Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần, TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi mô hình phát triển cho đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ, phát triển thông minh là không dễ, nhưng khả thi.
TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam |
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần, TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi mô hình phát triển cho đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ, phát triển thông minh là không dễ, nhưng khả thi.
* Định hướng chuyển đổi là đúng đắn
* Thưa ông, đô thị Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai và có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực phát triển rất mạnh. Với đặc điểm đó, trong quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa phải chú ý đến những yếu tố nào?
- Tôi cho rằng, vấn đề phát triển đô thị Biên Hòa cần rà soát lại một cách thật kỹ lưỡng để Biên Hòa tiếp tục trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như của cả nước; đồng thời, tạo ra sức hút với quốc tế.
Đối với những đô thị có truyền thống phát triển hàng trăm năm như Biên Hòa, trên thế giới thường được khai thác để phát triển rất hiệu quả. Các đô thị như thế, sau khi được định hình lại, tìm hướng phát triển phù hợp và đúng hướng thì nó thực sự đóng góp cho sự phát triển của địa phương rất lớn.
* Đối với đô thị Biên Hòa hiện nay, việc định hình lại, tìm hướng phát triển như thế nào là phù hợp và đúng hướng, thưa ông?
- Tôi được biết hiện nay đô thị Biên Hòa đã được định hướng phát triển từ đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ và phát triển thông minh. Tôi thấy rằng, định hướng như vậy là rất là đúng. Vấn đề là với định hướng như vậy, việc triển khai thực hiện cụ thể sẽ như thế nào?
Theo tôi, để thực hiện sự chuyển đổi này thì có mấy điểm rất quan trọng cần lưu ý. Đầu tiên là phải tính toán lại cho đô thị Biên Hòa về hệ thống kết nối liên vùng giao thông để các nhà đầu tư phải tìm đến với mình. Thế mạnh của Đồng Nai là có đủ 5 loại hình giao thông. Vậy nên, vấn đề hiện nay là phải rà soát và kết nối lại với nhau, trong đó cần đặc biệt chú ý đến giao thông đường bộ và đường thủy. Cùng với đó, sắp tới đây, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi được xây dựng xong thì đấy là một cơ hội rất quý giá cho địa phương thực hiện gắn kết về giao thông. Bởi Biên Hòa có vị trí rất gần với sân bay Long Thành.
Khu công nghiệp Biên Hòa 2, một trong các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
* Cần tính đến yếu tố thương mại dịch vụ ngay trong các khu công nghiệp
* Thưa ông, đô thị Biên Hòa hiện có đến 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này, KCN Biên Hòa 1 hiện đã được đưa ra khỏi quy hoạch các KCN Việt Nam. Như vậy, với một đô thị có nhiều KCN như Biên Hòa, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ có khả thi hay không?
- Tất nhiên, với quá nhiều KCN trên địa bàn, việc chuyển đổi mô hình phát triển cho đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ là không dễ dàng. Thế nhưng, chúng ta cần chú ý là thương mại dịch vụ cũng cần được hiểu theo một quan điểm mới. Thương mại dịch vụ không phải hiểu đơn thuần là các khu dân dụng, các trung tâm thương mại, mua sắm, dịch vụ… mà ngay bản thân các KCN cũng cần được tính toán đến yếu tố thương mại, dịch vụ. Nó nằm ngay trong các hệ thống phát triển công nghiệp.
Từ đó, bằng cách rà soát, quy hoạch lại để chúng ta vừa giữ vững được phát triển công nghiệp vừa phát triển thương mại, dịch vụ.
Nói gì thì nói, hiện nay các KCN trên địa bàn Biên Hòa đang phát triển bền vững và công nghiệp đương nhiên mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế và cũng rất cần thiết để phát triển. Chính vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề là chúng ta cần quy hoạch lại cho hợp lý và tôi cũng nghĩ rằng, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ đối với đô thị Biên Hòa là hoàn toàn khả thi.
* Thưa ông, khi chuyển dịch mô hình phát triển, vấn đề được đặt ra là việc bảo tồn các giá trị truyền thống và nhu cầu phát triển phải được cân bằng. Vậy đối với đô thị Biên Hòa, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Khi đô thị phát triển, nhất là đối với các đô thị có truyền thống lâu đời như Biên Hòa, giữa bảo tồn và phát triển bao giờ cũng phải tính yếu tố hài hòa. Quan điểm của tôi thì ưu tiên bảo tồn cần đặt ra, tuy nhiên chúng ta phải có một sự đánh giá rất cẩn trọng, kỹ lưỡng và có sự lựa chọn phù hợp. Bảo tồn cũng phải gắn với phát triển.
Có nghĩa rằng, ngay bản thân những di sản cần bảo tồn, những di sản kiến trúc đô thị cần giữ lại thì cũng phải tính đến yếu tố nó phải hòa trong một mạng lưới chung để phát triển công nghiệp văn hóa, để mang lại lợi ích cho địa phương chứ không thể bảo tồn một cách tĩnh lặng. Tức giữ nguyên nhưng không có đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thì cũng không ổn.
Trong khi đó, vấn đề phát triển phải tính đến yếu tố đã nói ở trên là hài hòa. Bên cạnh bảo tồn, chúng ta phải phát triển cho tương lai những sản phẩm mới, trong đó có những công trình kiến trúc, quy hoạch để cho bản thân thành phố có một sự cân bằng mới, phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!
Theo TS-KTS PHAN ĐĂNG SƠN, khái niệm về chuyển đổi các KCN trở thành các KCN văn hóa được hiểu là khi nhận thấy những hệ thống nhà máy gây ra ô nhiễm môi trường, chồng chéo về giao thông, không còn phù hợp trong sự phát triển của một đô thị ở giai đoạn mới thì người ta di chuyển nó đến một khu vực khác phù hợp hơn. Còn vị trí cũ sẽ được chuyển đổi thành các KCN văn hóa, khai thác ngay những hệ thống là di sản cũ về kiến trúc để tổ chức thành các không gian mới cho các hoạt động văn hóa như vui chơi, giải trí dịch vụ. Tất cả các KCN trên thế giới chuyển đổi lúc đầu cảm thấy có thể khô khan và khó khăn nhưng thực tế các KCN chuyển đổi thành công trên thế giới hiện nay chiếm tỷ lệ rất lớn. |
Phạm Tùng (thực hiện)