Một ngày cuối tháng 8-2022, đi theo cung đường tuyệt đẹp ven biển Long Hải, chúng tôi về thăm căn cứ Minh Đạm, nằm ở phía đông Nam H.Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Một ngày cuối tháng 8-2022, đi theo cung đường tuyệt đẹp ven biển Long Hải, chúng tôi về thăm căn cứ Minh Đạm, nằm ở phía đông Nam H.Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhiều thanh niên trải nghiệm các hang động từng là căn cứ cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên núi Minh Đạm |
Minh Đạm là một dãy núi thấp, đâm ngang ra biển, nơi này còn giữ được rừng nguyên sinh và có hơn 300 hang động lớn nhỏ, kiên cố, ăn sâu vào vào lòng núi. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều thế hệ cha ông đã tận dụng sự hiểm trở này để lập căn cứ cách mạng và gọi là Chiến khu Minh Đạm, nay là Khu di tích lịch sử Minh Đạm, minh chứng của một thời lịch sử hào hùng ở miền Nam.
Thiêng liêng một vùng đất chiến khu
Đường vào Chiến khu Minh Đạm bây giờ rộng rãi và được lót đá khang trang. Chào đón chúng tôi là những “chú” khỉ dạn dĩ, hiếu kỳ và thân thiện. Băng qua khu rừng rợp bóng cây, chúng tôi đến Đền thờ các anh hùng liệt sĩ. Chính tại nơi đây, qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Huyện ủy Long Điền đã bám trụ, chỉ đạo quân dân Long Hải, Long Điền kháng chiến đến Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975).
Núi Minh Đạm được bắt nguồn từ tên ghép của 2 cán bộ cách mạng là Bí thư và Phó bí thư huyện ủy Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi khi bị phục kích trên đường làm nhiệm vụ năm 1948. Để tưởng nhớ 2 ông, người dân đã đặt tên núi là Minh Đạm. Các hạng mục của khu di tích hiện nay gồm: Đền thờ 2.642 anh hùng liệt sĩ, Đền thờ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Nhà truyền thống và 4 hang (Huyện ủy, Huyện đội, Thị xã Cấp và Quân y). |
Trong làn khói hương trầm mặc, chúng tôi ai nấy đều xúc động khi thắp nén nhang tưởng nhớ 2.642 anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã ngã xuống trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhìn ngắm cảnh quan, lần giở những trang ghi dấu chiến tích lịch sử ở vùng đất này khiến mà ai cũng xúc động và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống cho đất nước có ngày độc lập, hòa bình như hôm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2-9, Chi đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Mỹ Phước (đóng tại TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã có chuyến về nguồn tại Chiến khu Minh Đạm. Lần đầu tiên đến Chiến khu Minh Đạm, Phó bí thư Chi đoàn BIDV chi nhánh Mỹ Phước Nguyễn Trần Khánh An cho biết: “Nghe các cô chú, anh chị ở đây kể chuyện kháng chiến trên núi Minh Đạm tôi thấy thật tự hào về truyền thống lịch sử, biết ơn những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì hòa bình và thống nhất đất nước”.
Chung cảm xúc đó, ông Trần Văn Đắc (ngụ H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) xúc động khi nghe nhân viên Khu di tích núi Minh Đạm kể về những khó khăn, vất vả, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến. “Nay có dịp đi biển Long Hải, tôi đưa các con đến thăm Khu di tích lịch sử Minh Đạm để các cháu hiểu hơn về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam và cũng để giáo dục cho các cháu lòng biết ơn và đạo lý uống nước nhớ nguồn” -
ông Đắc chia sẻ.
Đã 14 năm công tác tại Khu di tích lịch sử Minh Đạm, ông Nguyễn Hữu Định cho biết, từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, người dân đổ về TP.Vũng Tàu du lịch khá đông, nhất là dịp lễ, Tết. Khu di tích cũng thường tổ chức mời các nhân chứng đã sống và chiến đấu ở núi Minh Đạm đến kể những câu chuyện bi hùng, cảm động, tinh thần dũng cảm mưu trí của quân dân ta trong thời kỳ kháng chiến cho du khách gần xa. Qua đó, giúp khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đấu tranh hào hùng của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng nơi đây.
Trải nghiệm… “lò ảng”
Để trải nghiệm những khó khăn, hiểm trở của vùng núi Minh Đạm, chúng tôi đi cùng một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM tham quan các lò ảng (hang trên núi) ở núi Minh Đạm. Đi qua hàng trăm bậc đá dốc với những gốc cây rừng lớn vài vòng tay người ôm, dây leo lớn nhỏ chằng chịt và những phiến đá nối tiếp nhau…, chúng tôi mới đến được khu trung tâm của căn cứ Minh Đạm. Tại đây có bảng và mũi tên chỉ đường lên hang Huyện ủy - là một trong 4 hang thuộc quần thể di tích lịch sử trên núi.
Mỗi ngày Khu di tích lịch sử Minh Đạm (H.Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đón hàng trăm khách đến viếng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ |
Tiếp tục leo thêm chừng 200 bậc đá, hang Huyện ủy hiện ra với hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau thật kỳ vĩ và đầy bí hiểm như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa. Từ miệng hang, chúng tôi men theo những bậc đá rất nhỏ, chênh vênh trên những khe núi lớn nhỏ, nếu không bước cẩn thận rất dễ trượt té, để vào trong hang. Nhiều đoạn hang, người trải nghiệm phải bò ngược hoặc gập khom người đến mức thấp nhất mới có thể lách qua được.
Căn cứ Minh Đạm gồm 4 khu: Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch và Đá Chồng. Căn cứ này đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 18-1-1993. |
Sợ đi không quen du khách sẽ gặp nguy hiểm nên ông Nguyễn Hữu Định đã tình nguyện đi cùng để hướng dẫn chúng tôi trong hành trình chinh phục quần thể hang này. Ông Định nói, hôm nào không mưa thì du khách mới có thể vào khám phá hang động, chứ ngày mưa nước chảy từ núi xuống, trong hang không có ánh sáng, lại sình lầy khiến những bậc đá, rẻo đường rất trơn trượt, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Khung cảnh yên tĩnh đến mức có lúc dừng chân trong hang, chúng tôi còn nghe được cả tiếng nước từ trong một khe núi gần đó chảy róc rách hòa lẫn tiếng chim kêu, vượn hú từ xa vẳng lại.
Khi vào được đến hang Huyện ủy, ông Định giải thích, Căn cứ Minh Đạm được hình thành ở độ cao trên 100m, hang có cấu trúc kiểu “lò ảng” tự nhiên từ các khối đá hoa cương vững chắc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Minh Đạm là căn cứ cách mạng không chỉ của quân và dân Long Đất, mà còn là căn cứ của Tỉnh ủy, của Quân báo Trung ương Cục. Những chứng tích đó ngày nay vẫn còn hiện hữu với các hang mang tên: Huyện ủy, Huyện đội, Thị xã Cấp và Quân y. Ngoài ra còn có thêm những hang khác như: Quân giới, Tiền tiêu, B.2, C.25, tình báo Trung ương cục…
Trải nghiệm vào tận các hang động, nơi các bậc cha anh đã sống, làm việc, chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một bạn trẻ trong nhóm “phượt” đến từ tỉnh Long An nói trong xúc động: “Ngày nay những hang này đã được cải tạo một phần để du khách có thể đi lại và trải nghiệm mà đi lại còn quá vất vả. Em không thể tưởng tượng được ngày xưa làm sao các cô chú có thể sống và chiến đấu ở địa hình hiểm trở như thế này trong một thời gian dài. Thật đáng khâm phục”.
Vừa ra khỏi hang, chúng tôi gặp một nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM vừa chinh phục đỉnh núi Minh Đạm trở xuống nói cười rổn rảng. Võ Hoàng Ân, một thành viên trong đoàn cho biết: “Tụi em leo từ 9 giờ sáng đến gần trưa mới lên được đến đỉnh núi. Đứng trên cao lộng gió, phóng tầm mắt ra vùng biển Phước Hải, Long Hải, Lộc An, Hồ Tràm… mênh mông, xanh mát, mang lại cảm giác rất tuyệt vời, sảng khoái”.
Đi cùng chúng tôi rời hang và xuống núi Minh Đạm, ông Định nói: “Núi Minh Đạm không chỉ có phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn chứa đựng những giá trị thiêng liêng của quân và dân Long Đất xưa, đó là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”. Vì vậy ông Định rất mừng khi ngày càng nhiều người dân, nhất là các đoàn viên, thanh niên ghé tham quan Chiến khu Minh Đạm, để hiểu hơn và cùng góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống, lịch sử của vùng đất này đến mọi miền Tổ quốc...
Phương Liễu