Tổng cộng, Ghi chú sau mây - tập thơ mới nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh - chỉ có khoảng 3.620 từ, với 45 bài thơ. Tập thơ là sự lắng đọng không chỉ của không gian, thời gian và tinh thần, mà còn là sự chắt lọc của ngôn ngữ tiếng Việt minh triết, yêu đời.
Tổng cộng, Ghi chú sau mây - tập thơ mới nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh - chỉ có khoảng 3.620 từ, với 45 bài thơ. Tập thơ là sự lắng đọng không chỉ của không gian, thời gian và tinh thần, mà còn là sự chắt lọc của ngôn ngữ tiếng Việt minh triết, yêu đời.
* Một tinh thần minh triết
Có lẽ nhà thơ Hữu Thỉnh đã sớm nhận ra nghịch lý của cuộc đời và thơ ca:
“Trí khôn ở phía sau
Sao anh cứ lao hoài lên phía trước?”
(Đón đường)
“Quá khứ thường trở về an ủi
Một thời trai chảy xiết, tinh tươm”
(Chiếc hộp cổ)
Ở nửa đầu tập thơ, nhà thơ đã nghiền ngẫm thực tại rất lâu, để cho cảm xúc lắng xuống thật sâu. Và từ đó, những câu chuyện cuộc đời hiện lên không phải để kể, hoặc để cảm nhận, mà để hiểu biết, để yêu thương và chia sẻ. Ngôn từ cũng theo đó mà hiện lên dung dị, trong veo.
Tập thơ được nhà thơ Hữu Thỉnh viết chủ yếu cho chính mình, cho thế hệ của mình (Tất cả cùng ta bước sang tuổi bảy mươi) - Ghi chú sau mây là để ghi lại những gì không thể mất sau cuộc sống vô thường; là những ẩn hiện tình cờ hay hữu ý của cuộc đời, nhưng con người không thể nguôi quên. Một nguồn cảm hứng chính trong tập thơ là những bài học làm người - kèm theo đó là những cái giá phải trả rất lớn lao. Nỗi đau ấy được thể hiện một cách trầm tĩnh, nhẹ nhàng như mây như khói, rất yên bình và bao dung:
“Một ít muối
một ít lửa
và rất nhiều cả tin
Tôi xa quê từ đó.
Hết muối có thể tìm ra muối
Hết lửa có thể tìm ra lửa
Nhưng cả tin không thể xin đâu
Sự cả tin đã làm tôi đớn đau
Tôi nhầm người như va đầu phải cột
Tôi luôn dặn mình đây là lần chót
Tôi luôn dặn mình đây là lần chót
Nhưng lần chót cứ theo tôi suốt cả cuộc đời…”.
(Tự bạch)
Bên cạnh sự mong manh, bên cạnh những đổi thay không cùng của cuộc sống, nhà thơ cũng đã nhìn thấu được sự vận động của vũ trụ bao la:
“Những cái nhất thời xô đẩy nhau đi
Chỉ còn Trời vừa lau qua dĩ vãng
Vũ trụ vào thiền
nhấc ta lên từng bậc”.
(Ghi chú sau mây)
Nhà thơ nhận ra quy luật của cuộc đời, và ông chọn cái nhìn tu thiền của Phật giáo, chọn cách viết tối giản để có thật nhiều khoảng lặng cho sự suy niệm, liên tưởng. Sự chân thật theo suốt mạch cảm xúc và cách “trần thuật” của tác giả; đồng thời sự diễn đạt của nhà thơ cũng rất đời thường, thể hiện kinh nghiệm sống chứa đựng yêu thương, hy vọng:
“Tôi rất tin những bông hoa sau lưng
Như đã từng tin những chiếc gai trước mặt”
(Thơ ngắn)
Hãy đọc thêm Giả thiết, Sự phàm tục, Cảm tác Lâm-tì-ni, Qua sông Hằng… để cảm nhận sâu hơn hành trình cảm nhận của nhà thơ trong Ghi chú sau mây. Đó là cả một sự thăng hoa trong sâu thẳm, tiếp theo sau những vần thơ và trường ca mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết trong hơn 40 năm qua.
* Kiếm tìm và tinh lọc
Trong tập thơ mới nhất này, nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục kiếm tìm những giá trị chân thực của cuộc sống, mặc dù ông đã nhận chân được nhiều sự giả ngụy như là hình bóng cuộc đời thường bị che phủ sau mây. Với tư cách một con người, một nhà thơ, ông chẳng thể có “quyền năng” thay đổi vạn vật và số phận; mà chỉ có thể cảm nhận và nói lên bằng thơ, bằng tấm lòng, bằng cái đẹp của sự sống. Hơn nửa phần sau của tập thơ, nhà thơ tâm tình với mọi người nhiều hơn, “hướng ngoại” nhiều hơn. Dòng sông chảy ngược, Nghệ nhân Bát Tràng, Trùng tu đình Tây Đằng, Về lại Đắc Tô, Gặp đồng hương trên pháo đài Đồng Đăng, Đồng vọng… là những bài thơ đắt giá của cuộc kiếm tìm, trải nghiệm dài vài thập kỷ của nhà thơ. Ghi ở Cù lao Chàm là một tứ thơ như thế:
“Tôi như hạt muối cô từ biển
Thương quá mồ hôi áo đẫm lưng
Tôi như cát lún in chân bước
Ôm giữ tình yêu dưới sóng lừng
Phong ba? Đời lắm phong ba quá
Vuốt mặt thương ai đứng mũi thuyền
Hiểm nghèo nghìn thước xô ngang nước
San hô đáy biển đội mầm lên”.
Hoặc như bài thơ Phía sau tháp pháo, nhà thơ tìm lại cảnh cũ, người xưa với câu hỏi: liệu có ai còn, giờ đang ở đâu? Nhưng quá khứ quả là một nguồn dưỡng chất yêu thương, bất biến. Nhà thơ tự khẳng định với lòng mình:
“Những cánh đồng ngày ấy
Đến giờ còn nuôi ta”
Lòng biết ơn đã giúp nhà thơ trở lại với quá khứ, với chính bản thân mình. Đó là một giá trị không thể hoài nghi, cũng không bao giờ lừa dối con người. Nhưng những điều thiêng liêng nhất, với tác giả cũng là những điều mong manh nhất. Cha mẹ, gia đình cũng là cội nguồn sinh trưởng tất cả cuộc sống của con người, tạo nên sự vận động, thanh âm, sắc màu… của cuộc sống. Sự ra đi của quá khứ nhiệm màu ấy để lại một khoảng không đáng sợ:
“Cha mẹ mất rồi, sống không nơi nào yên
Đường trăm ngả khăn tang đều chắn bến.
Mong quê mà sợ đến
Sợ bước vào nhà
Sợ mở cửa
Sợ im!”.
(Sợ)
Về tập thơ Ghi chú sau mây, tác giả Cao Ngọc Thắng có bài viết Ghi chú cho tương lai (Báo Văn nghệ), hàm ý những kinh nghiệm và triết lý sống đã được nhà thơ Hữu Thỉnh đúc kết lại bằng thơ. Từ đó, tập thơ mang giá trị lâu bền, và cũng là lời nhà thơ lão thành gửi gắm cho tương lai, cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, luôn tỉnh thức để kiếm tìm, tinh lọc, nhà thơ Hữu Thỉnh không chỉ chuyên chú vào cảm nghiệm, triết lý, mà ông luôn nhìn thấy sự tươi mới của cuộc sống. Bài thơ Kèn lá, thoạt đầu có thể gọi là thơ tình, nhưng suy nghiệm sâu xa, thì đó là cả một “công án” trong tu tập mà những nhà thơ, thiền sư nổi tiếng người Việt thường ghi lại. Và đó là tình yêu cuộc sống, là sự vươn lên mãnh liệt từ một khoảnh khắc, một tín hiệu (sát na) nhỏ nhất:
“Khi đôi môi biến rừng thành kèn lá
Trên đỉnh thác kia cá cũng hoá rồng
Một bên là mùa xuân
Một bên là yếm thắm
Yếm thắm là gì mà thiên vị cả dòng sông
Đời lắm dốc
em lấy duyên che nắng
Mây nhầm đường
rẽ về phía lưng ong”.
Ghi chú sau mây được viết từ đầu những năm 2000, ra đời một cách nhẹ nhàng và gây sự chú ý sâu sắc nhưng không ồn ào. |
Trần Thu Hằng