Báo Đồng Nai điện tử
En

Tri ân ơn nghĩa sinh thành

07:08, 06/08/2022

Những ngày tháng 7 âm lịch hằng năm, không chỉ phật tử khắp nơi hướng về lễ Vu Lan báo hiếu mẹ cha mà những người Việt Nam nói chung cũng một lòng bày tỏ lòng hiếu thảo đối với mẹ cha, tri ân nguồn cội, tưởng nhớ tổ tiên, như một truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc.

Những ngày tháng 7 âm lịch hằng năm, không chỉ phật tử khắp nơi hướng về lễ Vu Lan báo hiếu mẹ cha mà những người Việt Nam nói chung cũng một lòng bày tỏ lòng hiếu thảo đối với mẹ cha, tri ân nguồn cội, tưởng nhớ tổ tiên, như một truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc.

Đoàn người khiếm thị thăm viếng chùa
Đoàn người khiếm thị thăm viếng chùa

Thật vậy, từ xa xưa, lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một tập quán, thấm sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam và ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng tỏ đạo lý dân tộc.

Không ai lớn lên mà không có mẹ cha, không có cội nguồn, do vậy, không phải đợi đến mùa Vu Lan, mỗi người mới thể hiện lòng báo hiếu của mình với mẹ cha, cội nguồn. Bởi lẽ hiếu đạo là việc của cả một đời, có ý nghĩa thiêng liêng và thể hiện thường trực trong đời sống hằng ngày của mỗi người dành cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Nhưng vào mùa Vu Lan, với điển tích Phật giáo về quá trình Bồ tát Mục Kiền Liên giải cứu linh hồn người mẹ đang bị đày ở địa ngục, còn gọi ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày “mở cửa ngục”, “lễ xá tội vong nhân”, như nhắc nhở mỗi người hướng về đấng sinh thành nhiều hơn, khiến lòng mỗi người thêm thanh lọc và nhân ái để thực hành ngày một nhiều hơn những việc tốt, việc thiện với gia đình và xã hội.

Mùa lễ Vu Lan, cảm giác thiêng liêng khi mỗi người thực hiện nghi thức cài lên ngực mình một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho những người đang còn cha còn mẹ, màu trắng biểu trưng cho ai đã mất mẹ, mất cha. Qua đó, mỗi người ý thức hơn về trách nhiệm, đạo hạnh của mình với cha mẹ, gia đình, tổ tiên. Nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi hội nhập văn hóa, nhịp sống công nghiệp, đô thị hối hả, nhiều người “lãng quên” trách nhiệm, nghĩa vụ làm con, làm cháu trong gia đình; một bộ phận giới trẻ có xu hướng chạy theo lối sống hưởng thụ, ích kỷ, cá nhân; một bộ phận người dân chạy theo các giá trị vật chất; thậm chí xảy ra những tệ nạn xã hội đau lòng với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức.

Do vậy, việc giáo dục, đề cao, lan tỏa hơn nữa những giá trị tốt đẹp của dân tộc, về luật “nhân - quả”, về những giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống với mục đích “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”… là điều nên làm, cần kíp. 

Hòa trong mùa lễ Vu Lan với lòng thành kính, lời bài hát Ơn nghĩa sinh thành vang vọng: “…Công đức sinh thành, người hỡi đừng quên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.

Mỹ Ngôn

Tin xem nhiều