Thời nào, ở đâu cũng xem trọng việc sinh dưỡng đối với con người, nhất là với thai phụ và trẻ em. Thời nay, quá hiện đại, đủ phương pháp và phương tiện kỹ thuật để chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Có người hỏi, vậy thời xưa, ông bà ta đã quan tâm đến việc sinh, dưỡng như thế nào? Trả lời câu hỏi này, phải moi cả kho tri thức dân gian của người Việt ở Nam bộ.
Thời nào, ở đâu cũng xem trọng việc sinh dưỡng đối với con người, nhất là với thai phụ và trẻ em. Thời nay, quá hiện đại, đủ phương pháp và phương tiện kỹ thuật để chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Có người hỏi, vậy thời xưa, ông bà ta đã quan tâm đến việc sinh, dưỡng như thế nào? Trả lời câu hỏi này, phải moi cả kho tri thức dân gian của người Việt ở Nam bộ.
Hạnh phúc bay cao. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Vòng đời người được tính từ khi “đậu thai” trong bụng mẹ cho đến khi “mãn tang”. Việc sinh nở và nuôi dạy trẻ là giai đoạn bắt đầu, quan trọng nhất, được xem như là thai giáo. Bắt đầu là chuyện “dưỡng thai”. Khi có biểu hiện “đậu thai”, người phụ nữ mang thai phải kiêng giữ và được bảo vệ kỹ lưỡng. Những điều kiêng giữ khá nhiều, phụ thuộc quan niệm của từng gia đình. Việc kiêng giữ tập trung ở các mặt: ăn uống, cử động về giao tiếp. Về ăn uống, phải kiêng cữ, kiêng cữ nhiều đến mức không sản phụ nào nhớ hết; mọi kiêng cữ nhằm để tránh đẻ ngang, con không dãi nhớt, tránh đẻ song thai, kiêng kỵ chuyện tục tằn, con khỏi khuyết tật, để việc sinh nở được “trơn tru”. Việc giao tiếp thường phải kiêng gặp người nóng nảy, nặng vía, tính khí lì lợm hoặc đã có nhiều lần sinh nở không thành.
Việc “dưỡng thai” được xem trọng, việc sinh nở còn quan trọng hơn; gắn với vai trò của các ‘’mụ vườn”. Mỗi làng thường có một bà mụ lo việc sinh đẻ cho cộng đồng. Việc sinh con có thể tại nhà riêng hay tại nhà mụ. Sinh con đầu lòng thường ở nhà mẹ ruột, lần sinh thứ hai mới ở nhà chồng “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Khoảng 1 tháng trước khi sinh, bà mụ tiến hành lễ đầu tiên, gọi là lễ đơm lẻ khấn cúng “Mười hai Mụ Bà và ba Đức Thầy” . Khi sản phụ sinh con gọi là lâm bồn, cách gọi khác là vượt cạn. Đứa trẻ mới ra đời bị dốc ngược chọc cho khóc, khóc to là điềm lành vì đó là dấu hiệu đứa bé khỏe, bình thường. “Rún” được cắt bằng miếng sành hay miếng tre nứa sắc cạnh, kiêng cắt bằng kim loại. Nhau đứa trẻ được cẩn thận cho vào hũ sành hoặc nồi đất đậy nắp kỹ, kín đáo chôn kỹ trong vườn nhà. Công việc thầm kín này có ý nghĩa gắn con người với mảnh đất quê nhà; đó là nơi “chôn nhau cắt rún “.
Thời gian “nằm lửa” của phụ nữ trong buồng kín gọi là ở cữ, thường kéo dài suốt 1 tháng, hoặc cho đến khi người mẹ và đứa bé đủ khỏe. Thời gian ở cữ, người mẹ phải bịt tai, ít nói, tránh đi ra gió, ăn uống kiêng cữ những món khó tiêu. Có tục sản phụ nằm than, tức là bên dưới giường nằm để lửa than đỏ ngày đêm không dứt, lại lấy nồi lửa để chận hơ trên bụng mỗi ngày 1, 2 lần cho luôn ấm người, khi đầy tháng ra ngoài thì dùng củ nghệ thoa đầy mình để ngăn gió. Dấu hiệu của nhà có người ở cữ là đoạn củi đã tắt lửa trước cửa nhà, gọi là vỏ lửa, vỏ lửa đầu đã cháy quay vào là sinh con trai, quay ra là sinh con gái.
Ngày đầy tháng được xem là ngày đầy cử. Trong lễ đầy tháng, ông bà, người thân đến mừng cháu bằng quà tặng, lời chúc tốt đẹp hoặc thơ mừng. Nếu sinh ở nhà ngoại, mẹ con người sản phụ được đón về nhà nội hoặc nhà riêng trước ngày làm lễ. Riêng người cha hoặc ông bà nội thường thực hiện một công trình gì đó (như: trồng cây, đóng bàn, sửa nhà...) để làm kỷ niệm. Tên khai sinh của đứa bé được chọn chính thức trong dịp này. Việc đặt tên cũng được chọn lọc, kiêng húy thánh thần, ông bà, người lớn tuổi như nhiều nơi khác. Quan trọng nhất của ngày đầy tháng là lễ cúng mụ nhằm tạ ơn Mụ Bà đã “nặn ra đứa bé”, mẹ tròn con vuông.
Ngày đứa bé tròn năm, có lễ thôi nôi, người xưa còn gọi là lễ tổi bàn, lễ tôi tôi. Khác với lễ đầy tháng, lễ thôi nôi có trò thử nghề, tức là bày ra các vật dụng: gương, lược, kim, chỉ, đũa, muỗng... (nếu là con gái); bút, giấy, đàn, cờ... (nếu là con trai) cho trẻ tự chọn. Người ta tin rằng, món nào đứa bé chạm đến đầu tiên sẽ ứng với nghề nghiệp thích hợp sau này. Bởi vậy, những món bày ra cho bé thường tránh: dao, búa, gươm, giáo... để không vướng vào nghiệp binh đao.
Sau ngày đầy tháng và tròn năm, việc nuôi dưỡng đứa bé nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn phải thường trực những việc kiêng kỵ và cầu cúng theo thông lệ. Trẻ từ đầy tháng đến 12 tuổi vẫn còn trong vòng bảo trợ của Mụ Bà, Đức Thầy. Ra khỏi nhà phải quệt lọ trên trán trẻ để Thổ Công khỏi nhầm, không được gọi tên thật của trẻ và kiêng đặt tên đẹp vì sợ ma quỷ biết mà chọc phá; trưa đúng ngọ không được ra nắng, không giỡn nắng; nếu trẻ khóc đêm (gọi là dạ đề) phải lấy một chiếc cọc chuồng heo hoặc chuồng gà để dưới gầm giường, cho trẻ đeo vòng bằng cây dâu tằm để ngừa ma quỷ.
Gặp trẻ ốm yếu khó nuôi, người xưa có tục “gởi nuôi” hoặc “đem bỏ” bằng cách hẹn ngầm với người thân vào ngày giờ nhất định, người mẹ ẵm con đến “gởi” hoặc “bỏ” một nơi nào đó, người thân đến “nhận” hoặc “lượm” về nuôi. Thay đổi bảo mẫu như thế, người ta tin rằng đứa trẻ sẽ vui lòng “ở lại” với đời. Gặp trường hợp có nhà buôn đưa voi về làng, cha mẹ có dịp trao đứa bé cho thằng nài lòn bụng ông tượng, hoặc đổi mía hay chuối cây lấy sợi lông đuôi ông tượng bọc vải cho trẻ đeo cổ để khỏi bị ma rừng ám hại. Khi được lưỡi tầm sét của thiên lôi đánh quỷ cắm vào đất (thật ra, đó là những rìu đá dễ tìm thấy ở nhiều nơi có di chỉ khảo cổ), người ta thường mài vào mảnh ghè bể cho trẻ con uống để ma quỷ phải tránh. Nếu cướp được lưỡi ông tiêu ở các lễ cúng cô hồn, đem lưỡi ấy bọc vải đeo cổ cho trẻ hoặc lót trong gối ngủ, đứa trẻ sẽ yên giấc ngủ, không bị quấy phá.
Đến 12 tuổi, tức đã vượt qua giai đoạn đậu mùa và các dịch bệnh hiểm nghèo khác, gia chủ mừng vui cúng lễ “tròn con giáp ” bằng gà, vịt hay đầu heo khấn vái tạ ơn ông bà, Thổ Công, Thổ Địa, 12 Mụ Bà và 3 Đức Thầy. Từ đây, đứa trẻ mới được xem là “còn”, là thành viên chính thức của gia đình.
Những sinh hoạt tín ngưỡng, tập tục nêu trên thể hiện lòng thiết tha mong đợi và chào đón thành viên mới của gia đình với quan niệm nhân văn và niềm tin chân thành, trong đó đan xen những điều mê tín và các kinh nghiệm quý báu.
Thời nay, trong điều kiện khoa học hiện đại, những điều kiêng giữ và các lễ cầu cúng được thu gọn theo hướng lược bỏ những điều lạc hậu, có thể chắt lọc trong kinh nghiệm dân gian nhiều điều bổ ích cho việc chăm sóc sinh dưỡng, nhất là phương pháp “thai giáo” .
Huỳnh Văn Tới