Mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những lợi ích, MXH cũng làm nảy sinh không ít tiêu cực khi một bộ phận cá nhân ứng xử thiếu văn hóa khi tương tác trên MXH.
Mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những lợi ích, MXH cũng làm nảy sinh không ít tiêu cực khi một bộ phận cá nhân ứng xử thiếu văn hóa khi tương tác trên MXH.
Cần tuân thủ quy định văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Minh họa: ĐQ |
Tỉnh táo, ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và xã hội khi ngồi trước bàn phím là giải pháp quan trọng để không bị sa đà vào những cuộc tranh luận “vô tội vạ” trên MXH.
* Bình luận vô tội vạ
Ở thời bùng nổ công nghệ thông tin, internet được kết nối tận giường, ai cũng có smartphone thì việc tương tác trên không gian mạng đã trở nên phổ biến. Trong khi đó, nhiều vấn đề thời sự của đất nước, những sự kiện xã hội, scandal nóng bỏng hay những phát ngôn gây sốc... nhanh chóng được đưa lên MXH và thu hút người dân quan tâm, bàn luận sôi nổi.
Theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, nếu một người bịa đặt, nói xấu, xúc phạm danh dự uy tín nhân phẩm của cá nhân trên MXH vì bất cứ mục đích gì sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng nếu tiết lộ bí mật đời tư người khác; đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi. |
Nhiều ý kiến cho rằng, sự gia tăng không khí tranh luận sôi nổi có thể xem là một tín hiệu tích cực, dân chủ trong lộ trình phát triển văn hóa xã hội. Qua đó cho thấy, người dân đang ngày càng cởi mở và có ý thức trách nhiệm hơn đối với những vấn đề của đất nước, của xã hội. Tuy nhiên, không ít người ứng xử thiếu văn hóa trên MXH. Khi tham gia bình luận, trao đổi về một vấn đề trên các trang MXH thường dùng lời lẽ tục tĩu, chê bai, sỉ vả, bóc phốt, xúc phạm uy tín, danh dự người khác.
Chẳng hạn liên quan đến những scandal tình ái mới đây của Shark Bình - nghệ sĩ Phương Oanh; Vua cá Koi Thắng Ngô - ca sĩ Hà Thanh Xuân... đã tạo lên sức nóng khi MXH tràn ngập những bài đăng, những dòng trạng thái, lời bình luận nghiêng về sỉ vả, lên án các nhân vật liên quan...
* Cần tuân thủ quy định văn hóa ứng xử trên MXH
Nhiều ý kiến cho rằng, người sử dụng MXH thường dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông hoặc lợi dụng tâm lý đám đông để trút bức xúc của bản thân, một số người còn có hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người khác như trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương)... đã khiến môi trường mạng trở nên phức tạp, xô bồ. Do đó, đã đến lúc cần xử lý nghiêm đối với những cá nhân có hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật khi tương tác trên MXH.
Ông Đặng Tấn Phát (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), giáo viên một trường cao đẳng ở TP.Biên Hòa cho rằng, MXH là một diễn đàn để người ta có thể trao đổi, chia sẻ và kết nối thông tin với nhau trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người lại lên mạng để tranh cãi hơn thua với lời lẽ rất độc địa, thậm chí cho mình cái quyền được kết tội người khác, trong khi đó là những thông tin trôi nổi trên mạng, chưa biết đúng sai thế nào.
Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính tới tháng 6-2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 72 triệu người, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng các nền tảng MXH ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). |
“Tôi cho rằng, bản thân mỗi người khi tương tác trên MXH, chẳng hạn đứng trước một sự việc đau lòng, nếu không thể có lời chia sẻ, góp ý chân thành để giúp người trong cuộc bình tâm thì cũng không nên buông những lời bình luận chủ quan, thiếu văn hóa, tiêu cực, cốt để thỏa mãn cái tôi của mình. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác” - ông Phát cho biết.
Còn bà Trần Thu Tuyết (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), một tiểu thương ở chợ Biên Hòa cũng cho rằng, một người đăng trên MXH tâm trạng bế tắc, cô độc, đau khổ. Cộng đồng mạng thay vì động viên, chia sẻ để giúp họ vơi bớt đau khổ, thoát ra khỏi thực trạng u buồn thì nhiều người lại hùa nhau bình luận kiểu: “Buồn thì chết cho hết buồn” hay “Sống khổ thế sống làm gì...” hoặc “Sống như thế chết còn hơn”... Những câu nói đó dễ đẩy người khác hành xử tiêu cực.
Theo bà Tuyết, mỗi khi bình luận một trang MXH nào đó, người tham gia cần tỉnh táo, có trách nhiệm với bản thân, với người trong cuộc và cả với cộng đồng. Bởi những lời nhận xét, bình luận ác ý trên MXH cũng có thể vô tình gây đau khổ, xáo trộn cho gia đình người khác. Bà cho rằng, bây giờ đã có luật, có quy định xử phạt những hành vi sai trái khi sử dụng MXH, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với những người có những bình luận thiếu lành mạnh trên MXH.
Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho hay, MXH là diễn đàn để mọi người chia sẻ và nói lên tiếng nói của mình, đem cộng đồng đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề văn hóa ứng xử trên MXH đã và đang bộc lộ những lỗ hổng, những khiếm khuyết, lệch lạc... Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế được phần nào những tiêu cực, thông tin xấu độc trên MXH. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp, phiền toái, độc hại khác trên MXH khiến không gian mạng thiếu sự trong sáng và ý nghĩa tích cực của nó.
Hiện Bộ TT-TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ TT-TT, trong đó quy định những quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam và quy tắc ứng xử cho mọi tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; khuyến khích người dân khi tương tác trên MXH nên ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm, phù hợp với giá trị đạo đức, truyền thống cũng như chỉ chia sẻ thông tin tích cực...
PGS-TS Ngô Văn Giá (nguyên Trưởng khoa Viết văn - báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội): Tranh luận cũng cần kiến thức, văn hóa và trách nhiệm
MXH đang trở thành kênh quan trọng thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội. Trên MXH mỗi cá nhân có thể truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, tri thức, phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội hoặc lên án cái xấu hay lan tỏa những điều tốt đẹp…
Phải nói là cũng có những cuộc tranh luận mang tính xây dựng, có hàm lượng tri thức, tuy nhiên cũng có những cuộc tranh luận vô bổ, người tham gia tranh luận xúc phạm người khác hoặc bị người khác xúc phạm, hoặc bị lôi kéo vào trào lưu xấu.
Để hoạt động phản biện xã hội có ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc mà người tranh luận cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng, quốc gia làm mục đích.
ThS tâm lý NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa): Cần có chọn lọc khi tương tác trên MXH
Nghiên cứu mới đây của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho thấy số người bị các chứng liên quan đến tâm thần có tỷ lệ thuận với thời gian sử dụng MXH.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm chính là sự độc hại trên MXH, là những nạn nhân trẻ thường xuyên bị “tấn công”, bị bắt nạt trên MXH. Do đó, để bản thân không trở thành nạn nhân của MXH và cũng không gián tiếp đẩy người khác vào sự tồi tệ thông qua MXH, mỗi người khi tương tác trên MXH cần chọn lọc, có trách nhiệm, góp ý trên tinh thần xây dựng; không nên hùa theo đám đông để buông những lời nhận xét cay độc, thô lỗ và thiếu văn hóa…
An Nhiên (ghi)
Phương Liễu