Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy giáo trẻ nhiều tài lẻ

06:10, 29/10/2022

Thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Hiệp công tác tại Trường tiểu học Hòa Bình (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong 17 giáo viên xuất sắc trên cả nước trong cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức và trao giải mới đây tại thủ đô Hà Nội.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Hiệp công tác tại Trường tiểu học Hòa Bình (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong 17 giáo viên xuất sắc trên cả nước trong cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức và trao giải mới đây tại thủ đô Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (thứ hai từ trái sang) trao giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cho thầy giáo Nguyễn Thành Hiệp. Ảnh: HT
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (thứ hai từ trái sang) trao giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cho thầy giáo Nguyễn Thành Hiệp. Ảnh: HT

Anh còn được nhiều đồng nghiệp và học sinh biết đến là người luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và đặc biệt nhiều “tài lẻ”, giúp cho phong trào dạy và học của nhà trường thêm sôi nổi.

Bén duyên với nghề giáo

Năm 2013, anh Hiệp chính thức bước chân vào Khoa Sư phạm tiểu học của Trường đại học Đồng Nai với mong ước sau này ra trường sẽ trở thành một thầy giáo dạy chữ cho các em nhỏ.

Bằng kiến thức, kỹ năng và niềm đam mê, mới đây thầy giáo Nguyễn Thành Hiệp là một trong số 17 giáo viên của cả nước đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội. Cuộc thi có gần 43 ngàn bài dự thi của giáo viên trên cả nước tham gia.

Lý do chọn bước chân vào nghề giáo được anh Hiệp chia sẻ: “Từ khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã ấn tượng với hình ảnh các thầy cô của mình, ai cũng gần gũi và tận tâm với học trò. Đây là lý do khiến tôi quyết tâm vào nghề giáo, mặc dù có những lo lắng nhất định khi có ý kiến cho rằng nghề giáo ngày càng khó tìm việc làm, thu nhập không bằng nhiều ngành nghề khác”.

Kỷ niệm về nghề khó phai mờ đối với thầy giáo Hiệp đó là quãng thời gian năm cuối học tại Trường đại học Đồng Nai. Anh Hiệp kể, năm cuối anh được nhà trường giới thiệu đi thực tập ở một trường tiểu học. Lần đầu tiên đến trường được các em học sinh khoanh tay chào và gọi mình bằng thầy, cảm xúc trong anh dâng trào, rất thiêng liêng và cao quý. Điều đó càng thôi thúc anh quyết tâm hoàn thành tốt kỳ thực tập và gắn bó với nghề.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Hiệp thi đậu kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục do UBND TP.Biên Hòa tổ chức và được phân công về Trường tiểu học Hòa Bình công tác. Một thời gian ngắn sau, thầy giáo trẻ này được bầu làm Bí thư Chi đoàn giáo viên của trường. Anh cùng với các đồng nghiệp và học sinh cho ra đời khá nhièu mô hình hữu ích cho việc dạy và học. Chẳng hạn như mô hình vườn cây thuốc Nam với nhiều loài cây thuốc dùng chữa một số bệnh bằng phương pháp dân gian. Mô hình này còn tạo cơ hội cho học sinh của trường được trải nghiệm thực tế. Khi được ra vườn và nhìn thấy tận mắt các loài cây thuốc Nam, em nào cũng thích thú.

Thầy giáo mê công nghệ

Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình Bùi Thị Mai Xoan chia sẻ, ngày thầy giáo Hiệp mới về trường nhận công tác, ngoài vẻ thư sinh nhanh nhẹn và hoạt bát thì kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học chính là một “điểm cộng” giúp Ban giám hiệu nhận thấy đây là nhân tố mới trong hội đồng sư phạm nhà trường. Những clip do thầy giáo Hiệp ghi lại bằng điện thoại thông minh và tự tay dàn dựng về trường khiến không ít thầy cô và học sinh tấm tắc khen ngợi.

Trong suốt hơn 2 năm vừa dạy vừa ứng phó với dịch Covid-19, thầy giáo Hiệp không ngại chia sẻ những kỹ năng CNTT, góp phần giúp bài giảng trên lớp của nhiều thầy cô phong phú, sinh động và hấp dẫn với học sinh. Điều này rất cần thiết khi nhà trường bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng sáng tạo trong giảng dạy.

Thầy giáo Nguyễn Thành Hiệp còn là một “cây” văn nghệ không thể thiếu được trong các phong trào ngoại khóa của nhà trường.

Cô giáo Vũ Thị Vân Huyền chia sẻ, cô là giáo viên thuộc “thế hệ lớn tuổi” nên bản thân cô nắm bắt kỹ năng CNTT rất hạn chế, thậm chí rất ngại sử dụng các phương tiện thiết bị thông minh vào soạn giáo án, thực hiện tiết dạy trên lớp. Thầy giáo Hiệp đã động viên, giúp cô tự tin, mạnh dạn ứng dụng CNTT vào quá trình soạn giáo án và dạy học.

Nói về niềm đam mê CNTT, thầy giáo Hiệp cho hay, để có được giáo án điện tử đủ hấp dẫn với học sinh, giáo viên phải đầu tư rất nhiều công sức. Chẳng hạn, trong tiết dạy Lịch sử, nói về chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, anh sưu tầm khá nhiều tư liệu gồm clip và hình ảnh để dựng thành bộ phim ngắn sinh động và dễ hiểu, có nhiều hiệu ứng và âm nhạc đi kèm. Đặc biệt, học sinh rất thích thú khi lời bình của bộ phim ngắn này chính là giọng nói của anh vốn rất quen thuộc với các em hàng ngày.

Hay khi giới thiệu về lịch sử của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tại Campuchia với nhiều tội ác man rợ đối với loài người, ngoài sưu tầm các tư liệu để bộ phim thêm hấp dẫn khi “công chiếu” với học sinh, thầy giáo Hiệp còn tìm một số nhân chứng là quân tình nguyện của Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ, giúp hồi sinh đất nước xứ Chùa Tháp.

Em Nguyễn Đức Hòa, học sinh lớp 5/9 do thầy giáo Hiệp làm chủ nhiệm nhận xét: “Em rất thích những giờ học do thầy Hiệp dạy vì em không cần ghi chép nhiều mà chủ yếu bằng những hình ảnh trực quan sinh động giúp em hiểu bài và nhớ bài sâu hơn”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều