Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ em đi học. Đáng chú ý là cứ 10 em trong số này chỉ có 1 em được học lên trung học và có đến trên 30% trẻ khuyết tật khi đi học không thể hòa nhập được, buộc phải nghỉ học.
Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ em đi học. Đáng chú ý là cứ 10 em trong số này chỉ có 1 em được học lên trung học và có đến trên 30% trẻ khuyết tật khi đi học không thể hòa nhập được, buộc phải nghỉ học.
Giáo dục hòa nhập từ lâu đã là chủ trương được ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung đặc biệt xem trọng dựa trên quan điểm tất cả trẻ em đều có khả năng và đều có quyền được học tập. Thực tế cho thấy, cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn, cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Theo UNICEF, đến cấp THPT, chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật.
Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực, nhưng chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
Tạo cho trẻ em khuyết tật môi trường học tập bình đẳng đã và đang là vấn đề không đơn giản đối với các cơ sở giáo dục hiện nay. Thực tế có những trường đã làm tốt vấn đề này bằng việc sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ trẻ khuyết tật theo học và tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội để phát triển như những học sinh bình thường khác. Trong môi trường này, nhiều học sinh khuyết tật đã nỗ lực vươn lên trong học tập và hòa nhập tốt với thầy cô, bạn bè. Ở môi trường như thế này, không có khoảng cách giữa học sinh khuyết tật với học sinh không khuyết tật bởi thầy cô và học sinh đã được trang bị những kiến thức cần thiết trong giáo dục hòa nhập đồng thời hỗ trợ tốt cho các em.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, khi nào, môi trường giáo dục cho trẻ em khuyết tật cũng tốt. Bản thân học sinh khuyến tật còn nhiều mặc cảm, do đó, nếu nhà trường, thầy cô, bạn bè không khéo léo trong ứng xử, rất dễ dẫn đến cảm giác bị bỏ rơi. Nhiều trẻ khuyết tật không thể hòa nhập trong học tập, vui chơi trong trường học, do đó chỉ đi học một thời gian đành xin nghỉ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về Quyền trẻ em năm 1990 và luôn hướng tới đảm bảo mọi trẻ em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và trao quyền để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Dành mọi điều tốt nhất cho trẻ em khuyết tật cũng là để thực hiện mong muốn ấy. Vì thế, giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật cần tiếp tục được quan tâm để trẻ em khuyết tật có cơ hội học tập và phát triển như những trẻ không khuyết tật.
Minh Ngọc