Một trong những thực tế đầy nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài gần như đang chi phối toàn bộ thị trường hạt giống và con giống của Việt Nam. Đây là một thị trường rộng lớn với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Một trong những thực tế đầy nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài gần như đang chi phối toàn bộ thị trường hạt giống và con giống của Việt Nam. Đây là một thị trường rộng lớn với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Điều này không chỉ nói lên điểm yếu lớn của nông nghiệp Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào các loại giống nhập khẩu mà còn là một trong những nguyên nhân lớn khiến thu nhập của người nông dân nhiều năm qua không được như mong đợi.
Cụ thể, Israel đang là đất nước mà nông dân có mức thu nhập bình quân cao nhất trên thế giới, ngay cả vùng sa mạc Arava ở Biển Chết, thu nhập của người nông dân vẫn đạt hàng chục ngàn USD/năm. Nhìn lại, người nông dân Việt Nam suốt đời quanh quẩn trên đồng ruộng, luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng mức thu nhập chưa đến 2 ngàn USD/năm và mãi chưa thoát được nỗi lo được mùa mất giá.
Để có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc, Israel đã chú trọng 3 yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu về gen, và giống của quốc gia này hiện đang đứng số 1 thế giới. Hạt giống của Israel được gọi là “hạt giống vàng” vì đạt về tốc độ phát triển, năng suất và chống sâu bệnh. Với 1kg hạt giống (cà chua, cherry), nhà sản xuất có thể bán được 40-45 ngàn USD, khi đấu giá có thể lên đến 300 ngàn USD/kg. Nông nghiệp của Israel luôn đi theo nhu cầu tiêu dùng của thế giới, nghĩa là thế giới cần gì thì họ sẽ đáp ứng đúng nhu cầu, đúng thời điểm nên mang lại giá trị rất cao.
Về sản xuất giống vật nuôi, giá trị của ngành sản xuất con giống cũng rất lớn. Ví dụ, giá một con heo giống cụ kỵ chất lượng tốt có thể lên đến hàng trăm ngàn USD. Con giống này thường chỉ sử dụng trong vòng vài năm là phải thay mới nên giá trị mang lại trong đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống chất lượng cao là rất lớn.
So sánh với Việt Nam, có thể thấy điểm yếu của nền nông nghiệp trong nước là cả một thời gian dài chạy theo năng suất mà bỏ quên chất lượng. Rất dễ dàng, có thể so sánh 10 kg gạo Việt có giá thua 1 kg gạo Nhật; 1 chùm nho giống đặc sản của Nhật lên đến hàng trăm triệu, 1 kg nho Việt chỉ hơn 10 ngàn đồng để nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng và vật nuôi.
Hiện tại, để có giống sản xuất, đa phần nông dân Việt Nam đang phải mua từ các nhà sản xuất Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ… Và về lâu dài, càng muộn màng trong việc chủ động nghiên cứu, sản xuất giống, nền nông nghiệp càng khó phát triển một cách căn cơ, bền vững.
Vi Lâm