Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí

08:10, 07/10/2022

Nhiều người quan tâm, gắn bó với ngành Xuất bản, in và phát hành sách đã bày tỏ những trăn trở lẫn kỳ vọng khi trao đổi với Đồng Nai cuối tuần nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam năm nay.

Nhiều người quan tâm, gắn bó với ngành Xuất bản, in và phát hành sách đã bày tỏ những trăn trở lẫn kỳ vọng khi trao đổi với Đồng Nai cuối tuần nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam năm nay.

ThS THÁI THU HOÀI (Trường đại học Văn hóa TP.HCM): Đào tạo nhân lực ngành Xuất bản

Ngành Xuất bản Việt Nam đã đổi mới trên tất cả các phương diện nội dung, hình thức và công nghệ xuất bản, làm cho sản phẩm xuất bản đa dạng hơn, phong phú hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc. Tuy vậy, trong tất cả nguồn lực để xây dựng một nền xuất bản phát triển bền vững trong tương lai từ cột mốc sau 70 năm thì tôi vẫn còn băn khoăn, trăn trở về nguồn lực con người. Với một nền xuất bản hiện đại thì cần có một đội ngũ nhân lực tinh thông và tâm huyết; có trách nhiệm, tình yêu và thái độ đúng với nghề. Thực tế, số lượng nhân sự hiện nay trong các đơn vị xuất bản được đào tạo đúng ngành chưa nhiều, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành Xuất bản trong bối cảnh mới. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng các nghiệp vụ chuyên môn với một ngành đặc thù là xuất bản cần được quan tâm thực sự nơi nhà quản lý xuất bản và các đơn vị làm công tác xuất bản.

TS NGUYỄN MẠNH HÙNG (Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Sách Thái Hà): Hướng tới ngành Công nghiệp xuất bản

Tôi thấy cơ hội để xuất bản Việt Nam trở thành ngành Công nghiệp đang càng ngày càng lớn dần. Để có được điều đó, tôi có vài suy nghĩ cá nhân:

Một là hình ảnh Việt Nam nói chung và ngành Xuất bản Việt Nam nói riêng cần xuất hiện trên thế giới nhiều hơn tại các hội sách quốc tế lẫn hội sách online, cần có các diễn giả Việt Nam tham gia các hội nghị, diễn đàn xuất bản thế giới. Hai là Cục Xuất bản và các cơ quan nhà nước chú tâm vào việc kết nối, tạo ra các sự kiện bổ ích, hiệu quả, hấp dẫn, đặc biệt là giải thưởng Sách quốc gia đã và đang gây ấn tượng, thể hiện vị thế, giá trị. Ba là chúng ta cần sớm có quỹ dịch thuật và quỹ khuyến đọc. Bốn là cần có một chiến dịch lớn từ các đơn vị xuất bản tham gia chủ động vào chuyển đổi số, kinh tế số. Năm là cần thành lập Ủy ban Quốc gia về sách và văn hóa đọc trực thuộc Chính phủ. Sáu là xử lý được nạn sách lậu, sách giả lâu nay vẫn hoành hành công khai. Bảy là tiến tới hình thành một thành phố sách (book city) như Hàn Quốc, Malaysia làm rất tốt để quảng bá, thúc đẩy, liên kết mạnh mẽ cho ngành Xuất bản. Tám là xây dựng các chương trình quảng bá gới thiệu sách, các CLB yêu sách lan tỏa rộng khắp, hiệu quả. Chín là phát triển dòng sách đặc biệt và sách làm quà tặng mang ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn.

ThS PHẠM KHÁNH DUY (Trường đại học Cần Thơ): Quan tâm in sách nghiên cứu, lý luận phê bình

Đối với những bản thảo sách văn học nghệ thuật, một xu hướng dễ nhận thấy ở các NXB là chú trọng đầu tư in ấn sách loại hình văn xuôi (truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản văn…) hơn thơ, dù cả văn xuôi và thơ đều có vị thế ngang nhau, góp phần tạo nên diện mạo của văn học Việt Nam các thời kỳ, nhất là thời đại hôm nay. Phải chăng vì sách thơ “khó tiêu thụ” hơn sách văn xuôi? Nếu tình trạng này cứ kéo dài, có lẽ dòng sách thơ Việt Nam sẽ bị khuyết đi.

Đối với những bản thảo sách nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học, việc xuất bản và đưa công trình nghiên cứu đến gần với độc giả càng khó khăn hơn bởi thể loại sách này thường rất khó tiêu thụ, đối tượng tiếp nhận bị hạn chế (chủ yếu là sinh viên, học viên, giáo viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu chuyên ngành Văn hóa, văn học). Là một người đã và đang tham gia nghiên cứu văn học, tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, các  NXB sẽ mở rộng đường đi cho các nhà nghiên cứu, cho mảng sách nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật… nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung.

Long Khánh (thực hiện)

Tin xem nhiều