Từ lâu, cà phê đã trở thành thức uống quen thuộc của người Việt. Cà phê xuất hiện từ những vỉa hè trên các con phố nhỏ đến quán ăn, nhà hàng sang trọng. Người ta uống cà phê mỗi ngày như một thói quen và dần trở thành nét văn hóa riêng biệt.
Từ lâu, cà phê đã trở thành thức uống quen thuộc của người Việt. Cà phê xuất hiện từ những vỉa hè trên các con phố nhỏ đến quán ăn, nhà hàng sang trọng. Người ta uống cà phê mỗi ngày như một thói quen và dần trở thành nét văn hóa riêng biệt.
Quán cà phê trở thành không gian để gặp gỡ, trò chuyện của nhiều người. Ảnh: Huy Anh |
* Nguồn gốc cây cà phê
Theo PGS-TS Phan Quốc Sủng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cà phê trong cuốn Cây cà phê ở Việt Nam thì nguyên quán của cây cà phê là mọc hoang dại trong những cánh rừng ở Ethiopia và ở vùng Arabia Feli (Yemen) châu Phi. Trong nhiều tài liệu xuất bản viết rằng: ở gần một tu viện có người chăn dê ở bên sườn núi, khi quan sát về ban đêm thấy bầy dê ít ngủ hiếu động nhảy nhót. Điều này khiến họ theo dõi và phát hiện ra rằng ở trong rừng có một loại cây mà dê đã ăn lá của loại cây đó. Họ đã hái lá đem về, sau này thu hái cả quả đem luộc, nướng, rang rồi nấu nước uống (lá, vỏ, quả sau cả hạt). Khi uống loại nước này con người cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo và người ta đã sử dụng nó để làm nước uống cho các cuộc hành trình vượt qua sa mạc…
Cà phê lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam từ năm 1857 và trồng từ năm 1888. Giai đoạn đầu được trồng thử tại một số nơi ở Ninh Bình, Quảng Bình và mãi tới đầu thế kỷ XX mới được trồng trong các đồn điền của người Pháp thuộc tỉnh Nghệ An và một số nơi ở Tây nguyên.
* Từng là thức uống xa xỉ
Nói về việc người ta đã uống cà phê từ bao giờ - theo sách Cây cà phê ở Việt Nam thì từ thời xa xưa người ta nướng lá cà phê rồi nấu thành nước uống. Sau đó dùng vỏ quả chế thành nước uống và lên men quả chín để chế thành rượu vang. Hạt cà phê được sử dụng làm nước uống ở Ai Cập năm 1592. Người ta cho rằng cà phê được uống đầu tiên ở Yemen vào giữa thế kỷ thứ XV và uống cà phê trở thành thứ thời thượng ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XVI...
Cà phê là cây trồng thế mạnh được Đồng Nai tập trung phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh do cà phê không còn cho lợi nhuận cao. |
Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, Việt Nam được làm quen với cà phê. Thế nhưng thời điểm đó, cà phê mới chỉ là thức uống sang trọng, xa xỉ của giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dà, cây cà phê ngày càng được trồng phổ biến tại nhiều địa phương và cà phê cũng trở thành thức uống phổ biến, len lỏi trong đời sống người dân từ phố thị đến nông thôn và trở thành đặc trưng văn hóa của cà phê Việt.
* Đồng Nai - khởi đầu cho lịch sử cà phê Việt Nam
Tại Đồng Nai, cây cà phê có ý nghĩa đặc biệt với thương hiệu Vinacafé - khởi đầu cho lịch sử cà phê Việt Nam từ việc sở hữu nhà máy cà phê đầu tiên của Đông Dương.
Theo lịch sử Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, năm 1968, ông Marcel Coronel, quốc tịch Pháp, cùng vợ là bà Trần Thị Khánh khởi công xây dựng Nhà máy cà phê CORONEL tại Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1) với mục đích giảm thiểu chi phí vận chuyển cà phê về Pháp. Nhà máy cà phê CORONEL có công suất thiết kế 80 tấn cà phê/năm, với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức.
Sau khi đất nước thống nhất, Nhà máy cà phê Coronel được đổi tên thành Nhà máy cà phê Biên Hòa và được giao cho Tổng cục Công nghệ thực phẩm quản lý. Năm 1978, chỉ vỏn vẹn 1 năm sau thành công của mẻ rang đầu tiên, Nhà máy cà phê Biên Hòa đã thành công trong việc xuất khẩu ra thế giới, lần đầu tiên cà phê Việt Nam đến với các nước thuộc Liên Xô cũ, Đông Âu thông qua việc trao đổi hàng hóa.
Hiện nay, cây cà phê là loại cây công nghiệp lâu năm chủ lực của Đồng Nai, nhất là tại các vùng trồng chuyên canh ở TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ... Ngoài cà phê thô, Đồng Nai còn tập trung các sản phẩm cà phê chế biến sâu, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng như: rang xay, hòa tan…
Đồng Nai có nhà máy sản xuất cà phê hòa tan có sản lượng lên đến hàng ngàn tấn mỗi năm của các nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa; Vinacafe Biên Hòa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam… Cà phê của Đồng Nai không chỉ cung cấp tốt cho thị trường trong nước mà cả xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Lâm Viên - Thảo Nguyên