Cà phê không dừng lại ở một thức uống quen thuộc có tác dụng giúp mỗi người có được tinh thần tập trung, hứng khởi hơn mà đã trở thành một chất góp phần kết nối mọi người lại với nhau.
Cà phê không dừng lại ở một thức uống quen thuộc có tác dụng giúp mỗi người có được tinh thần tập trung, hứng khởi hơn mà đã trở thành một chất góp phần kết nối mọi người lại với nhau.
Bên những bàn cà phê, trong những góc quen người ta trò chuyện, bàn luận, chia sẻ… nhiều hơn. Từ đó, cà phê trở thành một cái “cớ” để được ngồi cùng bên nhau vì thực tế, uống cà phê chỉ là việc phụ so với nhu cầu được chia sẻ, trò chuyện cùng nhau.
“Cà phê nhé!” là những lời mời từ những bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình hay cả với những khách hàng, đối tác. Dường như uống cà phê đã trở thành nơi bắt đầu của những câu chuyện, những tình bạn, tình yêu… Đôi khi, người ta rủ nhau đi uống cà phê mà lại không uống cà phê; đơn giản đó là lời mời quen thuộc để có một cuộc hẹn mỗi ngày.
Cà phê - giao tiếp là nhu cầu thiết thân của mỗi người, đồng thời trở thành đề tài xã hội, đối tượng nghiên cứu của nhiều người, nhiều ngành. Xung quanh câu chuyện văn hóa cà phê, bên cạnh những nét tích cực, còn có những câu chuyện ứng xử được đề cập, như: văn hóa nói lời cảm ơn khi được phục vụ, văn hóa trò chuyện nơi đông người, văn hóa xếp hàng khi “order”…
Ở Biên Hòa, tại một tiệm trà, cà phê nổi tiếng, từng có trường hợp khách hàng vì chờ order quá lâu đã xảy ra cự cãi, thậm chí xô đẩy nhau. Hay câu chuyện trong những quán cà phê hiện đại với máy lạnh, sóng wifi phủ rộng khắp, không khó có thể bắt gặp hình ảnh những nhóm thanh niên ngồi cùng bàn nhưng không giao tiếp với nhau trong một thời gian dài. Mỗi người đều tập trung cao độ vào màn hình điện thoại thông minh. Thực ra, giao tiếp hay không đó là quyền của mỗi người, nhưng thực trạng này cũng cho thấy những “bất ổn” trong giao tiếp của một bộ phận người dân.
Dù sao trong dòng chảy chung của đời sống, đa phần người ta vẫn thích hương vị cà phê và mong muốn được giao tiếp, chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa…
Vậy thì, cứ “cà phê nhé!” khi ta còn có thể…
Uyên Trang