Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lòng yêu nước vượt thời gian

07:09, 17/09/2022

Tác phẩm Chúng ta đòi hòa bình (Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn 1969-1975) tái hiện những hồi ức lịch sử của thế hệ cha ông "được viết bằng máu và nước mắt" đầy bi tráng và tự hào năm xưa.

Tác phẩm Chúng ta đòi hòa bình (Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn 1969-1975) tái hiện những hồi ức lịch sử của thế hệ cha ông “được viết bằng máu và nước mắt” đầy bi tráng và tự hào năm xưa.

Chúng ta đòi hòa bình (NXB Trẻ ấn hành) ra mắt ngày 15-9
Chúng ta đòi hòa bình (NXB Trẻ ấn hành) ra mắt ngày 15-9

Lần giở những trang sách, người đọc hôm nay như được chiêm ngưỡng những thước phim hồi ức tập thể của những thành viên nòng cốt của phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh ở thành phố Sài Gòn giai đoạn 1969-1975. Đây cũng chính là một giai đoạn hào hùng không thể nào quên trong lịch sử của nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định trước đây nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Vì hòa bình, độc lập

Ấn phẩm góp phần để lại cho những thế hệ sau không bao giờ quên thế hệ cha ông đã sống và tranh đấu cho đất nước bằng ngọn lửa tuổi trẻ hun đúc, sáng mãi trong tim như thế nào và cần tiếp nối ra sao.

Trên đặc san Sinh Viên Xuân Nhâm Tý 1972 (Tổng hội Sinh viên Sài Gòn chủ trương), tác giả Nguyễn Xuân Hàm có viết: “Phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh miền Nam Việt Nam là những hoạt động của sinh viên và học sinh, có mục tiêu là đấu tranh cho quyền lợi riêng của giới sinh viên, học sinh và cho quyền lợi các tầng lớp đồng bào, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc và đất nước...”.

Những mục tiêu tranh đấu dài hạn lúc bấy giờ chính là chống lại nghèo đói, bóc lột và bất công; giành hòa bình, độc lập, thống nhất cho quê hương; “đấu tranh cho một nền giáo dục tiến bộ, thích hợp với mọi tầng lớp, thực sự khoa học - đại chúng - dân tộc - nhân bản và khai phóng”. Phong trào đòi hòa bình giai đoạn 1969-1975 không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng thông qua những người đại diện thời kỳ bấy giờ, cũng như những người đại diện có tính quần chúng, có khả năng tổ chức và vận động cao, “cùng thở, cùng bước đi và cùng dấn thân” cho lý tưởng chung.

Phong trào ấy “thu hút hàng vạn con người trẻ đầy nhiệt huyết, sản sinh ra nhiều thủ lĩnh”. Từ lời kể của nhiều người trong cuộc, bức tranh về một thời kỳ sôi động của tuổi trẻ các đô thị miền Nam được khắc họa nhiều dữ liệu, sự kiện, nhân vật một cách chân thật, tình cảm.

Lan truyền ngọn lửa tuổi trẻ

Từng chương sách như Từ Pétrus Ký tới Đại học Y khoa, Nhận nhiệm vụ, Tham gia Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Xây lực lượng, Dậy phong trào, Trận chiến trong tù, Ngọn cờ công khai, Đoàn sinh viên Phật tử - điểm tựa vững chắc... cho thấy những người trong cuộc lúc bấy giờ “có muôn vàn ý tưởng đấu tranh, từ hội họp, tập văn nghệ, làm báo, tập võ, tuyệt thực, xuống đường biểu tình đòi hòa bình, dân sinh dân chủ...”.

Dù phải đối diện bao gian khó, hy sinh, tù đày, những đợt trấn áp, bắt bớ, giam cầm, những đòn mua chuộc, tâm lý chiến, âm mưu vô hiệu hóa phong trào nhưng những thanh niên, sinh viên học sinh thời ấy đã vượt qua bằng sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt đến kỳ lạ trong phương thức đấu tranh tại đô thị.

Đặc biệt, những người trẻ được quần chúng ủng hộ: “Các bà, các mẹ, cô bác, anh chị phong trào thường xuyên lui tới đem gạo mắm, rau củ quả tiếp tế, có các má ở lại trụ sở nấu cơm, làm đồ ăn giúp sinh viên, học sinh có bữa ăn tươm tất để có sức tham gia tranh đấu. Những mái đầu bạc bên những mái đầu xanh tạo nên cảnh tượng ấm áp và cảm động”.

Chúng ta đòi hòa bình là một tài liệu quý góp phần khẳng định công cuộc đấu tranh đòi hòa bình là phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân yêu nước ở đô thị miền Nam với khát vọng đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do.

Chúng ta đòi hòa bình dày 480 trang do Đoàn Yên Kiều thể hiện lại hồi ức của ông Huỳnh Tấn Mẫm (80 tuổi, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn giai đoạn 1969-1971). Sách còn chứa lời kể của bà Nguyễn Thị Yến (nguyên Thủ quỹ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1969-1971), ông Lê Văn Nuôi (Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn 1970-1971), ông Lê Hoàng (Đoàn trưởng Đoàn Học sinh Sài Gòn 1971-1974) cùng hỗ trợ từ các nhân vật khác: Nguyễn Hoàng Trúc, Tôn Thất Lập, Lê Ngọc Tú, Vũ Thị Dung, Phan Nguyệt Quờn, Cao Thị Quế Hương, Ngô Đa, Trương Anh Dũng, Nguyễn Văn Vĩnh, Lâm Thành Quý...

Cẩm Điệp

Tin xem nhiều