Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ Việt Nam - nhìn từ những nông cụ lao động truyền thống

07:10, 15/10/2022

Là một đất nước có gốc từ nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp nên nông cụ không chỉ phục vụ nhu cầu canh tác, làm ăn, mà còn phản ánh nhiều chiều về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Triển lãm Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) phản ánh phần nào đời sống phụ nữ Việt Nam xưa…

Là một đất nước có gốc từ nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp nên nông cụ không chỉ phục vụ nhu cầu canh tác, làm ăn, mà còn phản ánh nhiều chiều về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Triển lãm Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) phản ánh phần nào đời sống phụ nữ Việt Nam xưa…

Chiếc áo mưa
Chiếc áo mưa ( hình trái) Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trưng bày một số loại gùi của đồng bào dân tộc thiểu số ( hình phải phía trên) Một số lờ dùng trong đánh bắt thủy sản được trưng bày tại triển lãm ( hình phải phía dưới)

Từ xa xưa đến nay, trải qua quá trình lao động, cư dân nông nghiệp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trong đó, nông cụ truyền thống là một hệ thống kho tàng vô cùng quý báu được truyền lại cho các thế hệ.

Cùng các bà, các mẹ trên những cánh đồng

Truyền thống canh tác nông nghiệp vốn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do đó, tùy thuộc vào địa bàn cư trú mà nông cụ truyền thống có sự khác biệt để phù hợp với điều kiện canh tác ruộng nước hay nương rẫy. Nếu như cái cày, cái cuốc, cái bừa… là nông cụ làm đất chủ yếu của cư dân canh tác ruộng nước ở đồng bằng, thì cái rựa, cuốc cán gập, gậy chọc lỗ… được sử dụng như công cụ lao động chính của lối canh tác nương rẫy.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phụ nữ các vùng miền tham gia vào nhiều khâu, từ đó giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống vất vả, sự tần tảo, quán xuyến của người phụ nữ truyền thống xưa cũng như ngày nay. Trên các cánh đồng thẳng cánh cò bay, hình ảnh các bà, các mẹ hay lam hay làm, một nắng hai sương, dầm mưa dãi nắng đã đi vào tâm khảm của biết bao người con, trở thành niềm cảm hứng bất tận trong thơ ca nhạc họa suốt nhiều thế hệ.

Ấn tượng trong hàng trăm hiện vật được trưng bày tại triển lãm là chiếc áo mưa truyền thống, tương tự như chiếc áo tơi - một nông cụ không thể thiếu của người nông dân.

Áo tơi mẹ mặc một thời

Che mưa che nắng, che trời

Hai sương một nắng trên đồng

Cái nắng tháng sáu, bão giông ngày hè.

Chừng ấy thôi có thể thấy sự linh động, tiện dụng của chiếc áo mưa truyền thống này. Vì mặc rất thoải mái, dễ vận động khi cày cấy, lao động đồng áng nên áo được dùng chủ yếu che mưa gió rất hiệu quả, đồng thời bảo vệ cơ thể vào cả những ngày chang chang nắng. Khi đi đồng, áo bảo vệ phần lưng của các bà, các mẹ khi phải khom lưng xuống cày cấy.

Ở các tỉnh Tây nguyên, khoảng 20 năm về trước, thỉnh thoảng hay bắt gặp hình ảnh phụ nữ người dân tộc thiểu số vác trên vai cái gùi lớn chứa nông sản hay mang các bó củi đi bán. Triển lãm Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ Việt Nam trưng bày nhiều loại gùi khác nhau, một số loại gùi được xem là tác phẩm nghệ thuật, được trang trí nhiều hoa văn đặc sắc.

Nếu như chiếc gùi thường được sử dụng để đi rẫy được đan mỏng, có các khoảng hở, thì chiếc gùi đi rẫy hái rau, hái thuốc được đan to và kín, dày nhằm tránh rơi vãi vật dụng. Gùi đựng hạt giống thì được đan dày hơn, có nắp đậy. Còn chiếc gùi có nắp là dụng cụ của các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên nói chung, dùng trong đời sống hằng ngày như: đựng thức ăn lên nương rẫy, đi chợ, đựng bầu đi lấy nước. Gùi ba ngăn là vật dụng phổ biến của người Tà Ôi và Cơ Tu. Những chiếc gùi dành cho phụ nữ được đan với kích thước nhỏ hơn đàn ông. Người Cơ Tu sử dụng những chiếc gùi này với nhiều chức năng khác nhau như: đựng cơm, muối, đồ dùng lấy lửa khi đi nương rẫy.

Đa dạng dụng cụ đánh bắt

Với bản tính chịu thương chịu khó, không chịu ngơi tay, cùng với hoạt động sinh kế truyền thống là canh tác ruộng, nương, phụ nữ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung còn hướng đến các hoạt động khai thác nguồn lợi từ rừng, đánh bắt thủy sản. Dù không phải hoạt động kinh tế chính nhưng việc săn bắt, hái lượm, cũng như khai thác thủy sản cũng có vai trò nhất định đối với người dân. Nước ta có địa hình đặc trưng là nhiều sông ngòi, kênh rạch, sông suối…, cho nên dù là ở Tây nguyên hay vùng đồng bằng sông nước, việc đánh bắt giữ một vai trò quan trọng, không chỉ mang lại nguồn thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày mà còn góp phần có thêm thu nhập cho gia đình.

Đôi gióng - đòn gánh là vật dùng để đặt đồ vật lên mà gánh. Bên cạnh là đôi gánh bầu, phương ngữ miền Trung còn gọi là cái nừng
Đôi gióng - đòn gánh là vật dùng để đặt đồ vật lên mà gánh. Bên cạnh là đôi gánh bầu, phương ngữ miền Trung còn gọi là cái nừng

Tuy nhiên, do địa hình sông nước, ao hồ khác nhau ở vùng đồng bằng so với miền núi và cao nguyên, nên dụng cụ đánh bắt cũng có sự khác biệt về hình dáng và chất liệu, nhưng tựu trung mục đích chính là đánh bắt tôm, cá đạt hiệu quả. Công việc này rất phù hợp với phụ nữ ở mọi vùng miền.

Một số nông cụ để đánh bắt như lờ, dó… với đặc trưng riêng. Theo Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cái lờ là dụng cụ dùng để đánh bắt các loại thủy sản ở những dòng nước nhỏ, chảy chậm, không quá sâu. Lờ được đan bằng tre có dạng hình trụ hoặc hình quả nhót, phía miệng có hom dẫn cá. Còn dó là dụng cụ dùng để khai thác các loài thủy sản nơi có độ sâu và dòng chảy nhỏ, nguyên lý đánh bắt thụ động, cá di chuyển theo dòng nước qua hom vào trong đó.

***

Những vật dụng, đồ dùng để sản xuất nông nghiệp theo phương pháp thủ công truyền thống mà Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đang lưu giữ đã được hình thành từ xa xưa và không ngừng được cải tiến để phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng thời kỳ. Ngày nay, khi đời sống phát triển với nhiều loại hình kinh tế, các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát… chỉ xuất hiện ở một số vùng. Những hiện vật được giới thiệu và trưng bày tại triển lãm trở nên thú vị, hiếm có hơn bởi ít xuất hiện trong đời sống hằng ngày…

“Hiện vật trưng bày lấy của tôi nhiều cảm xúc nhất là chiếc gióng và đòn gánh. Nó khiến tôi nhớ về bà tôi, mẹ tôi của những ngày xa xưa buôn bán tần tảo nuôi một đàn con nhỏ khôn lớn, nên người. Đến giờ này, tôi cũng không lý giải vì sao với dáng người nhỏ nhắn kia, mà bà tôi, mẹ tôi có thể gánh được hai đầu nông sản to nặng đến che hết dáng người. Bà tôi, mẹ tôi giờ đã không còn, nhưng nhìn những hiện vật này, hay thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh những cô đầu đội nón lá, vai gánh hàng bán… tôi lại thấy thương mến, xúc động vô cùng” - chị NGUYỄN THỊ LIÊN (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết.

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều