Michel Bussi - "ông hoàng trinh thám" của nền văn học Pháp đương đại, sang Việt Nam giao lưu với bạn đọc từ Bắc chí Nam từ ngày 25-10 đến 3-11. Dịp này, ấn bản Việt ngữ Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) - tác phẩm mới nhất của Michel Bussi cũng ra mắt công chúng.
Michel Bussi - “ông hoàng trinh thám” của nền văn học Pháp đương đại, sang Việt Nam giao lưu với bạn đọc từ Bắc chí Nam từ ngày 25-10 đến 3-11. Dịp này, ấn bản Việt ngữ Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) - tác phẩm mới nhất của Michel Bussi cũng ra mắt công chúng.
Nhà văn Pháp Michel Bussi đến Việt Nam |
Nhận lời mời của Viện Pháp, nhà văn Michel Bussi sẽ sang Việt Nam và có chuỗi sự kiện giao lưu trực tiếp trên toàn quốc để bạn đọc yêu thích dòng văn học trinh thám lâu nay có thể gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ tác giả người Pháp.
* Dòng trinh thám gây chú ý
Đây là lần đầu tiên bạn đọc Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với “ông hoàng trinh thám” Michel Bussi sau khi đã thưởng thức nhiều tác phẩm của ông được xuất bản bằng tiếng Việt (do Nhã Nam thực hiện) như: Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa... Tiểu thuyết của Bussi đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia (một số được chuyển thể thành phim).
Michel Bussi, sinh năm 1965, là một nhà phân tích chính trị, giáo sư địa lý tại Trường đại học Rouen. Ông là một nhà văn Pháp chuyên viết tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng với loạt sách bán chạy (best-seller) trong một thập niên qua, đoạt 15 giải thưởng văn học lớn. Ông lọt vào tốp những nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2013 và 2021 tại nước này. |
Đến Việt Nam cuối tháng 10, Michel Bussi có lịch trình giao lưu, tọa đàm không nghỉ. Ngày 25-10 tại Hà Nội, ông dự tọa đàm Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh - nhân dịp nhà văn Michel Bussi sang Việt Nam, trao đổi cạnh nữ nhà văn trinh thám Việt Nam Di Li về nền văn học trinh thám của 2 quốc gia. Giới yêu văn chương nói chung và dòng trinh thám nói riêng trong nước đang chờ đợi được trao đổi, mổ xẻ về các cơ hội, thách thức và lối đi giúp cho trinh thám Việt Nam thành công và khởi sắc hơn thông qua những kinh nghiệm và gợi mở từ “bậc thầy” Bussi.
Ngày 29-10 tại Huế, 31-10 tại Đà Nẵng và 3-11 tại TP.HCM, ông dự chương trình Gặp gỡ nhà văn Michel Bussi nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Mã 612 - Ai đã giết Hoàng tử bé? Riêng trong buổi giao lưu tại TP.HCM còn có TS Văn học Trần Lê Bảo Chân sẽ tham gia thảo luận về nhân vật văn học Hoàng tử bé trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) vốn có nhiều ảnh hưởng đến Michel Bussi và cũng là nguồn cảm hứng cho ông viết tác phẩm mới nhất Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?
* Ai đã giết Hoàng tử bé?
Với cuốn sách mới nhất Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? ra mắt đúng dịp Michel Bussi sang Việt Nam tháng 10-2022 này, tác giả không phủ nhận nguồn cảm hứng, trí tưởng tượng dạt dào từ thuở đầu viết sách của ông là xuất phát từ tác phẩm kinh điển Hoàng tử bé vốn có một thế giới đậm chất mộng mơ cùng thông điệp nhân văn khiến bao đọc giả say mê. Bussi quyết định viết Ai đã giết Hoàng tử bé? như một cách tri ân, tôn kính (tribute) Antoine de Saint-Exupéry.
Tác phẩm trinh thám mới nhất của nhà văn M.Bussi và ấn bản Việt ngữ cuốn Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? |
Đây là một tác phẩm gây hiếu kỳ khi tác giả đặt ra những tương quan giữa cái chết đột ngột của nhân vật Hoàng tử bé (trong truyện) và vụ mất tích bí ẩn của chính nhà văn Saint-Exupéry (ngoài đời vốn là phi công chiến đấu mất tích ngoài biển ngày 31-7-1944 và không tìm thấy thi thể). Trong lời đề tựa, Bussi viết: “Cái chết đột ngột của Hoàng tử bé trong câu chuyện này, và cái chết đột ngột của Saint-Exupéry vài tháng sau đó có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên”.
“Ông hoàng trinh thám” Pháp cũng đặt nhiều dấu hỏi: “Thế lỡ như câu chuyện cổ tích này (Hoàng tử bé - PV) lại là di chúc của ông thì sao? Thế lỡ như Saint-Exupéry tiết lộ những bí mật về sự biến mất của ông trong cuốn sách đó? Liệu có chiếc chìa khóa nào trong những tác phẩm cuối cùng của ông không?”. Ông cũng dẫn giải rằng xưa nay chưa có tác phẩm nào “tìm cách so sánh số phận của Saint-Exupéry và số phận của Hoàng tử bé”.
Thế là dựa trên những sự việc có thật, Michel Bussi dựng lên một cuộc điều tra hư cấu đầy khó khăn với lắm thủ phạm tình nghi kèm động cơ gây án có thể của họ. Tác giả thậm chí tạo nên sự phong phú cho câu chuyện giả tưởng bằng cách lấy bối cảnh ở nhiều miền đất khác nhau, cũng như tập hợp rất nhiều dữ liệu, vật chứng có thật. Tác phẩm khiến bạn đọc nén lòng theo dõi diễn tiến tìm kiếm manh mối và sự thật, luôn đặt câu hỏi như một thám tử trước những bí ẩn, sự ngạc nhiên và thi vị.
Để rồi cuối cùng, cuộc điều tra nghẹt thở té ra chỉ là cái cớ để Bussi tôn vinh nhân vật đáng yêu Hoàng tử bé lẫn “cha đẻ” Saint-Exupéry. Tác giả đã giúp người đọc tái khám phá một câu chuyện cổ tích nên thơ bậc nhất lịch sử văn học thế giới. Đúng như lời nhà văn nhắn gửi: “Các tiểu hành tinh đã trở thành những hòn đảo, sải cánh của bầy chim hoang dã đã được thay thế bằng một chiếc máy bay, nhưng những nhân chứng thì vẫn là như thế, phi lý và thu hút”.
Sự kiện Nhã Nam tái bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Michel Bussi Hoa súng đen trong tháng 10-2022 cho thấy, tác phẩm tiếp tục được công chúng ưa chuộng. Bussi vốn có phong cách viết tài hoa, biến hóa và những nút thắt bất ngờ (twist) đến nghẹt thở trong các tác phẩm của ông. Hoa súng đen chính là tác phẩm thể hiện phong cách trên khi nhà văn Pháp giới thiệu với bạn đọc 3 nhân vật chính đều là 3 người phụ nữ xấu tính sống trong một ngôi làng. Họ có cùng một bí mật liên quan đến quãng thời gian dài 13 ngày xảy ra hàng loạt vụ giết người bí ẩn cùng một kiệt tác hội họa bị đánh cắp. Độc giả bị câu chuyện lôi cuốn tới tận cuối cùng, để rồi tấm tắc khen ngợi biệt tài kết nối câu chuyện của Bussi. |
Thùy Trang