Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại và khi xu thế kinh doanh trực tuyến, nền tảng số lên ngôi, shipper (người giao hàng, vận chuyển) ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp các nẻo đường. Hiện nay, khi dạo một vòng quanh phố phường Biên Hòa, xen giữa nhiều dòng xe, dòng người tấp nập ngược xuôi, dễ nhận thấy hơn cả là những chiếc áo màu cam, xanh, vàng… của các shipper đang tất bật luân chuyển hàng hóa, đồ ăn, thức uống đến tận tay khách hàng hằng ngày, hằng giờ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại và khi xu thế kinh doanh trực tuyến, nền tảng số lên ngôi, shipper (người giao hàng, vận chuyển) ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp các nẻo đường. Hiện nay, khi dạo một vòng quanh phố phường Biên Hòa, xen giữa nhiều dòng xe, dòng người tấp nập ngược xuôi, dễ nhận thấy hơn cả là những chiếc áo màu cam, xanh, vàng… của các shipper đang tất bật luân chuyển hàng hóa, đồ ăn, thức uống đến tận tay khách hàng hằng ngày, hằng giờ.
Shipper của một ứng dụng giao đồ ăn nhận đơn tại một cửa hàng nước uống trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) để giao cho khách. Ảnh: H.Lê |
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng, vận chuyển, nhiều loại hình shipper đã ra đời như: shipper của các công ty giao hàng, chuyển phát nhanh; shipper của các ứng dụng giao đồ ăn, đi chợ hộ; shipper tự do trên các hội nhóm mạng xã hội; shipper chuyên biệt của một cửa hàng nhất định… Dù là kiểu shipper nào, sau mỗi chặng đường, cuốc xe, họ cũng thường tập trung về một số “bến” dừng - nơi có các anh em shipper tề tựu nghỉ ngơi vào những giờ thấp điểm trống đơn hàng để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống…
* Tất bật trên từng cây số
Trên địa bàn TP.Biên Hòa, một số cung đường sầm uất tập trung nhiều hàng quán như: Võ Thị Sáu, Phan Trung, Dương Tử Giang, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc (đoạn P.Hố Nai, gần công viên 30-4), Hà Huy Giáp (đoạn công viên Quyết Thắng)…, đều có một “bến” dừng nhất định, thường là chỗ có diện tích rộng, mát mẻ và dễ quay xe để khi ứng dụng vừa “nhảy” đơn là các shipper có thể tiện di chuyển nhanh chóng.
Công việc của các shipper tưởng chừng đơn giản, dễ kiếm tiền nhưng thực tế đây là một nghề khá nhiều gian truân, nhọc nhằn đòi hỏi có sự kiên nhẫn, chịu khó. Người làm công việc này phải trau dồi một số kỹ năng nhất định như: sự nhanh nhẹn, có thái độ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp thì mới “trụ” lại được với các ứng dụng, cửa hàng và làm hài lòng cả các “thượng đế” ngoài đời.
Theo hầu hết các shipper, nghề này khá cực khi phải bôn ba ngoài đường dù nắng gắt hay khi mưa ngập đường. Song dường như đã thành quen, chỉ cần có đơn là các shipper chẳng muốn dừng nghỉ, dù mùa cao điểm lễ tết, đều hào hứng đi giao ngay.
Anh Ngọc Duy, shipper chuyên biệt của một cửa hàng thời trang ở P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa) đang ngồi nghỉ tại bến công viên 30-4 (P.Hố Nai) cho biết, làm nghề này phải thật sự kiên nhẫn, nhanh nhẹn và yêu thích sự tự do đi lại. Một đơn hàng giao khu vực nội thành trong ngày dao động từ 20-40 ngàn đồng tùy theo địa điểm xa gần trung tâm nên nếu biết sắp xếp hợp lý sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
“Ngày mới từ quê vào làm, tôi không quen đường nên chưa thông thạo đường phố, làm trễ hẹn với khách, giao nhầm đơn, bị trừ tiền ship… Hơn 2 năm làm nghề, giờ đây tôi có thể sắp xếp lộ trình giao hàng rõ ràng, kiểm tra đơn trước khi giao, đồng thời gọi điện và thông báo luôn số tiền và thời gian chính xác để khách hàng có sự chuẩn bị và đỡ mất thời gian, sự cố không mong muốn” - anh Duy nói.
Tương tự, anh Lê Phi Hùng, shipper của ứng dụng giao đồ ăn Shopee Food tại “bến” đường Phan Trung cho biết, phạm vi hoạt động của anh chủ yếu trong nội thành Biên Hòa. Nhu cầu đặt đồ ăn, thức uống qua app ngày càng tăng cao khi các hàng quán đã phục hồi công suất hoạt động so với thời điểm dịch. Shipper thường hoạt động nhộn nhịp vào các khung giờ cao điểm buổi trưa từ 11-13 giờ, chiều tối từ 17-20 giờ, còn lại lượng đơn chỉ lai rai.
“Vào những khung giờ thấp điểm, vắng khách, shipper chúng tôi thường tụ lại một địa điểm cố định, quen thuộc để ngồi nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng rồi chia sẻ cho nhau những chuyện vui buồn sau mỗi cuốc xe. Chỉ vậy thôi mà đã thấy bao mệt mỏi tan biến. Ngoài ra, chúng tôi còn lập nhóm chat Zalo để khi có việc, các anh em trong nhóm shipper có thể chia sẻ, giúp đỡ kịp thời” - anh Phi Hùng chia sẻ.
* Muôn hình vạn trạng nỗi niềm của shipper
Quan niệm shipper là nghề “hot”, được nhiều người lựa chọn vì có nhiều ưu điểm như: thoải mái thời gian và mang lại thu nhập khá, nhưng khi nghe shipper ngoài đời thực tâm sự tại các bến dừng mới thấy muôn hình vạn trạng hỉ - nộ - ái - ố của nghề này trên những nẻo đường mưu sinh. Họ ngày ngày rong ruổi trên các cung đường, ngõ ngách từ sáng sớm đến tối khuya, không quản ngại để mang hàng hóa đến tận tay khách. Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà các shipper còn mang lại niềm vui, sự thở phào cho cả bên bán hàng lẫn người mua hàng mỗi khi đơn hàng được xác nhận giao thành công.
Các shipper dừng chân tại các một “bến” nghỉ quen thuộc trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa) để nghỉ ngơi, theo dõi đơn hàng chuẩn bị tiếp tục hành trình giao nhận, vận chuyển. Ảnh: H.Lê |
Anh Hoàng Nam, shipper của một công ty vận chuyển đang nghỉ tại “bến” đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng) cho biết, nghề giao hàng với anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui nhiều hơn buồn. Mọi chuyện đều có thể xảy ra trên từng cây số. Thông thường, chỉ cần một lời cảm ơn của khách cũng khiến các shipper như anh nhẹ nhõm. Tuyệt vời hơn cả là khi mang “trọng trách” giao những yêu thương ấm áp của người gửi đến người nhận, là bó hoa, chiếc bánh sinh nhật, là quà kỷ niệm đặc biệt hay chỉ là những ly trà sữa “thay lời muốn nói” từ một chàng trai đến cô gái nào đó, các shipper như anh lại nhận về những trìu mến, cảm kích.
“Mạng xã hội phát triển nên việc “bùng hàng”, thái độ xem thường đối với nghề này đã hạn chế hơn trước rất nhiều vì sợ bị “bóc phốt”. Mỗi khi đi giao hàng, một tin nhắn, một lời động viên, hay để lại 5 sao đánh giá trên app của khách hàng… đều là những món quà nhỏ bé mà vô cùng giá trị đối với tôi” - anh Nam bộc bạch.
Còn theo anh Nguyễn Ngọc Quý, shipper của một ứng dụng giao đồ ăn tại “bến” đường Phan Trung, hiện nay để đăng ký trở thành shipper khá dễ dàng, không cần bằng cấp hay qua lớp đào tạo nào, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, phương tiện đi lại và phí đăng ký định danh, phí đồng phục của ứng dụng. Chính vì sự dễ dàng đó nên kéo theo sự gia nhập của lực lượng shipper mới và những người có công việc cố định chuyển sang làm thêm vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Do vậy, số lượng đơn hàng ngày càng bị ứng dụng chia lẻ, mức độ cạnh tranh cao hơn cũng như quãng thời gian “chết” ngồi chờ ứng dụng “nổ đơn” lâu hơn trước…
“Nhìn chung nghề nào cũng có những khó khăn nhất định. Nghề shipper cũng vậy, tưởng đơn giản mà chẳng hề giản đơn. Với những shipper dành toàn bộ thời gian như tôi không ngại nắng gió, chỉ sợ sức không đủ. Nhiều khách hàng giờ đây đã thông cảm và hiểu hơn đối với công việc của mình. Tôi chỉ mong rằng các ứng dụng sẽ lắng nghe và đưa ra những chính sách tốt hơn về phí trung gian, lượng đơn chia sẻ cho anh em” - anh Quý tâm sự.
Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, một lượng shipper tự do còn có thể hoạt động riêng lẻ hoặc tập hợp thành từng nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Các shipper này không phụ thuộc vào bất kỳ sự quản lý của các công ty, đơn vị nào. Những người này thường nhận giao hàng theo yêu cầu khi đạt được thỏa thuận từ các bên. Khi khách có nhu cầu, đăng tải nguyện vọng tìm shipper lên mạng, các bên sẽ tự tìm đối tác và trao đổi với nhau về quãng đường, hàng hóa, phí vận chuyển.
Dù là với hình thức hoạt động như thế nào, mỗi hành trình, từng cây số của những shipper này đã giúp giao thương hàng hóa giữa các bên trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Hình ảnh những shipper với chiếc xe cồng kềnh, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, chiếc áo sáng màu ướt đẫm… đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn kết giữa thế giới online, số hóa với cuộc sống thực tế đầy sôi động này. |
Hà Lê