Báo Đồng Nai điện tử
En

Âm vang... Đồng Nai

07:09, 03/09/2022

Trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn và cả các chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức tại Đồng Nai thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ca khúc về quê hương Đồng Nai được lựa chọn biểu diễn.

Trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn và cả các chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức tại Đồng Nai thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ca khúc về quê hương Đồng Nai được lựa chọn biểu diễn.

Ca sĩ Ngọc Khoa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn ca khúc về Đảng, Bác Hồ phục vụ khán giả tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ly Na
Ca sĩ Ngọc Khoa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn ca khúc về Đảng, Bác Hồ phục vụ khán giả tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ly Na

Các nghệ sĩ, ca sĩ trên địa bàn tỉnh đã tích cực đưa các nhạc phẩm về Đồng Nai lên sân khấu, mang đến sinh khí mới cho tác phẩm, khiến các ca khúc trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn trong cảm nhận của khán giả.

* Không ngừng “giữ lửa”…

Những năm qua, ca sĩ Ngọc Khoa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai luôn tích cực đưa các ca khúc của Đồng Nai và những bài hát về Đảng, Bác Hồ; hay những ca khúc được viết trên nền nhạc thính phòng trầm hùng đến với đông đảo công chúng. Không chỉ sở hữu chất giọng nam cao, ấm áp, cuốn hút người nghe, ca sĩ Ngọc Khoa còn tham gia giảng dạy, truyền lửa cho những người trẻ trong và ngoài tỉnh.

Tối 1-9, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức chương trình với chủ đề Âm vang Đồng Nai. Chương trình gồm 14 tiết mục ca múa nhạc với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên đến từ Đồng Nai và TP.HCM.

Ca sĩ Ngọc Khoa cho biết, anh cảm thấy rất vui và tự hào mỗi khi đứng trên sân khấu, hát những ca khúc về quê hương Biên Hòa - Đồng Nai. Đặc biệt, anh thường xuyên livestream, dạy thanh nhạc trực tuyến, hòa âm phối khí, thu âm, phát hành MV mới… qua mạng xã hội. Qua đó, tương tác với khán giả trong và ngoài tỉnh, đưa các sản phẩm âm nhạc đến với người nghe một cách nhanh nhất, gần nhất và chân thực nhất.

Sinh ra tại xã Phú Túc (H.Định Quán) - một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, từ nhỏ nhạc sĩ Điểu Được đã được nghe, cảm thụ và say mê các loại nhạc cụ cũng như câu hát của đồng bào. Những lời ca, điệu hát ngọt ngào, đậm đà bản sắc của bà con Chơro như “mạch máu” nuôi dưỡng tâm hồn để rồi ông say mê và yêu âm nhạc dân tộc tự lúc nào không hay. Vừa sáng tác, nhạc sĩ Điểu Được vừa có thể hát bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Chơro để đáp ứng nhu cầu bà con và công chúng khán giả.

Là người say mê, tìm tòi các chất liệu âm nhạc dân gian dân tộc, nhạc sĩ Điểu Được không quản ngại khó khăn, đặt chân tới các địa phương, nơi có người Chơro sinh sống để thu thập, thẩm thấu và chắt lọc tinh hoa văn hóa, cho ra đời những ca khúc hay. Nhiều nhạc phẩm của ông ra đời đã trở thành bài ca truyền thống của quê hương, là “biểu tượng” âm nhạc, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc ở Đồng Nai như: Người Chơro nhớ ơn Bác Hồ, Điện sáng về làng Chơro… Ca từ trong tác phẩm của ông đều mộc mạc, giản dị, người nghe có thể hình dung được cuộc sống muôn màu muôn vẻ cũng như những ước nguyện, tình cảm của đồng bào Chơro.

“Trong chương trình Âm vang Đồng Nai vào tối 1-9, tôi biểu diễn ca khúc Gùi theo em lên nương. Đây là bài hát do chính tôi sáng tác. Tôi hy vọng rằng, ca khúc chạm đến trái tim của người nghe cũng như lan tỏa âm nhạc của đồng bào Chơro nói riêng, Đồng Nai nói chung đến với mọi người. Sáng tác và biểu diễn là cách để tôi giữ lửa với tình yêu âm nhạc của mình” - nhạc sĩ Điểu Được bộc bạch.

* Lan tỏa âm nhạc Đồng Nai đến công chúng

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010, đến nay đã trở thành ngày hội tôn vinh các giá trị âm nhạc, ngày hội của công chúng yêu nhạc. Những năm qua, Hội thường xuyên quan tâm tổ chức các đêm nhạc, vừa biểu diễn các sáng tác mới của nhạc sĩ Đồng Nai vừa giao lưu với các tỉnh, thành phố trong khu vực, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn.

“Âm nhạc Đồng Nai đã và đang tiếp nối truyền thống, phát huy tính sáng tạo, đáp ứng sự mong đợi cũng như lan tỏa đến công chúng khán giả. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, mỗi một nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ… phải luôn nỗ lực, cố gắng hòa nhập, chuyên nghiệp hóa, nghệ thuật hóa sự sáng tạo để theo kịp xu thế chung của thời đại. Hội sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Đồng Nai, trại sáng tác mới, các hội diễn, liên hoan… để đưa các ca khúc không chỉ phổ biến trong tỉnh nhà mà lan tỏa, đến gần với công chúng cả nước” - NSND Giang Mạnh Hà cho hay.

Nhiều người vẫn kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, những ca khúc về Đồng Nai sẽ tăng cả về lượng và chất, để nhiều người Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung biết và thưởng thức những ca khúc viết về quê hương, về vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển. Như lời bài hát Về Đồng Nai: “Về Đồng Nai, hỏi ai còn nhớ/ Câu hát thuở xa xưa, ngậm ngùi trước buổi chia tay/ Hò ơi, Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…”, qua từng ca từ, người nghe cảm nhận tình cảm thân thương, thấm đượm tình yêu quê hương mà nếu đi xa còn vấn vương, nhớ mãi.

Hiện nay, Đồng Nai có lực lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc khá hùng hậu và hàng trăm nhạc phẩm đã được Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tuyển chọn, tập hợp thành CD do chính các ca sĩ trong tỉnh biểu diễn, trao tặng cho 11 địa phương.

Ly Na

Tin xem nhiều