Đây là một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhất là có tình trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chuộng lối sống hưởng thụ, thực dụng.
Đây là một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhất là có tình trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chuộng lối sống hưởng thụ, thực dụng.
Các bạn trẻ xếp hàng dài chờ “order” tại quán một quán trà sữa trên đường Võ Thị Sáu (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa |
Nhiều ý kiến cho rằng, dạy con tiêu tiền thế nào tùy quan điểm, điều kiện của mỗi gia đình. Song, cho con tiền hay không và cho bao nhiêu không quan trọng, nhưng dạy con cách quản lý, chi tiêu tiền hợp lý mới đáng bàn.
* Ưa chuộng lối sống YOLO
Hiện nay, một số bạn trẻ ưa chuộng lối sống YOLO (You only live once - Bạn chỉ sống một lần) nên ưa chuộng ăn sang, mặc đẹp, hàng hiệu sang chảnh, du lịch trải nghiệm dịch vụ cao cấp, dù kinh tế gia đình không phải là khá giả, bản thân người trẻ đó cũng chưa làm ra tiền.
Mặc dù mới học lớp 11, cha mẹ làm công chức bình thường nhưng em T.D. (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã có lối sống rất sành điệu. Mỗi khi ra khỏi nhà, đặc biệt là đi sinh nhật hay vui chơi với bạn bè, D. đều diện quần áo, giày dép, giỏ xách hàng hiệu, có giá từ vài triệu đồng/món trở lên.
Chị T.T., mẹ của em D. tâm sự, do có mỗi D. là con gái nên vợ chồng chị chiều chuộng con từ bé. Dù 2 vợ chồng chỉ làm công chức nhưng vẫn cố gắng mua sắm cho con những gì tốt nhất có thể. Chị không ngờ cách chiều con như vậy là hại con. Vì khi đi học nếu thấy bạn bè có món đồ gì mới, đẹp, đắt tiền là D. nằng nặc đòi mua. Khi cha mẹ không đáp ứng, D. tỏ ra khó chịu và lén lút mượn bạn bè gần chục triệu đồng để mua điện thoại xịn.
Theo các chuyên gia tâm lý, có một số cách dạy con tiêu tiền như: khuyến khích con tiết kiệm, gửi tiền vào ngân hàng, dạy con cách nói chuyện về tiền, giải thích chức năng của thẻ tín dụng, dạy con biết dùng tiền làm từ thiện, cha mẹ là tấm gương trong chi tiêu… |
Thậm chí có người trẻ, vì muốn sở hữu món đồ mình cần mà bất chấp hành vi vi phạm pháp luật. Trước đây vào năm 2020, một học sinh lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa đã dàn cảnh lấy cắp chiếc xe đạp điện của bạn học cùng lớp (trị giá hơn 10 triệu đồng). Khi bị phát hiện, học sinh này khai vì xin tiền cha mẹ mua xe đạp điện không được nên ra tay lấy xe đạp điện của bạn.
Vì theo lối sống YOLO nên không ít người trẻ thích hưởng thụ, chi tiêu quá đà. Chính sự tiêu xài không hợp lý, đặc biệt là bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính đã khiến không ít người trẻ lúng túng trong sinh hoạt, dẫn đến phải vay mượn, nợ nần…
Nguyễn Vũ Hạnh Nguyên (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), sinh viên năm nhất Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) kể, nhiều bạn ở cùng ký túc xá quen tiêu xài quá tay. Đầu tháng cha mẹ gửi tiền lên, các bạn hồ hởi kéo nhau đi ăn uống, mua sắm… Vì thế chỉ mới chục ngày trôi qua, số tiền cha mẹ cho đã cạn kiệt”. Những ngày còn lại các bạn ăn mì gói, bánh mì… Khi cần tiền mua dụng cụ học tập hay đóng tiền phòng, điện, nước thì lại bắt đầu mượn khắp nơi” - Nguyên cho hay.
* Dạy con quản lý, chi tiêu tiền từ nhỏ
Cho tiền con để tiêu xài riêng và dạy con cách chi tiêu ở mỗi gia đình mỗi khác nhau. Song, qua trao đổi với phụ huynh, phần lớn đều thống nhất quan điểm: trẻ thời nay cũng cần được cho một khoản tiền để chi tiêu cá nhân, còn tiêu thế nào lại bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình.
Kinh doanh vật liệu xây dựng nên kinh tế gia đình ông Phạm Đình Cương (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) khá tốt. Hai người con của ông dù đang còn đi học phổ thông nhưng hàng tháng được cha mẹ cho một khoản tiền kha khá để tiêu xài.
Ông Cương cho biết: “Bọn nhỏ bây giờ hay phải đóng tiền này khoản nọ ở lớp, ở trường, rồi còn phải giao lưu bạn bè… Con cần tiền tôi cho, miễn là không dùng tiền đó vào tệ nạn. Chứ không có tiền, con cũng bị bạn xem thường”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Hạnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có con đang học lớp 8 cho hay, mỗi tháng ngoài tiền ăn sáng chị cho con 100 ngàn đồng để con chi tiêu hoặc đi trà sữa, ăn vặt với bạn bè.
“Tôi ra điều kiện với con chỉ tiêu xài trong khoản này. Còn muốn mua thứ gì phục vụ việc học hay cá nhân thì báo, thấy hợp lý tôi sẽ cho thêm” - chị Hạnh cho biết.
Cho con nhiều hay ít tiền, dạy con cách con tiêu xài thế nào là cả một vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều phụ huynh cho rằng, cần phải dạy con cách tiêu tiền từ sớm, cho con thấy được giá trị của đồng tiền để không tiêu xài phung phí.
Để giúp con hiểu được giá trị của lao động, bà Đặng Ngọc Lan (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) yêu cầu các con phụ giúp việc nhà sẽ được trả công. Chẳng hạn: chà rêu trên sân thượng, tắm chó, rửa xe… được 50 ngàn đồng/lần; phụ mẹ lên đơn, gói hàng được 20 ngàn đồng/đơn…
“Đằng nào cũng phải cho tụi nhỏ tiền để tiêu vặt, tôi đặt ra yêu cầu này để các con thấy quý công sức lao động đã làm, tiêu tiền cho hợp lý. Tôi khuyên con chia tiền này thành 3 phần: phần tiết kiệm dùng khi cần, phần để làm từ thiện và phần để chi tiêu hằng ngày và lâu dần các con tôi đã quen. Hy vọng khi lớn lên, đi học, đi làm có tiền lương, các con tôi cũng duy trì cách tiết kiệm như vậy để chi tiêu cho phù hợp” - bà Lan chia sẻ.
Phương Liễu