Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) vừa ra mắt sân khấu Tài năng thiếu nhi với chương trình Ươm mầm những hạt ngọc. Vậy là sau khi ra mắt sân khấu Tài năng trẻ dành cho nghệ sĩ trẻ cọ xát nghề của nhà hát hồi đầu tháng 7, sân khấu Tài năng thiếu nhi là nơi nhen nhóm cho việc nhà hát tìm kiếm thế hệ nghệ sĩ kế thừa tương lai.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) vừa ra mắt sân khấu Tài năng thiếu nhi với chương trình Ươm mầm những hạt ngọc. Vậy là sau khi ra mắt sân khấu Tài năng trẻ dành cho nghệ sĩ trẻ cọ xát nghề của nhà hát hồi đầu tháng 7, sân khấu Tài năng thiếu nhi là nơi nhen nhóm cho việc nhà hát tìm kiếm thế hệ nghệ sĩ kế thừa tương lai.
Tiết mục Những cây bút chì màu. Ảnh: Trí Trọng |
* Những tài năng nhí cải lương cùng góp mặt trên sân khấu sau đại dịch
Sân khấu Tài năng thiếu nhi được thành lập với mục đích tạo sân chơi cho các em, đồng thời tìm kiếm, bồi dưỡng kiến thức nghệ thuật sân khấu cải lương cho các em thiếu nhi, với mong muốn tạo nên một lực lượng kế thừa cho nghệ thuật cải lương.
Sân khấu không chỉ dành cho con em nghệ sĩ, nhân viên nhà hát mà còn mở rộng với các cháu trong độ tuổi từ 6-13, có năng khiếu và niềm đam mê cải lương trên địa bàn thành phố. Các em sẽ được các nghệ sĩ, đạo diễn chuyên nghiệp hướng dẫn về ca hát, kỹ thuật biểu diễn cải lương.
Đêm diễn tối 30-7 có sự góp mặt của 12 em, đa số là con em nghệ sĩ như: Tú Quyên, Hồng Quyên (con nghệ sĩ Tú Sương), Thảo Trâm, Thảo Trúc (con của Điền Trung - Lê Thanh Thảo), Kim Thư (con của Ngọc Nga), Quỳnh Anh (con của Mỹ Hằng), Anh Thư (con của Thy Trang)…
Nghệ sĩ Điền Trung xúc động chia sẻ anh và vợ là nghệ sĩ Lê Thanh Thảo luôn muốn các con theo nghề. Tuy nhiên các cháu cũng bị ảnh hưởng với các loại hình giải trí trẻ trung khác, thích nghe nhạc, những điệu nhảy sôi động. Là “con nhà nòi” nên ngay từ khi con trong bụng mẹ, các con của Điền Trung cũng sớm tiếp xúc với màu sắc của nghệ thuật và sớm bước lên sân khấu với vài vai diễn nho nhỏ. Tuy nhiên qua đợt dịch kéo dài, Điền Trung nói con mình gần như quên những bài bản cải lương. Vì vậy khi có sân khấu Tài năng thiếu nhi, anh cảm thấy rất vui vì các con lại được tập luyện, lại trở lại tình yêu sân khấu và biết đâu có thể nối tiếp nghệ thuật truyền thống của gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng đã trăm năm ăn cơm Tổ nghiệp.
Buổi biểu diễn ra mắt chỉ gói gọn trong hơn 70 phút nhưng bước đầu tạo được nhịp để các “nghệ sĩ nhí” làm quen lại với sân khấu. Những tiểu phẩm như: Những cây bút chì màu, Bạch Xà tìm linh chi thảo… ngăn ngắn đủ để mỗi bé có đất thể hiện khả năng của mình.
Kim Thư, cô bé xuất sắc với vai bé Nắng trong phim điện ảnh Nắng ngày nào nay đã 12 tuổi vẫn giữ được phong độ với hình ảnh cây bút chì màu xanh tự phụ, xem mình là nhất không tôn trọng tập thể.
Góp mặt trong Những cây bút chì màu còn có các bé Tú Quyên, Hồng Quyên, Thảo Trâm… Bạch Xà tìm linh chi thảo là một trích đoạn để các bé nhỏ thể hiện khả năng hát diễn cải lương tuồng cổ. Bé Thảo Trúc, con nghệ sĩ Điền Trung - Lê Thanh Thảo đã có màn vũ đạo khá mãn nhãn cùng các bạn diễn trong tiết mục. Xúc động hơn là phần vũ đạo dù ngắn nhưng được nghệ sĩ Thanh Sơn, em trai út NSND Thanh Tòng, đến kèm cặp để các cháu thể hiện thật tốt trên sân khấu…
* Đi tìm những nghệ sĩ mới
Sân khấu nói chung hiện nay cực kỳ khó khăn, sân khấu cải lương cũng không ngoại lệ. Một trong những điều khiến người làm nghề “đau đầu” là hiện nay đang thiếu hụt lực lượng kế thừa. Và việc cho ra đời 2 sân khấu liền kề nhau của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là việc mà nhà hát tính toán từ lâu. Tuy nhiên, do vướng dịch bệnh và một số yếu tố khách quan nên đến thời điểm này, nhà hát quyết thực hiện cho bằng được.
Với sân khấu Tài năng thiếu nhi, trước mắt nhà hát tận dụng nguồn có sẵn là các em có năng khiếu là con em nghệ sĩ trong nhà hát và nghệ sĩ tự do. Với những bé này, điều thuận lợi là các em được làm quen với sân khấu từ rất sớm. Có nhiều em khi cha mẹ diễn thường ôm cánh gà đứng coi nên tình yêu sân khấu đã hình thành lúc nào không hay. Việc đào tạo, bổ sung kiến thức cho các em cũng dễ dàng hơn vì các em đã có ý niệm về sân khấu nên tiếp thu rất nhanh. Bên cạnh đó, ngoài việc mời các diễn viên, đạo diễn giỏi dạy dỗ cho các em thì việc truyền nghề trực tiếp từ cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày hỗ trợ rất lớn để phát huy khả năng của các em.
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết nhà hát tận dụng mọi mối quan hệ để tìm kiếm những em thiếu nhi bên ngoài có năng khiếu và đam mê nghệ thuật cải lương, mời các em về tham gia sân khấu. Các em sẽ được tập dượt biểu diễn làm quen với vài chương trình tổng hợp. Đến khi nào ổn, nhà hát sẽ thực hiện một vở cải lương trọn vẹn. Dự định sắp tới là kịch bản Vương quốc thú nhồi bông của tác giả Biển Kiện Tùng Phi.
Những chương trình biểu diễn từ sân khấu này sau khi ra mắt sẽ được nhà hát sắp xếp đưa đi biểu diễn phục vụ khán giả trong mùa hè.
Sân khấu Tài năng thiếu nhi không chỉ có mục đích phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu nhí về cải lương mà còn kỳ vọng từ những chương trình biểu diễn sẽ xây dựng một lớp khán giả yêu cải lương trong tương lai. |
Trí Trọng