Không chỉ được biết đến qua những vai diễn cải lương xuất sắc, NSƯT Xuân Vương (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) còn là nghệ sĩ có nhiều tài năng, thường xuyên tham gia chỉ huy biểu diễn và thiết kế cảnh trí sân khấu, để không vở diễn nào giống vở diễn nào.
Không chỉ được biết đến qua những vai diễn cải lương xuất sắc, NSƯT Xuân Vương (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) còn là nghệ sĩ có nhiều tài năng, thường xuyên tham gia chỉ huy biểu diễn và thiết kế cảnh trí sân khấu, để không vở diễn nào giống vở diễn nào.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Vương (hàng giữa, bìa trái), diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trong vai Hồ Quý Ly. Ảnh: L.Na |
Dù đã ở tuổi 60 nhưng NSƯT Xuân Vương vẫn rất đam mê, nhiệt huyết lao động, sáng tạo nghệ thuật, đem tới nguồn cảm hứng, sức ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ nghệ sĩ và công chúng trẻ.
* Công nghệ đưa cải lương đến gần hơn với khán giả
* Có gần 40 năm theo đuổi nghệ thuật, quan điểm của ông như thế nào về bảo tồn và làm mới cải lương hiện nay?
- Đã gọi là sân khấu truyền thống thì chắc chắn phải gìn giữ, nhưng gìn giữ ở đây phải nằm trong xu thế vận động của thời đại, phải phát triển trên nền móng chắt lọc tinh hoa mà cha ông ta để lại. Với sân khấu cải lương, quan điểm của tôi vẫn là bảo tồn, phát triển. Người nghệ sĩ giữ hồn cốt của cải lương nhưng phải luôn sáng tạo ra những cái mới, bám sát vào đời sống thực tế để thu hút khán giả hôm nay. Chẳng hạn, tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, bên cạnh xây dựng những vở diễn lịch sử còn đưa những câu chuyện mới, những vấn đề mang tính đương đại như: hiến tạng cho y học, dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới… vào từng vở diễn. Tuy nhiên về lời thoại hay trong dàn dựng vẫn phải bám sát nghệ thuật cải lương, từ cách ca, cách diễn.
NSƯT Xuân Vương (tên thật Trần Xuân Vui) sinh năm 1962. Ông theo học cải lương tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Gần 40 năm theo đuổi nghệ thuật, ông được tặng nhiều huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc. |
* Cải lương cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác đang trải qua những bước thăng trầm. Có khi nào ông cảm thấy nản lòng?
- Sâu khấu cũng như cuộc đời, có lúc hưng thịnh, có lúc thăng trầm. Thời tôi còn trẻ, nhiều người xem cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu, đi diễn đến đâu cũng được dân thương dân quý, các suất diễn đều chật kín khán giả. Hiện nay, các phương tiện giải trí phát triển mạnh mẽ, chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn, chỉ cần điện thoại kết nối internet là có thể ngồi tại nhà để thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cho rằng, sân khấu cải lương sẽ sống mãi, sẽ tiếp tục hồi sinh và phát triển. Và thực tế, cải lương đang chuyển mình mạnh mẽ để níu chân khán giả.
* Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có sân khấu cải lương. Theo ông, đó có phải là lợi thế cho thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay?
- Xu hướng của sân khấu thế giới đã và đang thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Sân khấu của Đồng Nai vì thế cũng thay đổi là hợp lẽ tự nhiên. Hơn 2 năm dịch bùng phát, nghệ sĩ của Đồng Nai được biểu diễn phục vụ khán giả dù chỉ là qua mạng xã hội Facebook, YouTube nhưng đó là niềm vui và hạnh phúc. Với nghệ sĩ trẻ, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ đưa nghệ thuật đến với khán giả đã là việc làm diễn ra thường xuyên, liên tục và nhiều người đã chủ động tương tác, giao lưu với công chúng. Họ tiếp cận, sử dụng công nghệ phục vụ cho cuộc sống, cho hoạt động biểu diễn và lan tỏa nghệ thuật.
* Nghệ thuật góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
* Vào vai hàng chục nhân vật trong các vở cải lương, tham gia thiết kế cảnh trí cho sân khấu, chỉ huy biểu diễn nghệ thuật... điều gì khiến ông “say” với sân khấu đến thế?
- Tôi sinh ra để theo đuổi nghiệp sân khấu. Yêu nghề, trân trọng công việc mình đang làm đã giúp tôi vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Có những lúc mệt lả ra nhưng ngày hôm sau được đứng trên sân khấu, cùng tập luyện và biểu diễn phục vụ công chúng là năng lượng trong tôi lại tràn đầy. Có thể là do tinh thần của tôi lúc nào cũng háo hức với nghệ thuật, với cuộc sống. Tôi vẫn luôn quan niệm rằng, làm nghệ thuật thì phải chỉn chu, nếu không thì không bao giờ có tác phẩm hay, không có vai diễn tròn trịa. Nhờ mỗi vai diễn đã tôi đến gần hơn với khán giả, mang đến cho công chúng một giá trị nào đó.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Vương (bìa phải) diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai |
* Nhiều vở cải lương ông tham gia từng đoạt các huy chương vàng, huy chương bạc qua các kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc. Vai diễn nào ông thấy tâm đắc nhất?
- Khi đứng trên sân khấu, dù vào vai chính diện, phản diện hay vai phụ, tôi đều toàn tâm toàn ý diễn hết mình, luôn nhìn về phía trước với tinh thần học hỏi và làm việc không ngừng. Tôi tâm đắc với những điều khán giả cảm nhận được từ sau mỗi vở diễn. Khán giả xem mình diễn sẽ tìm được sự đồng cảm khi mình chạm đến trái tim của họ. Thông qua sân khấu cải lương sẽ giúp người xem có góc nhìn đa chiều, hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, về con người, sự vật, hiện tượng… trong xã hội, để cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, quê hương giàu đẹp. Tôi vẫn tin rằng sân khấu cải lương nói riêng, nghệ thuật nói chung góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
* Bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương đang được Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai cụ thể hóa bằng nhiều việc làm khác nhau. Là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở VH-TTDL, ông có kỳ vọng gì khi mỗi ngày chứng kiến các nghệ sĩ trẻ luyện tập, biểu diễn?
- Thời gian qua, khán giả Đồng Nai và cả nước được thưởng thức rất nhiều vở cải lương của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai, phần lớn các vai diễn đều do nghệ sĩ trẻ của nhà hát biểu diễn. Có thể kể đến như: Niềm khát, Cuộc chiến, Khơi nguồn, Thánh Chân công chúa… Các vở diễn minh chứng cho tài năng, tâm huyết và nỗ lực hết mình để bắt kịp xu hướng cách mạnh công nghiệp 4.0 của đội ngũ kế thừa hôm nay. Nhìn vào lớp trẻ bây giờ, chúng ta có nhiều hy vọng, đặc biệt hy vọng về sân khấu cải lương sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy và lan tỏa.
* Xin cảm ơn ông!
Ly Na (thực hiện)