Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở và hộ gia đình… là những điểm yếu cốt lõi của nhiều làng nghề trên cả nước hiện nay, không riêng làng nghề ở địa phương nào.
Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở và hộ gia đình… là những điểm yếu cốt lõi của nhiều làng nghề trên cả nước hiện nay, không riêng làng nghề ở địa phương nào. Chưa kể, nguồn lao động cho các làng nghề ngày càng khan hiếm, dẫn đến có những cơ sở nhận được đơn hàng lớn phải từ chối vì sợ không đáp ứng kịp. Bên cạnh đó, ngoài một số làng nghề có sản phẩm thực sự đặc sắc và chất lượng cao thì nhiều sản phẩm của một số làng nghề còn đơn điệu, chưa thu hút được người tiêu dùng.
Tất cả những yếu tố trên ngày càng lộ rõ khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này mở ra các cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khác thuận lợi hơn, đồng thời cũng đặt các làng nghề vào thách thức lớn khi vừa phải cạnh tranh với các bạn hàng trên thị trường quốc tế, vừa phải cạnh tranh với hàng ngoại ở thị trường nội địa. Bởi hàng hóa hiện nay gần như không còn “biên giới”, với các chính sách thuế quan tương tự như nhau. Thời gian qua, nhiều làng nghề của Đồng Nai có sản phẩm rất đặc sắc nhưng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá chưa tốt nên dù bán khá tốt cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng nghịch lý là lại khá ít người tiêu dùng biết rằng đó là sản phẩm có xuất xứ từ các làng nghề của Đồng Nai.
Trải qua hàng trăm năm, đến nay không ít làng nghề truyền thống ở Đồng Nai có lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ở nhiều góc độ, các làng nghề không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng mà còn mang trên mình các giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần lưu giữ và phát triển. Và muốn vậy, sự phát triển đó phải bền vững và mang tính “tự thân” từ các làng nghề: đổi mới cách thức hoạt động, xây dựng thương hiệu, thị trường và làm cho sản phẩm của mình có sức cạnh tranh cao.
Trong quá trình hội nhập diễn ra gần 20 năm qua, Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đã có những làng nghề tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh dần và vươn xa. Tuy nhiên, cũng có những làng nghề không theo kịp với quá trình thay đổi, nhu cầu của thị trường nên dần bị thu hẹp, mai một và mất đi. Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển các làng nghề thông qua các chương trình hỗ trợ như: đào tạo nguồn lao động, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu... Song tất cả muốn thành công và có hiệu quả, đều phải “trông cậy” vào sự đổi mới, chuyển mình từ chính các làng nghề.
Vi Lâm