Trong giai đoạn này, không riêng gì các làng nghề truyền thống, các ngành nghề khác cũng gặp khó khăn trong việc giữ thị phần tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, các làng nghề ở Đồng Nai, đang tìm cách vượt qua "sóng" để chờ đợi cơ hội khởi sắc trở lại.
Trong giai đoạn này, không riêng gì các làng nghề truyền thống, các ngành nghề khác cũng gặp khó khăn trong việc giữ thị phần tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, các làng nghề ở Đồng Nai, đang tìm cách vượt qua “sóng” để chờ đợi cơ hội khởi sắc trở lại.
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Cơ sở Thành Nhân (H.Trảng Bom) nổi tiếng trong và ngoài nước |
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại song phương, đa phương và có hiệu lực. Đó là lợi thế để các làng nghề mở rộng xuất khẩu sang các nước dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Khai thác thế mạnh của nghề truyền thống
Từ đầu thế kỷ XX, sản phẩm gốm của Đồng Nai đã được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và đặt mua với số lượng lớn. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề gốm vẫn được bảo tồn và phát triển. Một bước tiến quan trọng là nhiều cơ sở gốm đã chuyển thành doanh nghiệp (DN) để dễ dàng đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác trong nước, nước ngoài. Các ông chủ gốm thời nay đã tự tin, chủ động đưa sản phẩm gốm đến các thị trường chào hàng và xuất khẩu trực tiếp, ít thông qua đối tác trung gian. Do đó, các DN gốm đã giảm được nhiều chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, các ông chủ gốm cũng thuận lợi tư vấn cho khách hàng nước ngoài những dòng sản phẩm phù hợp cho từng căn hộ, khu vườn, khách sạn, khu du lịch…
Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Hoàng Mỹ sản xuất các loại gốm trang trí và hầu hết xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số nước khác. Thời gian qua, kinh tế thế giới suy giảm, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu nên mặt hàng gốm xuất khẩu vào thị trường châu Âu khó khăn hơn. Để có được các đơn hàng, Hoàng Mỹ đã đầu tư tìm hiểu xu hướng của người tiêu dùng sau dịch, thiết kế những sản phẩm phù hợp gửi cho khách hàng để họ lựa chọn”.
Sản phẩm gốm, gỗ mỹ nghệ ở Đồng Nai, gần 100% nguyên liệu trong nước nên khi xuất khẩu vào những nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam rất dễ dàng hưởng ưu đãi thuế quan. Trong đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều đã ký hiệp định thương mại và nhiều mặt hàng đã theo lộ trình giảm về 0%.
Nghệ nhân Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gốm mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh (H.Trảng Bom) cho biết: “Các sản phẩm của Cơ sở Thành Nhân đã xuất khẩu trực tiếp sang gần 20 nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhiều nước Việt Nam đã ký hiệp định thương mại và thuế không còn hoặc rất thấp tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề”.
Tìm hướng mở rộng thị trường
Hiện nay, các DN cũng như làng nghề đa số phải tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu để vượt qua khó khăn. Có không ít cơ sở chấp nhận hoạt động không lợi nhuận để đảm bảo thu nhập cho người lao động và giữ chân khách hàng.
Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai đánh giá: “Nhiều cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh đã phải giảm công suất vì chưa tìm được những đơn hàng lớn. Hầu hết, DN gốm có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu đều gặp khó khăn. Hiện các DN phải tìm thêm những thị trường khác để bù lại”.
Mỗi thị trường sẽ có nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng khác nhau, tuy sản phẩm gốm, gỗ mỹ nghệ tại Đồng Nai mang nét đặc trưng và chủ yếu để trang trí nội, ngoại thất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cơ sở, DN sản xuất những sản phẩm của làng nghề ngoài giữ nét đặc trưng thì cũng nên nghiên cứu thị trường, chủ động đề xuất với khách hàng những mẫu mã phù hợp với phong cách, thị hiếu từng nơi để nâng giá trị cho sản phẩm. Như vậy, các cơ sở sẽ thuận lợi hơn trong tìm đối tác mới để có đơn hàng sản xuất và phát triển.
Theo Sở Công thương, hằng năm, tỉnh đều có chương trình xúc tiến thương mại và ưu tiên giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của làng nghề với thị trường trong nước, nước ngoài. Qua đó, giúp các cơ sở, DN tìm thêm khách hàng để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho nhau. Các cơ sở, DN làng nghề khi có nhu cầu tìm hiểu về thị trường nước ngoài nên liên hệ với Sở Công thương hoặc tham tán thương mại các nước để nắm rõ nhu cầu của thị trường đó, có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cho phù hợp.
Uyển Nhi