trong “màn loan trướng huệ” tự kiêu, tự mãn; 3. Những kẻ làm quan to “mũ cao áo rộng” cầm ngọn bút sinh sát trong tay; 4. Những tướng sĩ “bài binh bố trận” “đem mình vào cướp ấn nguyên nhung” phơi thây trăm họ để lập công; 5. Những kẻ tính đường trí phú bôn ba lìa bỏ quê nhà để mong được giàu sang; 6. Những kẻ “rắp cầu chữ quý; 7. Những kẻ vào sông ra bể, chết trong sóng gió hiểm nguy; 8. Những kẻ thương buôn đường xa; 9. Những kẻ phải đi lính chết trận; 10. Những kẻ sa cơ thất thế rơi vào “buôn nguyệt bán hoa”; 11. Những người hành khất “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”; 12. Những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên; 13. Những kẻ hữu sinh vô dưỡng; 14. Những trẻ sơ sinh mất mẹ cha; 15. Những người chết vì các loại tai nạn thủy, hỏa, ác thú; 16. Những kẻ vô tự tức không con cái, thân thuộc.
Đối với mỗi loại người, tác giả đều có sự cảm thông sâu sắc và cảm xúc chân tình. Như là, đau đớn, chia sẻ kiếp người buôn nguyệt bán hoa:
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Đâu chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Hoặc là, cảm thông thương xót những người tù:
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?
Về văn chương, đã có nhiều áng văn nổi tiếng viết về công trạng, tâm trạng và hiện trạng anh hùng. Nhưng trái tim nhà văn nhỏ máu về số phận con người vô danh đã khuất như thế thì không dễ:
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Cùng với bài Văn tế truy điệu những lương dân chết đói năm 1945 của GS Vũ Khiêu, bài Văn tế thập loại chúng sinh này xứng đáng đi vào giáo khoa, trong giáo dục gia đình và giáo dục cộng đồng để truyền lửa yêu thương người khác vào lòng người Việt Nam, từ xưa đến nay và mãi mãi. Sách giáo khoa Văn học 10 giai đoạn 1990-2006 có nội dung bài văn tế này trong phần đọc thêm. Không biết hiện nay, trong chương trình cải cách giáo dục hiện đại như thế nào?
Huỳnh Văn Tới