Trong số gần chục quốc gia mà tôi đã từng đặt chân đến, có lẽ Lào là nước ngoài mà tôi ngao du nhiều lần nhất. Không phải vì Lào là nước láng giềng gần,miễn phí visa, đi lại dễ dàng, giá sinh hoạt rẻ… mà cảnh vật thiên nhiên và con người hiền hòa, chân chất ở xứ sở này đã thực sự chinh phục tôi.
Trong số gần chục quốc gia mà tôi đã từng đặt chân đến, có lẽ Lào là nước ngoài mà tôi ngao du nhiều lần nhất. Không phải vì Lào là nước láng giềng gần,miễn phí visa, đi lại dễ dàng, giá sinh hoạt rẻ… mà cảnh vật thiên nhiên và con người hiền hòa, chân chất ở xứ sở này đã thực sự chinh phục tôi.
Tác giả bên những cái chum bí ẩn ở Cánh đồng Chum |
Khá giống vùng núi rừng Tây Bắc của Việt Nam, cảnh vật bên sườn Tây dãy Trường Sơn và nhiều vùng miền khác trên đất bạn Lào còn khá hoang sơ. Đặc biệt là có nhiều nơi trên đất nước hiền hòa này đã ghi đậm dấu tích lịch sử về tình đoàn kết chiến đấu của quân dân hai nước Việt - Lào trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập, tự do cho cả hai dân tộc.
* Đêm lạnh ở Sầm Nưa
Địa danh được Quang Dũng nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến bất hủ: “…Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy / Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…” và nhạc sĩ Trần Tiến với bài hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp chính là Sầm Nưa, nằm cách Viêng Xay thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào 27km cùng trong địa bàn tỉnh Hủa Phăn.
TX.Sầm Nưa khá nhỏ, duyên dáng nằm gọn trong một thung lũng xanh tươi bốn mùa giữa núi đá lô nhô bao bọc xung quanh đã cho tôi biết thế nào là cái lạnh cắt da cắt thịt trên vùng núi cao Thượng Lào. Đêm ngủ trong một khách sạn thuộc loại sang trọng nhất nhì ở Sầm Nưa, thế mà tôi phải yêu cầu được “cấp cứu” bởi 3 cái mền len nặng trịch đắp chồng lên người, mới tạm nhắm mắt được. Thảo nào dân địa phương 12 giờ trưa vẫn còn ngồi túm tụm bên bếp lửa. Sầm Nưa từng là căn cứ địa quan trọng của bộ đội Việt Nam và Pathet Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đặc biệt, Sầm Nưa là nơi ra đời Đảng Nhân dân cách mạng Lào và cũng là nơi thành lập lực lượng vũ trang cách mạng Lào cùng Mặt trận Lào yêu nước.
Sầm Nưa chính là biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào và là một minh chứng sinh động, sáng ngời rất xứng đáng với mấy vần thơ mà Bác Hồ từng ứng tác: Thương nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua / Việt - Lào hai nước chúng ta / Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
* Uống bia Lào, múa lăm vông
Tôi cũng từng đến Champasak, viếng Đền thiêng Wat Phou - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; rảo khắp TP.Pakse (tỉnh lỵ Champasak). Cái thành phố nổi tiếng nhất của vùng Hạ Lào này không lớn lắm, nhưng được dòng sông Mê Kông chảy ngang qua và ôm ấp một đoạn bờ chỉ chừng 2km và thực sự đạt “tiêu chí thưởng thức” của dân du lịch mang đủ quốc tịch khác nhau khi đến đất nước Lào: “Ngồi uống bia Lào, nhìn nước sông Mê Kông trôi, ngắm hoàng hôn lặn”.
Bia Lào từng được tạp chí Asia Magazine bầu chọn là ngon nhất châu Á. Người Lào uống bia chậm chạp, nhẹ nhàng.
Tôi rất ấn tượng khi một lần qua thủ đô Viêng Chăn để… “ ăn Tết” (lễ hội té nước mừng năm mới của người Lào), sau một ngày đi viếng đủ 9 ngôi chùa với bộ đồ mặc trên người ướt nhẹp do đi đường được“hốt nậm” (té nước). Ngày đầu năm mới mà uống bia Lào, thưởng thức những món ăn truyền thống Lào như: Tam-Maak-Hung gồm đu đủ, dưa muối, nước cốt chanh, ớt, tỏi trộn với cá nướng cùng món lạp (mang ý nghĩa may mắn) làm từ thịt trâu, bò hoặc hươu băm nhuyễn trộn rau bạc hà… ngon không thể nào tả xiết.
“Tết Lào” Bun Pi May với tục té nước nhằm tống tiễn năm cũ, đón mừng năm mới còn là mùa hoa Đok Khun nở vàng rực khắp đường phố Lào từ thành thị đến các làng bản, vùng rừng núi. Có một lần không cưỡng nổi hình ảnh quá đẹp mắt, tôi nhảy xuống xe, xách máy ảnh ra chụp. Những người phụ nữ Lào hiếu khách, thấy khách ngoại bất ngờ xuất hiện, họ rót rượu mời ngay. Rượu đế Lào được chế biến từ gạo nếp ở vùng Hạ Lào ngon nổi tiếng. Tôi nhanh chóng hòa vào điệu lăm vông với những phụ nữ Lào váy áo sặc sỡ, trên tóc cài hoa… bò cạp nước.
Thực tình tôi đã làm quen với điệu múa lăm vông từ hàng chục năm trước, trong lần đầu đặt chân đến đất nước Lào. Từ TP.Đông Hà (Quảng Trị) chúng tôi theo Đường 9 Nam Lào vừa mở rộng thành hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) làm cuộc hành trình “3 nước trong 1 ngày”.
Lẽ ra “ăn sáng ở Việt Nam, ăn trưa ở Lào và ăn tối ở Thái Lan” nhưng đặt chân đến Savannakhet thấy quyến luyến quá, chúng tôi quyết định ở lại Lào. Hồi đó SaVảnh - thủ phủ của tỉnh Savannakhet còn nghèo và khá im lìm so với TP.Mukdahan ồn ào, đông vui của Thái Lan nằm phía bên kia sông Mê Kông.
Savanbanhao - cái khách sạn lạ đời nhất mà tôi từng gặp, chỉ có hai màu đen - trắng nhìn rất khác biệt giữa thế giới xung quanh mà từ trang phục đến nhà ở, chợ búa, chùa chiền thậm chí xe cộ đều xanh, đỏ, vàng một cách sặc sỡ. Kỳ lạ hơn, khách sạn này có đến 4 ngôi nhà thiết kế y chang nhau nằm ở bốn góc. Do vậy người dân địa phương gọi khu dinh thự kiên cố và từng một thời to nhất Savannakhet này là “xì lán” (có nghĩa là bốn nhà). Xì lán là tư dinh của viên quan ba người Pháp - chủ tỉnh Savannakhet được xây dựng vào khoảng năm 1950 với 4 ngôi nhà biệt lập nằm ở 4 góc của khu dinh thự cho 4 người con trai của quan chủ tỉnh làm nơi du hí mùa hè. Xì lán được nâng cấp trở thành Savanbanhao hotel cùng lúc Lào mở cửa và tìm đường thông thương qua hành lang Đông - Tây.
* Trên những con đường hoa
Nhà báo Lê Đức Dục (Báo Tuổi Trẻ) cho rằng đoạn đường từ huyện lỵ Viêng Xay đến TX.Sầm Nưa là “Con đường hoa đào dài nhất Đông Dương”; còn tôi thì “phát hiện” ra rằng những cánh đồng dã quỳ vàng rực trải dọc theo đường 13 dài 420km nối từ thủ đô Viêng Chăn đến cố đô Luang Prabang là… đường hoa dã quỳ dài nhất.
Đường 13 không những có hoa mà còn có máu của người Việt. Theo đó vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX người Pháp đứng ra mở đường và đặt ra tên gọi đầy tự hào “Old Royal Route” (con đường vương giả). Năm 1960, người Mỹ nâng cấp nhưng sau đó chiến tranh bùng phát, con đường trở nên hoang phế. Mãi đến năm 1996, con đường độc đạo này được chính phủ ta giúp phục hồi với sự đánh đổi bằng sinh mệnh của 20 công nhân người Việt bị bọn phỉ Lào sát hại.
Tôi nhớ lần từ cố đô Luang Prabang đi Phông sa vẳn (tỉnh lỵ Xiêng Khoảng). Đúng 9 giờ sáng, khi chiếc VIP bus vừa nhấn chuông báo hiệu khởi hành thì tôi thấy một thanh niên Lào bất ngờ nhảy lên xe và lầm lũi đi thẳng vào phía băng ghế sau cùng. Trên xe có 45 người, hầu hết là du khách phương Tây đều trố mắt nhìn. Tài xế Bun Thanh - người du học nghề lái xe ở Việt Nam cho biết: “Mấy năm trước trên cung đường có địa hình hiểm trở này thường bị bọn phỉ lợi dụng để quấy phá và quân đội đã tổ chức truy quét rất quyết liệt. Bây giờ yên rồi, nhưng để phòng ngừa và bảo vệ du khách; chính quyền vẫn duy trì việc cho bộ đội theo xe bảo vệ, nhưng phải mặc thường phục!”.
* Sống chậm và bình lặng
Khi lang thang trong H.Phong Sa vẳn tận mắt nhìn thấy nhiều quán ăn, tiệm cà phê, guest house… được thiết kế với hàng cột là những quả bom to đùng dựng đứng, bên vách treo súng, lựu đạn, bình ton..., cửa sổ thì lủng lẳng cái nón sắt Mỹ thủng lỗ đạn trồng phong lan, ngoài sân vườn là chiếc xe Jeep đậu bên cạnh đống vỏ bom; còn con đường vào Cánh đồng Chum thì loang lổ hố bom… tôi cảm thấy không khí chiến tranh vẫn còn phảng phất quanh đây dù chiến cuộc đã lùi xa hàng nửa thế kỷ.
Có lẽ nhiều du khách phương Tây cũng như tôi thích đến Lào vì nếp sống chầm chậm, bình lặng. Nhờ đi “bụi” tôi mới biết tiền xe đò nội địa ở Lào rất rẻ và xe khởi hành cũng rất đúng giờ. Nhưng chạy bao giờ mới đến lại là chuyện khác. Xe chạy từ từ, cứ cà rịch cà tang chuyển bánh. Với cái kiểu chạy rề rà này, tôi đã phải trân mình chịu trận suốt 20 tiếng đồng hồ để đi từ Attapeu lên Viêng Chăn trên quãng đường 800km và bị bỏ xuống bến xe Nam Viêng Chăn ngồi thui thủi một mình vào lúc 3 giờ 30 sáng. Một lần khác đi từ cao nguyên Xiêng Khoảng đến thị trấn du lịch quốc tế Vang Vieng, bị bỏ xuống xe vào lúc 1 giờ 30 sáng…
Ở bến xe Vang Vieng, mỗi giờ đều có một chuyến xe xuất bến. Do đây là khu du lịch quốc tế nổi tiếng ở Lào nên ngoài loại xe thường cho dân bản địa và khách du lịch nội địa về Viêng Chăn với giá phổ thông là 25 ngàn kíp, còn có một chiếc VIP bus sang trọng với giá gấp đôi. Tôi mua vé bus thường và phát hiện ra trên xe toàn là Tây và nhìn sang chiếc VIP bus thì thấy rặt là… dân Lào.
Tôi thích nhất người Lào ở tính thật thà, thân thiện. Trong một ngày cuối tuần, không có chuyến xe nào từ Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu Bờ Y, tôi đành phải xuất cảnh bằng… xe honda ôm. Tài xế bất đắc dĩ là chị Đinh Thị Mai quê Bình Định làm nghề bán cá và đổi tiền trong vùng ba biên giới. Được chị Mai đổi cho 2 triệu đồng tiền kíp của Lào tôi thật sự bối rối. Toàn là tiền giấy loại 1 ngàn và 2 ngàn kíp cũ xì và nhàu nát do chuyền tay qua nhiều người. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ôm một cục tiền to như chiếc gối. Khổ nhất là đi đâu cũng phải kè kè theo cục tiền to tướng này. Thế rồi tôi nghĩ ra cái “chiêu” là đi ăn, trả tiền phòng trọ, mua vé xe đò… tôi đều móc ra một cọc tiền đưa cho người bán tự đếm và thu tiền. Nhờ học thuộc lòng câu tiếng Lào duy nhất là: “Khọi bò hụ tha pha Lào. Khọi men chuôn Việt Nam” (Tôi không nói được tiếng Lào, tôi là người Việt Nam) nên hành vi trả tiền hơi… bị kỳ của tôi lại được các cô gái bán hàng, các bà chủ quán người Lào tỏ ra rất thích thú, vì… lâu lắm mới gặp được một khách hàng người Việt Nam có vẻ quá… khờ.
Lào từng được mệnh danh là Vương quốc hoa Champa và lấy loại hoa này làm quốc hoa, thế nhưng loại hoa mà người Việt mình gọi là sứ hay đại, hiện ở Lào gần như không ai trồng mới. Trong khi đó, vào Tết Bun Pi May cổ truyền hoa Đok Khun vàng rực cả đất trời bên vùng đất phía Tây dãy Trường Sơn. |
Bùi Thuận