Mỗi nước có sắc thái văn hóa Phật giáo với những đặc trưng, thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo, hình thức thờ cúng và nghệ thuật tạo tượng. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang trưng bày tượng Phật giáo một số nước châu Á, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.
Mỗi nước có sắc thái văn hóa Phật giáo với những đặc trưng, thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo, hình thức thờ cúng và nghệ thuật tạo tượng. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang trưng bày tượng Phật giáo một số nước châu Á, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.
Du khách nước ngoài tìm hiểu các tượng Phật châu Á |
Theo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, từ thế kỷ thứ I-III trước Công nguyên, Phật giáo được các tu sĩ Ấn Độ thông qua con đường tơ lụa phát triển lên phía Bắc qua Trung Á đến Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản với dòng Bắc Tông (Đại Thừa); xuống phía Nam đến Sri Lanka, các quốc gia thuộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á như: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… với dòng Nam Tông (Phật giáo Nguyên thủy).
Việt Nam
Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên bằng đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống. Hệ thống tượng thờ trên Phật điện tại các ngôi chùa Việt Nam với nhiều hình tượng như: Thích Ca, Bồ Tát, La Hán… có phong cách riêng biệt, thể hiện sự tiếp biến giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa.
Tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang trưng bày nhiều tượng Phật tại các chùa ở Việt Nam trong đó có một tượng rất quý là tượng Phật chùa Khải Tường với kích thước lớn làm bằng gỗ sơn thếp vàng.
Theo chú thích tại bảo tàng, đây là tượng Phật ngồi kiết già trên tòa sen bằng gỗ do vua Minh Mạng (1820-1840) hiến cúng vào ngày lễ lạc thành chùa Khải Tường để tỏ lòng biết ơn sự che chở của Đức Phật đối với 2 mẹ con nhà vua trong thời kỳ chiến tranh. Chùa Khải Tường vốn tọa lạc tại khu vực chợ Đũi, tỉnh Gia Định xưa. Năm 1859, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chùa bị phá hủy hoàn toàn và bức tượng Phật này là một trong số ít di vật còn sót lại.
Trung Quốc
Nói đến Phật giáo không thể không nhắc đến Trung Quốc - một trong những trung tâm Phật giáo lớn. Đạo Phật du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ I-II trước Công nguyên theo con đường tơ lụa. Các tác phẩm điêu khắc Phật giáo của Trung Quốc là sự kết hợp của quá trình giao thoa với các trung tâm Phật giáo khác. Từ cuối thế kỷ VI đến thế kỷ X, điêu khắc Phật giáo Trung Quốc phát triển mạnh với những đặc trưng về nhân chủng và dân tộc học đậm nét.
Một số tượng Phật Trung Quốc |
Trong các điện thờ Phật giáo Trung Quốc, hình tượng Bồ Tát, đặc biệt là Quán Thế Âm chiếm vị trí quan trọng. Ở Trung Hoa và Việt Nam cùng một số nước khác, Quan Âm được thờ phượng như Phật bà từ bi với hình dáng và trang phục của một bậc từ mẫu trang nghiêm, diễm lệ.
Nhật Bản
Một sự kiện quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đối với sự phát triển của tư tưởng, nghệ thuật, văn hóa của Nhật Bản là đạo Phật được truyền bá từ Triều Tiên vào Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ VI. Khi Phật giáo thịnh hành ở Nhật Bản, nghệ thuật đã phát triển mạnh mẽ và có sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử.
Khám thờ - một trong những hiện vật phục vụ thờ cúng nổi bật tại Nhật Bản |
Trong các tượng Phật của Nhật Bản, nổi bật có khám thờ (Butsudan) - hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng trong các ngôi chùa, xuất hiện đầu tiên cùng với sự truyền bá của Phật giáo vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VI. Khám được làm như một ngôi chùa thu nhỏ, có thể dễ dàng mang đi. Bên trong khám thờ tôn trí hình tượng Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen, phía dưới có 2 người hầu trong trang phục cổ của người Nhật.
Thái Lan
Tượng Phật của Thái Lan được làm bằng đồng, có niên đại từ thế kỷ XV. Tượng thể hiện hình ảnh Thích Ca nhập niết bàn. Thân tượng mặc áo cà sa để hở vai phải, nẹp áo chạy dài xuống chân, tư thế nằm nghiêng về bên phải, trên bệ chạm trổ hoa sen; cánh tay trái để xuôi theo chân trái, tay phải co lại bàn tay đỡ cạnh má phải; đầu đặt trên gối hai tầng có trang trí hoa văn, hai mắt nhắm nghiền, dáng vẻ bình yên, thanh thản…
Tượng Phật Thái Lan |
Campuchia
Tượng Phật của Campuchia có niên đại thế kỷ XIX, làm bằng chất liệu gỗ sơn thếp vàng. Tượng thể hiện Đức Phật đã đắc đạo với tư thế ngồi kiết già trên bệ. Đầu tượng đội nón có chóp nhọn nhiều tầng tượng trưng cho quyền uy của đấng Đại giác.
Tượng Phật Campuchia |
Mặt tượng có vầng trán rộng, mắt nhìn thẳng, tay dài với thùy châu chảy xuống - một trong những quý tướng của Đức Phật. Thân tượng choàng áo cà sa vắt chéo qua vai trái, vai phải và tay phải để trần. Tay phải buông xuống theo hông và bàn tay úp trên chân phải, đưa 5 ngón xuống dưới, tay trái duỗi thẳng để ngửa trên đùi.
Tại các nước Đông Nam Á, Phật giáo truyền bá vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên nhưng những tác phẩm điêu khắc Phật giáo xuất hiện muộn hơn (khoảng từ thế kỷ V-VI) ở các khu vực ven biển như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Tư thế ngồi kiết già là tư thế ngồi bắt chéo chân có nguồn gốc từ thực hành thiền định của Ấn Độ cổ đại, bàn chân được đặt trên đùi bên kia. |
Lâm Viên - Nhật Hạ