Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó "chạm"

10:08, 26/08/2022

Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu cho sản xuất ngày càng khan hiếm, việc phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra cho mỗi quốc gia và doanh nghiệp (DN). Theo đó, xanh hóa quá trình sản xuất, ứng dụng các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường đang được các DN hướng tới.

Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu cho sản xuất ngày càng khan hiếm, việc phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra cho mỗi quốc gia và doanh nghiệp (DN). Theo đó, xanh hóa quá trình sản xuất, ứng dụng các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường đang được các DN hướng tới.

Doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan mô hình sản xuất hiệu quả của Công ty Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế
Doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan mô hình sản xuất hiệu quả của Công ty Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế

Nền KTTH là chu trình khép kín, tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Tuy nhiên, để có thể tối ưu hóa được những mục tiêu như trên, đối với cộng đồng DN, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa là quá trình dài.

* DN nhỏ tiếp cận khó hơn

Tại Công ty CP sản xuất bao bì Toàn cầu (TP. Biên Hòa), việc tối ưu hóa chi phí sản xuất là vấn đề mà DN rất quan tâm và nỗ lực để cải thiện trong tời gian qua. Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty cho hay ngành bao bì liên quan đến rất nhiều ngành sản xuất khác vì là tác nhân tạo nên nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Xu hướng sử dụng bao bì hiện nay ngày càng ưu tiên vấn đề thân thiện với môi trường. Do vậy, DN cũng đang nỗ lực để hạ chi phí sản xuất, giảm thiểu các tác động đến tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế cũng đang từng bước được đẩy mạnh, tuy nhiên cũng còn rất khó khăn, nhất là vấn đề đầu tư hệ thống, hạ tầng và nghiên cứu vật liệu mới. “Hiện chúng tôi bắt đầu từ quản trị sản xuất, quản trị con người, nâng cao nhận thức của đội ngũ trước hết rồi sau đó mới có thể đẩy mạnh các giải pháp thay thế” - ông Chính chia sẻ.

Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) là đơn vị tiên phong tham gia KTTH.

Ông TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành): Để phát triển bền vững không chỉ một mình DN tự bơi

Muốn đạt chuẩn, chúng ta phải đổi mới công nghệ, làm đúng quy chuẩn sản xuất tiên tiến, kể cả từ con ốc vít. Hiện nay, đa phần DN đang có quy mô nhỏ, vừa yếu về cơ sở vật chất, vừa chưa có đủ đội ngũ nhân lực chất lượng cao để có thể ứng dựng những công nghệ mới, hướng mạnh đến KTTH. Những vấn đề này, nếu chỉ bản thân DN tự bơi thôi thì chưa đủ, cần có chiến lược dài hơi từ cơ quan quản lý, từ đó mới có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thông thường, các đơn vị, HTX khác thường chỉ thu mua để xuất khẩu chuối qua thị trường Trung Quốc hoặc chế biến quả chuối là chính. Những phụ phẩm khác từ cây chuối như thân cây bị bỏ rất uổng phí. Do vậy, HTX này đã nghiên cứu và sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm. Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản…

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX cho hay xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn. Đơn vị vẫn đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này. Nói thì dễ nhưng để có thể phát triển quy mô lớn hơn trong điều kiện hiện nay của HTX là rất khó.

“Đầu tiên là vốn, chúng tôi rất cần vốn để đầu tư hệ thống máy móc, kỹ thuật nhằm tạo ra các sản phẩm mới, ứng dụng hết các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nhưng không dễ. Nguồn vốn đã cạn nhưng vay mới chưa có. Hơn thế nữa, hiện nay sự hợp tác, liên kết giữa các DN trong cùng ngành nghề với nhau còn lỏng lẻo. Mạnh ai nấy làm, ngay cả việc hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm trong lúc khó khăn còn khiêm tốn. Vì thế chưa thể liên kết để tạo ra được những sản phẩm thật sự chất lượng, giá trị cao như mong muốn” - ông Hùng trăn trở.

* Những bước sơ khai

Từ đầu thế kỷ XXI, một số nước trên thế giới đã triển khai chương trình KTTH để hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong sản xuất công nghiệp KTTH giúp tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc và nguyên liệu thô. DN áp dụng mô hình trên sẽ đem lại lợi ích cho cả bên sản xuất và tiêu thụ, đồng thời giúp cho thị trường tăng trưởng cao và ổn định.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, các nhãn hàng thế giới vừa khuyến khích và yêu cầu các nhà máy sản xuất, cung ứng sản phẩm cho mình phải có lộ trình ứng dụng những máy móc công nghệ hiện đại vào trong sản xuất để nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm khí thải, tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Các DN vừa và nhỏ trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài buộc phải từng bước tham gia vào KTTH. Bước đầu của chặng đường này là chuyển đổi công nghệ.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Những đối tác nước ngoài ngày càng đòi hỏi cao về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nên công ty buộc phải trang bị thêm các máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất. Với DN nhỏ, nguồn vốn hạn chế thì đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại là vấn đề lớn không dễ thực hiện”. Tuy nhiên, theo ông Khanh, muốn tồn tại và phát triển, cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia khác, DN nhỏ Việt Nam buộc phải tính toán, ưu tiên nguồn vốn để từng bước thay đổi công nghệ, đảm bảo thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, KTTH hiện còn khá mới mẻ với các DN nhỏ và vừa nên nhiều DN chưa có kế hoạch, định hướng cụ thể để tham gia. Các DN nhỏ đa số mới nhen nhóm những bước sơ khai là thay đổi dần những máy móc cũ, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện hoặc dùng năng lượng mặt trời.

Các quốc gia đi đầu trong KTTH như: Phần Lan, Đức, Australia, Trung Quốc… cho rằng, KTTH giúp cho nền kinh tế của các nước kiếm thêm hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó lại tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và góp phần chống biến đổi khí hậu. Với từng DN áp dụng KTTH sẽ giúp giảm chi phí mua nguyên vật liệu thô, đồng thời hạn chế được rủi ro, nguồn cung cấp nguyên liệu. Vì thế, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng KTTH vào các ngành sản xuất công nghiệp như: dệt may, hóa chất, khai thác mỏ, chế biến nông sản...

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Như Tùng cho hay: “Hàng trăm nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới đã đưa ra tuyên bố là sẽ phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Do đó, các nhà máy sản xuất cho các nhãn hàng buộc phải có lộ trình chuyển đổi xanh và những nhà máy sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo và ứng dụng mô hình sản xuất tuần hoàn sẽ được các nhãn hàng ưu tiên đặt hàng với số lượng lớn hơn”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh rất ít DN nhỏ áp dụng được dây chuyền sản xuất có xử lý nước thải và tái sử dụng.

Hương Giang - Vương Thế

Tin xem nhiều