Bảo tàng TP.HCM đang tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề Văn hóa trầu cau nhằm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, hiện vật đặc sắc về văn hóa trầu cau, thông qua đó giới thiệu tục ăn trầu cùng những giá trị sâu sắc về văn hóa trầu cau của dân tộc.
Bảo tàng TP.HCM đang tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề Văn hóa trầu cau nhằm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, hiện vật đặc sắc về văn hóa trầu cau, thông qua đó giới thiệu tục ăn trầu cùng những giá trị sâu sắc về văn hóa trầu cau của dân tộc.
Khách tham quan triển lãm Văn hóa trầu cau tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: Lâm Viên |
Diễn ra từ ngày 12-8 đến 30-10, với trên 250 hiện vật, hình ảnh về văn hóa trầu cau cùng những sưu tập về dụng cụ ăn trầu đa dạng, phong phú, trên cơ sở kết hợp giữa bộ sưu tập hiện vật về dụng cụ ăn trầu của nhà sưu tập tư nhân - cố linh mục Nguyễn Hữu Triết và hiện vật của bảo tàng, triển lãm thu hút khách tham quan đến tìm hiểu về một phong tục dù không còn sử dụng phổ biến trong thời đại ngày nay nhưng mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
* Ăn trầu - phong tục truyền thống lâu đời của người Việt
Trong mỗi chúng ta đều lớn lên quanh câu chuyện kể của bà, của mẹ về Sự tích trầu cau thuở nhỏ. Trong câu chuyện thuộc dạng văn học truyền miệng, có nhiều dị bản này, ông bà ta nhân cách hóa cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi - những vật được quyện lại với nhau khi ăn trầu sẽ cho ra màu đỏ thắm như máu làm biểu tượng cho tình anh em thắm thiết, nghĩa vợ chồng sắt son.
GS-TSKH Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có nêu: “Cây trầu, cây cau đã có trên đất Việt Nam từ hàng mấy ngàn năm trước công nguyên, từng là cây vật tổ của nhiều vùng; một trong hai thị tộc lớn của người Chăm có tên là thị tộc Cau”.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, phong tục ăn trầu không còn phổ biến trong xã hội ngày nay. Tuy vậy, trầu cau và ý nghĩa của nó vẫn luôn mang một giá trị đẹp, một sức sống tiềm tàng trong văn hóa dân tộc. |
Người phụ nữ Việt Nam trước đây, cho đến những thập kỷ giữa thế kỷ XX, hầu như ai cũng ăn trầu, có người thích ăn trầu như một thói quen khó bỏ, ăn luôn miệng. Anh Nguyễn Hoàng Khang (ngụ Q.12, TP.HCM) đến xem triển lãm và cho biết: “Nhìn những vật trưng bày tại triển lãm như đồ ngoáy trầu, ống nhổ bả trầu, cơi trầu…, tôi nhớ bà nội tôi lúc sinh thời. Bà nội tôi là người gốc miền Trung, bà kể bà ăn trầu từ thời trẻ, mười chín đôi mươi đã nhuộm răng, ăn trầu. Tính ra bà nội tôi có hơn nửa thế kỷ ăn trầu. Lúc còn răng khỏe thì bà nhai trầu nguyên miếng, sau này già, răng yếu và rụng hết thì bà sử dụng bộ dụng cụ nghiền, ngoáy cho nhuyễn trầu mới ăn. Nhưng đến khi bà bệnh cao huyết áp, bác sĩ khuyên chất vôi trong trầu làm tăng huyết áp nên bà phải rất quyết tâm mới bỏ thói quen ăn từ thời còn con gái của bà”.
Một miếng trầu khi ăn là sự kết hợp của lá trầu được quét vôi, một miếng cau chẻ nhỏ, một miếng rễ, miếng vỏ cây chát. Khi ăn trầu, người ta nhai, sau đó nhổ nước và nhã bả.
Theo GS-TSKH Viện sĩ Trần Ngọc Thêm: “Sự phối hợp của trầu, cau, vôi, rễ trong miếng trầu đã tạo nên bài thuốc có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Ăn trầu cau có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn uống dễ tiêu, tránh đầy bụng, trừ sơn lam chướng khí, chống hôi miệng, chống sâu răng… Lá trầu cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm, sát trùng, có tác dụng trị đau bụng, đầy hơi, sôi bụng, trừ phong thấp, tiêu viêm, chữa bệnh nấc cho trẻ nhỏ, bệnh đau mắt cho cụ già, tránh nhiễm trùng đường ruột. Lá trầu còn dùng để đánh gió trị cảm mạo hoặc vò nát đắp quanh mụn nhọt chữa các mụn làm nhủ sưng tấy, nấu nước tắm trị rôm sảy. Quả cau và hạt cau đều có vị chát hơi cay, tính ấm. Chất chát làm cho nướu răng co lại, ôm sát chân răng, làm cho hàm răng chắc, không bị lung lay; nhai trầu còn là động tác luyện hàm răng. Hạt cau có tác dụng trị giun sán. Vôi trong miếng trầu có tác dụng giúp cho nhịp tim đập được điều hòa”.
Không chỉ riêng với người Việt, nhiều dân tộc ở các vùng miền khác nhau cũng như các dân tộc ở một số nước trong khu vực cũng có tục ăn trầu, phản ánh rõ nét tương đồng về văn hóa.
* Thắm đượm giá trị văn hóa
Đối với người Việt Nam, trầu cau không chỉ dừng lại ở một phong tục lâu đời mà ẩn chứa trong đó là một câu chuyện về triết lý nhân sinh, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, là ngôn ngữ biểu đạt tình cảm giữa con người với nhau, thông qua miếng trầu gắn kết tình thân, tình cảm gia đình, bạn bè, làng xóm.
Một số dụng cụ phục vụ ăn trầu được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Lâm Viên |
Về triết lý nhân sinh, tục ăn trầu là sự tổng hợp biện chứng hài hòa của nhiều chất khác nhau, biểu trưng cho âm dương, tam tài. Cụ thể, cây cau là biểu tượng của dương khi luôn vươn lên cao, hướng lên trời; vôi là biểu tượng cho âm khi là một tảng đá, đất; còn dây trầu là biểu tượng của sự trung gian giữa âm - dương, kết hợp khi mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cây cau, hướng lên trời.
Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, trầu cau trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt. Ông bà ta sử dụng trầu cau như một phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp khi xưa nên mới có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Trầu cau cũng là biểu tượng của tình yêu - hôn nhân mặn nồng, biểu tượng cho sự gắn bó son sắt giữa vợ chồng, nên người ta thường nói nên duyên trầu cau nghĩa là nên duyên vợ chồng. Ca dao, tục ngữ cũng có nhiều câu thể hiện biểu tượng này như: “Miếng trầu nên dâu nhà người”, hoặc “Thưa rằng bác mẹ đã răn/ Làm thân con gái chớ ăn trầu người”…
Trước đây, khi mà tục ăn trầu còn phổ biến, cách thức têm trầu là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm hạnh và sự đảm đang của người phụ nữ xưa. Nhà trai đi hỏi vợ thường xem con dâu tương lai têm trầu thế nào, nếu miếng trầu têm không đẹp là người vụng về, miếng trầu nhỏ, miếng cau lớn là người không biết đong đếm, tính toán. Việc têm trầu được xem như một nghệ thuật và nhiều người học cách têm trầu cánh phượng.
Mâm trầu cau là vật phẩm không thể thiếu trong hôn lễ của người Việt. Khi xưa, mâm trầu cau phải phủ khăn điều và đặt trong kiệu do 4 người khiêng, gọi là mâm trầu khiêng. Ngày nay, tục ăn trầu không còn phổ biến nhưng trầu cau vẫn là vật phẩm không thể thiếu trong lễ cưới hỏi của người Việt. Đối với người Khmer tỉnh Sóc Trăng có lễ cúng hoa cau, lễ cắt buồng cau là những nghi thức quan trọng trong đám cưới.
Miếng trầu còn thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, tổ tiên. Trong các lễ tế thần, lễ gia tiên, cúng động thổ khởi công, cúng nhập trạch… cho đến các lễ cưới hỏi, lễ hội, lễ làng… người Việt cũng không bao giờ quên lễ vật quan trọng là miếng trầu có quết vôi, cùng trái cau.
“Ăn trầu là phong tục cực kỳ lâu đời ở Việt Nam, nó cũng là phong tục phổ biến ở cả vùng Đông Nam Á cổ đại; ngoài Đông Nam Á hiện đại, bản đồ trầu cau bao trùm từ Hoa Nam qua Đài Loan, tới một số đảo và quần đảo trong Thái Bình Dương, vòng về tới Sri-Lanca, một phần Ấn Độ, thậm chí một bộ phận cư dân đạo Madagascar của châu Phi cũng ăn trầu” - theo GS-TSKH Viện sĩ TRẦN NGỌC THÊM trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Lâm Viên