Nói về thơ mang âm hưởng dân gian, Lê Sỹ Tùng là một giọng thơ mang hương sắc không lẫn vào đâu được. Anh nặng nợ tình, duyên với gia đình, với cuộc đời, và nhờ thơ để tìm chính mình trong những hẫng hụt, chênh chao của kiếp người.
Nói về thơ mang âm hưởng dân gian, Lê Sỹ Tùng là một giọng thơ mang hương sắc không lẫn vào đâu được. Anh nặng nợ tình, duyên với gia đình, với cuộc đời, và nhờ thơ để tìm chính mình trong những hẫng hụt, chênh chao của kiếp người.
* Nỗi nhớ đong đầy ký ức
Có lẽ, những hẫng hụt, chênh chao ấy của Lê Sỹ Tùng xuất phát từ tuổi thơ bất hạnh, sớm thiếu vắng hình bóng cha mẹ, và từ những khoảng lặng của cuộc sống vốn không chút nhẹ nhàng, êm ái dành cho người con đất Triệu Sơn, Thanh Hóa. Sinh năm 1970, anh mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, nên sớm phải sống tự lập, bươn chải, thậm chí lang thang vì miếng cơm manh áo. Song anh luôn tự hào vì cha mẹ mình là những người giáo viên mẫu mực, đã gieo vào lòng con trẻ tình yêu thơ ca và niềm tin vào con người, vào cuộc đời.
Những bài học làm người đã theo Lê Sỹ Tùng lớn lên, cùng với những câu ca, thơ phú mà thầy cô dạy cho anh thời đi học, và sau đó là anh “nhặt” được trên đường đời. Nên dù vất vả đến đâu, anh cũng gắng chu toàn, đưa bờ vai gánh vác công việc cho anh em, xóm làng.
Ngoài đời, anh sớm có một phong cách chững chạc, già dặn, song trong thơ, vẫn còn nguyên đó những cái giật mình thảng thốt vì nhớ mẹ, nhớ quê:
Mẹ buồn lạnh cả sang tôi
Mưa phùn gió thổi đầu hồi tái tê
Bờ ao xoan rụng bốn bề
Ổ rơm ủ cả lối về tuổi thơ.
(Mùa đông nhớ mẹ)
Nỗi nhớ ấy đeo đẳng trong tâm trí một đứa con trong cả những ngày xuân tươi đẹp, khi anh nhớ về cái đói nghèo và tuổi thơ cơ cực:
Xuân mà chi vắt cạn rồi
Hoàng hôn dài mãi khoảng trời mồ côi…
(Xuân mà chi)
Tuy nhiên, những ký ức tuổi thơ - điều mà nhà thơ coi là kho báu của đời mình là một cõi thiêng liêng, tươi đẹp chứ không phải là những bi thương, bất hạnh. Sự nhạy cảm đã giúp cho Lê Sỹ Tùng tìm thấy những tứ thơ rất đẹp, và làm sống mãi ký ức mang hình bóng quê nhà:
Hoa mận sau vườn trắng như trang giấy
Ấp ủ than hồng le lói đào non
Tháng Giêng ơi! Lộc đâm mềm ký ức
Ngẩn ngơ lạc mùa hương sắc níu chân con...
Vườn của mẹ mùa xuân còn nguyên vẹn
Chỉ màu xanh bay trong cánh chim trời…
(Ngày xuân trong vườn mẹ)
Chính những ký ức ấy đã chuyển hóa thành thơ, giúp anh neo mình vào cõi đời thăng trầm, được mất. Thơ Lê Sỹ Tùng có khá nhiều câu thơ mặn mòi như thế: Nụ cười chị tôi ướt mắt - Nét cười của mẹ ngày xưa; Gió tràn mặt sân - Chạy vào lồng ngực; Mái trường ơi rơi rắc những câu thề - Hơn nửa cuộc đời len lén say mê - Nghẹt thở trong tôi rã rời bóng nắng… Sự ngưng đọng của thời gian, ký ức trong thơ là một cách gây men, “ủ lửa” cho tình đời thêm nồng đượm, sống mãi.
Bên cạnh đó, sự cầu toàn dành cho thơ nói riêng, cho văn hóa nói chung đã giúp Lê Sỹ Tùng có những câu thơ lấp lánh tài hoa trên nền của sự chân thật và cô đọng. Thơ của anh thường ngắn, nhưng để lại dư âm miên man không dứt.
* Đi tìm hạnh phúc đời thường
Câu nói: “Văn là người” cũng rất chính xác với Lê Sỹ Tùng. Bạn thơ ai cũng hiểu những truân chuyên của đời anh, và biết đến những nhà thơ anh thần tượng như Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Hoài Vũ trong những cuộc “say thơ”. Lê Sỹ Tùng từng chia sẻ: Cuộc đời anh may mắn và hạnh phúc gặp được người tri kỷ, đó là anh Trần Văn Cường, một doanh nhân và cũng là một người nghệ sĩ (tác giả đã từng đoạt giải cuộc vận động sáng tác “Đồng Nai 45 năm hội nhập và phát triển” (1975 - 2020). Mối duyên này đã mang đến niềm tự hào và an ủi của đời anh, chắp thêm đôi cánh cho anh bay cao hơn trong khung trời thơ ca, và không ngừng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn bằng những việc làm thiện nguyện của mình.
Với 3 tập thơ riêng: Lối về (NXB Hội Nhà văn, 2013), Gầm giường (NXB Hội Nhà văn, 2019) và Vén màn (sắp in), Lê Sỹ Tùng đã định hình phong cách thơ cũng như triết lý sống của mình. Giọng thơ đa cảm, trau chuốt, song dung dị của anh hướng về đời thường, hướng về những niềm hạnh phúc giản dị, chân thành.
Có phải là gió nâng cánh chim
Hay chim đã đôi lần vỗ cánh
Những khát khao hót riêng mình thầm lặng
Vương vương phủ đậu môi người
Điều cũ kỹ khuất nẻo bờ xa ấy
Buổi ta về nghèn nghẹn mây trôi…
(Những điều cũ kỹ)
Có thể nói, lý tưởng dành cho nghệ thuật cũng như cuộc sống của anh không có gì to tát, xa vời, mà chính là thiên nhiên, cây cỏ, con người, llà “cõi tình” trong vòng tay, tầm mắt. Nhưng đó cũng là đạo lý sâu xa đối với đời người:
Em hỏi rằng hạnh phúc ở nơi đâu
Mãi đi kiếm sắc màu nguyên vẹn ấy
Hãy ngửa bàn tay -
nắm bàn tay vào nhau tìm hơi ấm.
(Đi tìm)
Lê Sỹ Tùng cũng viết nhiều thơ tình, và có những bài thơ tình xuyên thấu cả thân phận con người, xé toạc cả cái tôi cô độc của nhà thơ: “Tôi ngoại tình trên trang giấy đêm nay - Để thỏa lòng yêu thỏa lòng khát vọng - Để phóng khoáng thả trôi theo ngòi bút” (Cháy). Với thơ lục bát, anh viết những câu thơ gợi mở hơn, đong đầy cảm xúc: Bây giờ người ấy theo chồng - Lòng tôi bắc một cầu vồng qua môi; Và xin em đứng dưới mưa - Để tôi tắm cả lời chưa hẹn thề… Những câu thơ đắm đuối, si tình đến mức:
Cho tôi sưởi lại men tình
Hong đôi mắt ướt mái đình ngày xưa.
Suy cho cùng, đó cũng là sự tìm kiếm về nguyên bản cuộc đời, gốc gác của bản thân và căn tính của con người.
Khi tâm hồn nhà thơ còn nặng ân tình, thì trái tim vẫn sẽ không thôi kiếm tìm và đôi chân vẫn không biết mỏi. Hiểu rõ điều ấy nên Lê Sỹ Tùng lặng lẽ, khiêm nhường trong “góc khuất” của riêng mình, nhẹ nhàng sẻ chia trong sự đồng điệu và tình yêu vô điều kiện dành cho thơ. Anh cũng xây dựng một kênh YouTube riêng để giới thiệu những bài thơ đã được các nghệ sĩ diễn ngâm. Con đường thơ của anh còn rất dài, và rất sâu:
Mắc nợ nụ hoa trả dần kiếp lá
Ngủ dưới gầm trời hoa dại tím lòng tôi.
(Hoa dại)
Trần Thu Hằng