Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác với Nhật để làm hàng Việt

08:10, 07/10/2022

Lựa chọn lĩnh vực công nghệ cơ khí, cắt gọt kim loại để khởi nghiệp, với vốn kinh nghiệm từng làm việc ở Nhật Bản, anh Đinh Thành Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa) cùng cộng sự đã từng bước phát triển doanh nghiệp (DN) đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Lựa chọn lĩnh vực công nghệ cơ khí, cắt gọt kim loại để khởi nghiệp, với vốn kinh nghiệm từng làm việc ở Nhật Bản, anh Đinh Thành Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ishikawa (TP.Biên Hòa) cùng cộng sự đã từng bước phát triển doanh nghiệp (DN) đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Đinh Thành Cương (bên trái) trao đổi với nhân viên trong một công đoạn sản xuất. Ảnh: V.Gia
Anh Đinh Thành Cương (bên trái) trao đổi với nhân viên trong một công đoạn sản xuất. Ảnh: V.Gia

Hiện tại, Ishikawa đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm, đồng thời đầu tư máy móc, công nghệ với phương châm “thận trọng trong từng thao tác” nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng theo nhu cầu. DN này cũng mong muốn Nhà nước tạo thêm cầu nối xúc tiến, hợp tác với các đối tác sản xuất trong và ngoài nước.

* Theo đuổi ngành kim loại tấm

Công ty TNHH Ishikawa thành lập từ năm 2010, xuất phát từ đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm từ Nhật Bản về Việt Nam, hoạt động trong ngành sản xuất và gia công kim loại tấm, làm nhà thầu sản xuất phụ kiện và chế tạo máy… Anh Đinh Thành Cương, Giám đốc công ty vốn có thời gian học nghề và làm việc tại Nhật về ngành kim loại tấm, sau đó về Việt Nam và được tiếp tục cử đi học chuyên sâu về lĩnh vực này. Một thời gian sau, anh cùng với một số cộng sự đã bàn bạc và quyết định thành lập DN của riêng mình để ứng dụng những kinh nghiệm đã tiếp nhận được, mở xưởng sản xuất của người Việt.

Khó khăn lớn của bất cứ một DN nào sau khi khởi nghiệp cũng là phải bán được hàng hóa, dịch vụ. Đối với DN ngành cơ khí chuyên sâu thì điều đó lại càng khó khăn hơn, anh Cương cho hay thời gian đầu DN chưa tìm được nhiều khách, đơn hàng ít nên hoạt động tương đối vất vả, để phát triển được thì buộc các thành viên phải nỗ lực cao nhất. Bắt đầu từ những khách hàng nhỏ, rồi dần dần tìm đến các đối tác lớn hơn, theo thời gian thì số lượng khách hàng của công ty cũng tương đối. Tuy nhiên việc cạnh tranh trong ngành là không bao giờ dễ dàng, nếu không chăm chút, sẽ rất dễ để mất đơn hàng vào tay đối thủ cạnh tranh.

“Sản xuất của Việt Nam nói chung, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ năng lực còn hạn chế. Việc đáp ứng những đơn hàng lớn cho đối tác thường rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn được tạo cơ chế thuận lợi để xây dựng cộng đồng sản xuất, liên kết, tập hợp nhau lại để nâng cao năng lực của mình. Có liên kết sản xuất, hợp tác cùng nhau mới có thể đi lâu dài và cạnh tranh tốt hơn trước áp lực của các DN ngoại hiện đang sản xuất những mặt hàng tương tự tại Việt Nam” - anh ĐINH THÀNH CƯƠNG mong mỏi.

“Chúng tôi là một nhóm khởi nghiệp trẻ, vì có quyết tâm, đam mê ngành kim loại tấm mà quyết định đứng trên đôi chân của mình khởi nghiệp. So với thời điểm đi làm cho công ty nước ngoài thì vất vả hơn nhiều nhưng bù lại anh chị em có tâm thế khác hẳn vì đây là làm việc cho chính mình” - anh Cương chia sẻ.

Cho đến hiện tại, DN đã từng bước phát triển ổn định và có lượng khách hàng thường xuyên trong ngành cơ khí Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung ứng như gia công cắt gọt kim loại trên máy CNC; gia công cơ khí chính xác các loại phụ tùng thay thế và linh kiện máy công nghiệp như: bánh vít, trục vít, bánh răng, cánh quạt, thanh ren, bản lề, lược rác, con lăn, mũi dẫn, bánh xe; các chi tiết máy đơn giản đến hoàn thiện...

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao năng lực sản xuất của mình, anh Cương đã từng bước đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, xây dựng quy trình sản xuất với phương châm “thận trọng trong từng thao tác”. Theo anh Cương, khi các đối tác nhận được sản phẩm chất lượng, DN có lợi nhuận và thương hiệu tốt thì cũng chính là tạo niềm vui, hạnh phúc cho nhân viên để họ nỗ lực hơn, trở thành người thợ lành nghề, chuyên gia công kim loại tấm. Khi đi vào quản trị sản xuất, điều mà anh tâm đắc nhất là sự tỉ mẩn, chính xác trong chế tạo sản phẩm của người Nhật. Những kinh nghiệm khi làm việc tại Nhật Bản và nhà máy người Nhật ở Việt Nam đã giúp ích rất nhiều cho anh sau này.

* Tìm cách mở rộng hợp tác cung ứng sản phẩm

So với hầu hết các DN khởi nghiệp ngành cơ khí, chế tạo hiện nay, điểm đặc biệt mà Ishikawa đang có chính là có sự tham gia của cổ đông Nhật Bản. Điều này giúp cho công ty có sự vững vàng hơn trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng. “Chúng tôi hợp tác với người Nhật trong khâu phân phối sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng, phần mình sẽ tập trung vào khâu sản xuất. Sự hợp tác này vừa giúp cho hai bên tận dụng được lợi thế của nhau, đối tác có thể rút ngắn thời gian giao hàng cho nhà máy trong khi công ty cũng yên tâm hơn để đầu tư vào sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm” - anh Cương chia sẻ thêm.

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã không ngừng nỗ lực đầu tư máy móc, công nghệ
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã không ngừng nỗ lực đầu tư máy móc, công nghệ

Có sự thuận lợi hơn về ban đầu trong khâu tiêu thụ nhưng trong thực tế, việc kinh doanh cũng không dễ dàng. Theo anh Cương, không chỉ công ty của mình mà hầu hết các DN trong giai đoạn này đều gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Hàng xuất khẩu khó, việc “ăn hàng” của các công ty ở ngay thị trường nội địa, nhất là đối tác có vốn đầu tư nước ngoài cũng chững lại. Nguyên nhân là tình hình kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều xáo trộn, bất cứ DN nào cũng tính toán để tiết giảm chi phí. Các DN ngoại đang có xu hướng sử dụng sản phẩm từ các công ty con của mình nhiều hơn, do vậy thị phần cho các nhà sản xuất nội lại càng bị eo hẹp. Đó là chưa kể các DN nhỏ và vừa Việt Nam vừa cạnh tranh với nhau, vừa phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc xuất sang.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của DN có đóng góp quan trọng từ Nhật Bản, tuy nhiên hiện tại ở Nhật tình hình cũng khó khăn, đồng yên mất giá, DN xuất hàng qua thị trường này đang bị ảnh hưởng về lợi nhuận do biến động tỷ giá. Trong bối cảnh nhiều khó khăn cùng lúc như vậy, DN rất mong muốn được mở rộng các kênh hợp tác, bán hàng nhiều hơn cho thị trường trong nước.

“Chúng tôi cũng mong muốn được tham gia các chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhất là trong xúc tiến thương mại, gặp gỡ các đối tác ngay tại Việt Nam. Sản phẩm DN tốt nhưng trên thực tế vẫn chưa được nhiều đơn hàng như kỳ vọng. DN nhỏ và vừa như chúng tôi mong muốn được Nhà nước tạo cầu nối, quan hệ để việc hợp tác, cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho lĩnh vực sản xuất được mở rộng hơn” - anh Cương kỳ vọng.

Ngoài vấn đề khách hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm thì vướng mắc của hầu hết DN quy mô nhỏ và vừa hiện nay là mặt bằng cho sản xuất. Anh Cương cho rằng năng lực, công nghệ sản xuất của các DN theo thời gian từng bước có thể nâng cao. Đội ngũ nhân lực cũng dần dần được đào tạo lành nghề song mặt bằng cho sản xuất không phải DN nào cũng có thể dễ dàng chuẩn bị, nhất là mặt bằng trong các khu sản xuất tập trung như: khu, cụm công nghiệp... Điều này cần vai trò rất lớn từ địa phương, nhất là trong việc tạo điều kiện tiếp cận, thuê đất, nhà xưởng với mức phí mà DN nhỏ và vừa có thể đáp ứng được.

 Văn Gia

Tin xem nhiều