Hơn 2 năm nay, nền kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai. Các làng nghề truyền thống của tỉnh cũng không tránh khỏi cơn "bão" khủng hoảng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.
Hơn 2 năm nay, nền kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai. Các làng nghề truyền thống của tỉnh cũng không tránh khỏi cơn “bão” khủng hoảng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan quy trình sản xuất gốm tại một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
Đồng Nai là nơi tập trung rất nhiều làng nghề nổi tiếng của khu vực Đông Nam bộ như: gốm, gỗ mỹ nghệ, nấm, trầm, cốm, bánh gai, đúc gang, bánh tráng… Tuy nhiên, có rất ít làng nghề còn giữ được sự ổn định để phát triển.
Khó khăn bủa vây các làng nghề
Đồng Nai phát triển làng nghề gốm Từ nhiều năm trước, tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để di dời các cơ sở gốm trên địa bàn tỉnh vào. Mục đích là để các cơ sở đầu tư bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước khác. Hiện gốm Đồng Nai là sản phẩm xuất khẩu trực tiếp, ít phải qua khâu trung gian. |
Trong các làng nghề truyền thống ở Đồng Nai, có 2 làng nghề không chỉ nổi tiếng khu vực Đông Nam bộ mà còn nổi tiếng cả nước là gốm và gỗ mỹ nghệ. Riêng làng nghề gốm chia thành hai dòng gốm khác biệt là gốm đen và gốm trang trí. Mỗi dòng gốm đều mang những nét đặc sắc tạo nên thương hiệu gốm Đồng Nai không thể lẫn với các dòng gốm của những vùng khác như: Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận)…
Gần 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến cho giá nguyên liệu đầu vào, chi phí lao động, vận chuyển liên tục leo thang, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Bên cạnh đó, người dân trong nước, nước ngoài thắt chặt chi tiêu nên cả đầu vào, đầu ra của sản phẩm làng nghề truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Các chủ cơ sở gốm, gỗ mỹ nghệ phải vừa lo tìm cách cắt giảm chi phí đầu vào, vừa lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH Hiến Nam (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 vào dịp cuối năm, các cơ sở gốm trang trí của Biên Hòa nhận được rất nhiều đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước. Gần 3 năm nay, đa số các cơ sở gốm đều gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng và đầu ra bị thu hẹp. Năm 2022, trở ngại nhiều hơn, một số cơ sở gốm phải giảm sản xuất từ 20-40% và đang cố gắng cầm cự”.
Công ty TNHH Hiến Nam (TP.Biên Hòa) sản xuất gốm lưu giữ đặc trưng gốm Biên Hòa |
Dòng gốm đen, gốm trang trí của Đồng Nai chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Thế nhưng, dịch bệnh, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine dẫn đến các sản phẩm gốm xuất qua thị trường châu Âu gặp không ít trở ngại, đơn hàng giảm. Do đó, các cơ sở gốm buộc phải tính toán lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để trụ lại qua giai đoạn khó khăn này.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ tại Đồng Nai cũng không tránh khỏi cơn “bão” suy giảm của toàn cầu. Đa số các cơ sở đều thu hẹp sản xuất vì khó tìm đầu ra cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Một số nghệ nhân lo lắng, làng nghề gỗ mỹ nghệ có thể sẽ mai một và khó có thể phục hồi được như trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Nghệ nhân Đoàn Minh Tiên, ấp 5, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) chia sẻ: “Gần nửa thế kỷ trước, khu vực Xuân Lộc đã nổi tiếng trong nước và nước ngoài về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đục đẽo từ gốc, rễ các loại cây. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, mỗi tác phẩm mang nét đặc trưng, độc nhất vô nhị nên được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, tình hình kinh tế khó khăn nên làng nghề cũng bị ảnh hưởng, nhiều cơ sở phải thu hẹp sản xuất”.
Nỗi lo thiếu thợ lành nghề
Vấn đề khiến những nghệ nhân, chủ cơ sở gốm, gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh lo lắng là khi kinh tế toàn cầu vượt qua đợt suy giảm và dần phục hồi, đơn hàng cho làng nghề nhiều nhưng lại thiếu thợ lành nghề để khôi phục lại sản xuất.
Sản xuất gốm xuất khẩu tại Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) |
Bởi thời gian qua, nhiều cơ sở gốm, gỗ mỹ nghệ đã cho thợ nghỉ chờ việc vì thiếu đơn hàng. Các thợ gốm, gỗ mỹ nghệ đã phải đi tìm những công việc khác để có thu nhập đảm bảo đời sống và nếu tìm được công việc với lương phù hợp họ sẽ không trở lại làm việc trong các cơ sở trên. Đây là vấn đề nan giải với nhiều cơ sở đang cố gắng giữ và phát triển nghề truyền thống tại Đồng Nai.
Nghệ nhân Phan Khắc Dũng, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) chia sẻ: “Với gỗ mỹ nghệ, muốn trở thành thợ có tay nghề phải mất từ 3-4 năm học việc và có năng khiếu và khéo tay. Vì nghề này không có mẫu sẵn để làm theo, người thợ phải dựa vào gốc, rễ cây để tạo lên ý tưởng tạo hình cho sản phẩm nên không có hiểu biết và đam mê nghệ thuật rất khó làm ra các sản phẩm có giá trị. Do đó, các cơ sở mất đi các thợ có tay nghề đến khi có đơn hàng khôi phục lại sản xuất rất khó”.
Cũng theo ông Dũng, nghề gỗ mỹ nghệ từ gốc, rễ cây rất ít công đoạn sử dụng được máy móc, đa số người thợ phải thực hiện các khâu bằng phương pháp thủ công. Như vậy, sản phẩm làm ra mới tinh xảo, có hồn và mang nét đẹp riêng mà người mê gỗ mỹ nghệ cần. Đây cũng là lý do giúp cho làng nghề gỗ mỹ nghệ ở Đồng Nai nổi tiếng cả ở trong nước và nước ngoài.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ ở Đồng Nai chia thành hai dòng sản phẩm chính. Trong đó, làng nghề gỗ mỹ nghệ ở H.Xuân Lộc chuyên làm bàn ghế, tranh, tượng từ các rễ, gốc cây. Làng nghề gỗ mỹ nghệ ở H.Trảng Bom sử dụng gỗ khối, miếng dư thừa từ sản xuất các loại giường, tủ, bàn ghế, kệ để tạo thành các sản phẩm như: máy bay, tàu, thuyền, xe máy, ô tô, tranh… để trang trí trong phòng, sảnh lớn, khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng.
Mấy năm gần đây, các khu du lịch, khách sạn vắng khách, doanh thu giảm sâu do dịch bệnh nên việc đầu tư trang trí làm mới cũng bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng dây chuyền, kéo theo hàng loạt cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ trang trí cũng rơi vào tình trạng co hẹp sản xuất. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ gỗ khối chủ yếu xuất qua châu Âu, Hoa Kỳ, song gần 2 năm nay, thị trường châu Âu giảm mạnh.
Qua tìm hiểu, các cơ sở làng nghề gốm, gỗ mỹ nghệ đều gặp những những trở ngại lớn là thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thiếu thị trường tiêu thụ nên thu nhỏ sản xuất dẫn đến khó giữ chân các thợ lành nghề. Hiện nay, rất ít lao động trẻ mặn mà với nghề truyền thống vì làm việc cực nhọc, trong khi thu nhập bấp bênh.
Chị Lê Thị Thanh Mai, P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) kể: “Tôi là thợ vẽ họa tiết trên các sản phẩm gốm được gần 10 năm. Vừa qua, tôi phải chuyển sang làm công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 vì thu nhập ổn định và cao hơn làm gốm. Dù tôi rất luyến tiếc với nghề gốm nhưng cũng phải chấp nhận do còn phải lo cho 2 con còn nhỏ”.
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ngoài đảm bảo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động của địa phương thì còn có sứ mệnh lưu giữ các giá trị về văn hóa, lịch sử của vùng, miền qua các thời kỳ. Do đó, mỗi địa phương đều có kế hoạch để hỗ trợ phát triển các làng nghề.
Hương Giang