Là đô thị lớn, nhưng đến nay, nhiều thiết chế văn hóa như: nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô.
Là đô thị lớn, nhưng đến nay, nhiều thiết chế văn hóa như: nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô.
Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh có quy mô chưa xứng tầm để tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh |
Các thiết chế văn hóa chưa xứng tầm quy mô
Với quy mô dân số hơn 1,2 triệu dân, TP.Biên Hòa là đô thị trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất cả nước. Cũng chính vì vậy, nhiều năm qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội như giao thông, thoát nước, nhà ở, trường học... trên địa bàn đô thị Biên Hòa luôn phải chịu đựng cảnh quá tải do sức ép dân số.
Với quy mô dân số lớn trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nói riêng và các công trình hạ tầng trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện gặp rất nhiều khó khăn. |
Dân số đông, tốc độ gia tăng dân số nhanh nên tình trạng quá tải đang ngày càng diễn ra gay gắt và phức tạp hơn.
Bên cạnh sự hụt hơi của hệ thống hạ tầng, hiện nay, đô thị Biên Hòa cũng đang chịu cảnh “vừa thiếu, vừa yếu” trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng.
Cuối năm 2015, TP.Biên Hòa chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Để đáp ứng các tiêu chí của một đô thị loại I, tỉnh Đồng Nai cũng như TP.Biên Hòa đã dành nhiều nguồn lực, từng bước đầu tư để nâng cấp, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, đáp ứng đời sống của người dân.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đối với dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, dự kiến các gói thầu xây lắp sẽ được khởi công thực hiện trong tháng 10-2022. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 5,4km được chia làm 2 nhánh gồm: nhánh 1 có điểm đầu giao với đường Võ Thị Sáu, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn (tại nút giao cầu An Hảo); nhánh 2 có điểm đầu tại vòng xoay giao với nhánh 1 trên địa bàn P.Hiệp Hòa, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn (tại nút giao đường đầu cầu Bửu Hòa). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,5 ngàn tỷ đồng. |
Tuy nhiên, sau gần 7 năm sau khi chính thức trở thành đô thị loại I, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện của tỉnh, nơi vẫn được xem là quảng trường của đô thị Biên Hòa cũng như tỉnh Đồng Nai lại có quy mô chưa tương xứng với vị thế của một đô thị loại I.
TP.Biên Hòa cũng là một trong những đô thị hiếm hoi của cả nước hiện chưa có được một tuyến đường giao thông được xem là đại lộ để tạo điểm nhấn cho đô thị.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường, Đồng Nai là một trong những tỉnh đông dân nhất cả nước nhưng lại chưa có được một quảng trường tương xứng. Cùng với đó, đô thị Biên Hòa với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người nhưng lại chưa thể xây dựng được một nhà tang lễ, một trung tâm văn hóa có thể đáp ứng được các buổi biểu diễn nghệ thuật một cách xứng tầm. “Đây là điều cần phải suy nghĩ” – Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nhiều tiêu chí, nhiều công trình cần phải có của một đô thị loại I như: hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hạ tầng giao thông, thoát nước hay một đại lộ thì hiện nay Biên Hòa vẫn đang còn thiếu.
Không dễ hoàn thiện
Hệ thống các thiết chế văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân mà còn giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, đồng thời thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng đồng bộ và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, đối với Đồng Nai nói chung và đô thị Biên Hòa nói riêng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa không phải là “bài toán” đơn giản.
Phối cảnh cầu Thống Nhất hạng mục thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, nhận thấy quy mô hạn chế của Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện của tỉnh trong việc tổ chức các sự kiện lớn trên địa bàn, Đồng Nai đã đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao diện tích đất khoảng 7ha phía sau Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện của tỉnh để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thống nhất được chủ trương thực hiện.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng cho hay, việc đầu tư, mở mới các tuyến giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa là rất khó khăn, nhất là chi phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn. Do đó, việc đầu tư để có được một đại lộ xứng tầm với vị thế của một đô thị loại I là không dễ dàng.
Trước đây, trong quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa, dự án đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa được kỳ vọng sẽ tạo ra một công trình điểm nhấn với tầm cỡ của một đại lộ đóng vai trò là trục chính của đô thị Biên Hòa. Đồng thời, hai bên tuyến đường này được quy hoạch quỹ đất để xây dựng quảng trường, nhà hát trung tâm góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa cũng như tạo ra diện mạo mới cho đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm được quy hoạch xây dựng, đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai thi công. Mặt khác, các công trình xây dựng quảng trường, nhà hát trung tâm theo quy hoạch ban đầu hiện đã được điều chỉnh quy hoạch.
Phạm Tùng