Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ người làm giống gạo ngon đến nông dân xuất sắc Việt Nam

08:10, 22/10/2022

Hơn 30 năm gắn bó sản xuất nông nghiệp, ông TRẦN QUANG, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) là người nổi tiếng với trồng lúa hữu cơ, đặc biệt là với dòng sản phẩm gạo ST 24 tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Trần Quang còn cùng người dân kết hợp sản xuất lớn.

Hơn 30 năm gắn bó sản xuất nông nghiệp, ông TRẦN QUANG, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) là người nổi tiếng với trồng lúa hữu cơ, đặc biệt là với dòng sản phẩm gạo ST 24 tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Trần Quang còn cùng người dân kết hợp sản xuất lớn. Từ CLB sản xuất năng suất cao đến thành lập HTX điển hình, giúp phát triển kinh tế của gia đình và các xã viên trong vùng.

Ông Trần Quang
Ông Trần Quang

Làm ra gạo hữu cơ thu tiền tỷ, tạo việc làm cho nhiều lao động trong HTX, ông Trần Quang đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

* “Tôi muốn xã viên HTX  có cuộc sống ấm no, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt”

* Thưa ông, HTX Xuân Tiến được coi là một trong những đơn vị kinh tế tập thể nổi bật không chỉ của Xuân Lộc mà cả Đồng Nai. Hành trình sản xuất nông nghiệp, phát triển HTX của ông bắt đầu thế nào?

- Tôi vốn ở Quảng Ngãi xa xôi, cùng gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp hơn 30 năm trước. Với 8 sào đất làm lúa nhưng do năng suất thấp, gia đình đông người nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.

Khoảng năm 1995, nhiều người ở miền Tây lên Đồng Nai mang theo máy tuốt lúa phục vụ nhu cầu của bà con địa phương, tôi đã xin theo để làm công, học nghề. Lúc ấy, tôi thấy nghề tuốt lúa mang lại thu nhập cao. Câu hỏi tại sao mình không tìm vốn, đầu tư để mua máy móc phục vụ ngay cho chính bà con địa phương lại tạo thu nhập cao luôn thường trực. Vì thế, tôi cố gắng vay mượn, mua máy về làm nghề tuốt lúa. Là người tiên phong nên việc làm rất nhiều, từ đó lấy máy “đẻ” máy, máy “đẻ” ra tiền, lấy tiền mua đất, kinh tế dần đi lên, cuộc sống khấm khá hơn.

Có đất, tôi dồn điền dồn thửa, lấy đất đổi đất, lấy ruộng đổi ruộng tạo ra các thửa ruộng gần nhau với diện tích lớn. Sau này nhiều người cũng học theo ý tưởng này và dần tạo được cánh đồng lớn, thửa liền thửa trong khu vực.

Sau nhiều năm thành lập, hiện nay HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến của ông TRẦN QUANG đã có 10 thành viên tham gia góp vốn và 95 xã viên tham gia liên kết sản xuất. Trong đó diện tích ruộng của gia đình ông là 10 ha, của các xã viên là 140 ha. Khi làm lúa sạch nông dân có lợi hơn vì sản xuất theo phương pháp hữu cơ năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha/vụ nhưng giá bán cao hơn lúa gạo thường nên lợi nhuận thu về vẫn cao.

* Nhưng đó mới chỉ là làm giàu cho mình, còn những người xung quanh thì sao, thưa ông?

- Có thực mới vực được đạo, khi kinh tế dần khá giả, tôi nghĩ phải thay đổi tư duy mới phát triển được. Có đất đai nhưng do đa phần làm lúa, bắp truyền thống, không theo mùa vụ, sản lượng không đều và thường bị thương lái ép giá. Điều đó làm tôi tiếc công sức của mình, của mọi người vì thế đã đi từng nhà vận động nhiều bà con nông dân khác liên kết cùng làm lúa hoặc cùng làm bắp nhằm tạo ra số lượng sản phẩm nhiều, dễ bán, đỡ bị ép giá. Nhờ mình nói được, làm được nên bà con cũng theo ngày càng đông.

Nhưng chỉ liên kết như vậy thôi thì cũng có những hạn chế nhất định, nhất là về tư cách pháp nhân. Loay hoay mãi đến năm 2007, khi mà các lãnh đạo tỉnh lúc ấy về thăm địa phương và biết mô hình của chúng tôi nên đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương hướng dẫn chúng tôi thành lập HTX.

Có sự hỗ trợ của địa phương song thành lập HTX không dễ dàng bởi người dân quen với việc làm rẫy, ruộng, nghe đến HTX là họ sợ bởi vì đã từng trải qua quãng thời gian “tăm tối” với mô hình kiểu cũ thời bao cấp. Suy nghĩ mãi, tôi mới tìm ra cách là thành lập liên hiệp CLB Năng suất cao Xuân Tiến, gom 3 CLB lại với nhau. Đó là tiền đề để phát triển mạnh về sau này.

* Tới lúc nào thì ông bắt đầu trồng gạo ST 24, thương hiệu gạo ngon cấp thế giới cung ứng ra thị trường địa phương?

- Theo đà, từ CLB năng suất cao, giảm nghèo, năm 2014 tôi xin thành lập HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến. Đây cũng là thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực, tạo hiệu ứng để xây dựng HTX kiểu mới với người dân. Sau khi thành lập được khoảng 2 năm, chúng tôi được giao triển khai dự án cánh đồng lớn chuyên trồng cây lúa, cây bắp tại xã Xuân Phú với quy mô 150ha.

Tôi luôn muốn tìm giống đặc biệt về chuyên canh trên cánh đồng lớn, tạo ra nguồn thu ổn định cho bà con nông dân. Khi biết được giống lúa ngon của TS Hồ Quang Cua nên tôi đã về Sóc Trăng học hỏi kinh nghiệm rồi mua 200 kg giống ST24 về thí điểm tại ruộng của gia đình. Hiệu quả thu lại cao hơn dự tính, ngoài trồng trên đất của gia đình tôi còn vận động xã viên trồng chung, đồng thời liên kết với bà con tại các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, TP.Long Khánh để bao tiêu sản phẩm cho họ. Tôi luôn khát khao là làm sao đời sống của xã viên HTX luôn ổn định, khá giả, người tiêu dùng được ăn gạo ngon, sạch, giá rẻ, điều đó làm tôi thấy vui hơn về ý nghĩa sống của mình.

Ông Trần Quang bên cánh đồng lúa ST 24 của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến. Ảnh: NVCC
Ông Trần Quang bên cánh đồng lúa ST 24 của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến. Ảnh: NVCC

* Để sản xuất lớn, cần có chính sách hỗ trợ HTX tốt hơn

* Theo ông, làm nông nghiệp nói chung, làm sao để đạt hiệu quả cao hơn?

- Không cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, học hỏi, tìm kiếm cách làm mới, mô hình hay phù hợp với mình. Như HTX chúng tôi, chỉ trồng lúa, làm bắp bình thường thôi chưa đủ mà phải sản xuất bằng cơ giới hóa, nâng cao tính cạnh tranh. Chúng tôi đã nỗ lực để đầu tư nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công. Tôi cũng đã sáng chế máy phun tự động theo mô hình máy bay không người lái giúp phun các dung dịch, thuốc… cho lúa, bắp được thuận lợi hơn.

Với năng lực của mình, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với những HTX, tổ hợp tác… trồng lúa ở một số địa phương khác để nhân rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa, tăng sản lượng để đáp ứng được những đơn hàng lớn.

“Muốn xã viên đi theo mình, trước hết anh phải làm sao cho họ thấy được cái lợi. Vào HTX trước tiên anh có thể nhận được sự hỗ trợ, giúp sức của những người còn lại. Khi muốn mua máy móc, phương tiện hay là giống cây, phân bón... cũng có thể được ưu đãi nhờ mối quan hệ giữa HTX với các đối tác, điều đó có lợi hơn là đứng riêng lẻ” - ông TRẦN QUANG chia sẻ.

* Nhìn trên bình diện chung, kinh tế HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Để phát triển Nhà nước cần có giải pháp gì?

- Trên thực tế, kinh tế HTX vẫn phát triển chưa như kỳ vọng. So với các loại hình kinh tế khác, HTX thiếu thốn rất nhiều, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp vì đa phần xã viên là nông dân, sự nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh chưa cao. HTX muốn vay vốn để đầu tư cũng không dễ dàng bởi thiếu tài sản thế chấp. Vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với công ty, doanh nghiệp để cung ứng hàng hóa lớn là khao khát của sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, cần có các cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh... Nhưng hầu như nhiều chính sách vẫn còn nằm trên giấy, triển khai vào thực tế chưa được nhiều.

* Riêng với HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến là gì, thưa ông?

- Chúng tôi muốn sản xuất lớn và cũng đã huy động nguồn vốn để xây dựng nhà máy xay xát, chế biến gạo mới, đường điện cũng đã được HTX đầu tư. Khu đặt nhà máy xay xát gạo được đưa ra khỏi khu dân cư, ngay vùng trồng lúa, thế nhưng chúng tôi dù đã kiến nghị nhiều vẫn chưa được cơ quan liên quan cho phép hạ thế đường dây điện 3 pha. Hiện tại, nhà máy xay xát chế biến gạo vẫn còn phải nằm trong khu dân cư.

* Xin cảm ơn ông!

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều
Cách phối hợp hương vị