Hằng năm, nửa đầu tháng 11, gần một vạn khu dân cư ở Đồng Nai cùng cả nước rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sau đó là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam vào ngày 18-11. Đây là nét đẹp văn hóa được xem như là lễ hội truyền thống quý báu định kỳ hằng năm của dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, nửa đầu tháng 11, gần một vạn khu dân cư ở Đồng Nai cùng cả nước rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sau đó là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam vào ngày 18-11. Đây là nét đẹp văn hóa được xem như là lễ hội truyền thống quý báu định kỳ hằng năm của dân tộc Việt Nam.
5 gia đình tiêu biểu được nhận quà của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Biên Hòa trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại KP.11, P.Hố Nai. Ảnh: Sông Thao |
Vào những ngày này, các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, cũng như cả nước có những hoạt động văn hóa đa dạng trong thống nhất.
Thống nhất ở chỗ, hoạt động có tổ chức, có mục đích chung thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng dân cư trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng nội dung lễ trang trọng; báo cáo kết quả việc đã làm, việc cần phải làm, biểu dương người tốt, việc tốt, khuyến học, khuyến tài, điều chỉnh việc chưa tốt; động viên nhau để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; toàn thể cộng đồng dân cư các vùng miền, các sắc tộc đều có hoạt động chung ở cộng đồng; quân, dân, chính, đảng cùng tham gia; lương dân, giáo dân, phật tử, đồng bào các dân tộc đều hòa chung cảm xúc vì sự phát triển của cộng đồng; các tầng lớp nam, phụ, lão, ấu đều có có đóng góp theo điều kiện của mình; người dân cất tiếng nói “thẳng ruột ngựa” của mình, theo cách của mình góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và quê hương.
Đa dạng thường là ở phần hội mang bản sắc văn hóa của dân tộc, của các cộng đồng; cách thể hiện lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của các cộng đồng dân cư có giống và khác nhau. Sau phần hội nghị mang tính chất lễ là phần hội mang tính chất “chơi”. Các trò chơi vui khỏe mang khí thế thi đua trong tinh thần đoàn kết, phổ biến là các trò chơi tập thể: kéo co, nhảy bao bố, chạy nhảy, đánh cầu, bịt mắt đập niêu, hát múa… Đặc sắc là các cuộc thi tài về các bộ môn truyền thống ở địa phương như: thi bơi bắt vịt, đua thuyền, cà kheo ở vùng sông nước; đờn ca tài tử ở Nam bộ; cồng chiêng ở vùng đồng bào các dân tộc; quan họ, hát xoan ở quê hương các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận… Mỗi nơi một cách thể hiện văn hóa của lòng mình, xứ mình, đa dạng và phong phú như sắc hoa riêng góp phần cho vườn hoa văn hóa chung của dân tộc lung linh nhiều màu sắc.
Sau phần lễ trang trọng và phần hội vui khỏe là phần ẩm thực vui ngon. Cũng như phần hội, việc ẩm thực thể hiện sắc thái của địa phương, bàn tay tài hoa của những bếp nhà chế biến món ăn từ sản vật địa phương khiến bữa ăn không chỉ ngon miệng mà còn đẹp lòng. Nhiều nơi còn tổ chức “tiệc góp”, nghĩa là mỗi nhà, mỗi nhóm đóng góp món ăn tự nấu hoặc góp tiền cùng nấu để chung tay và “chung bụng trong ngày vui đoàn kết”.
Có thể gọi đây là ngày Tết Đoàn kết cũng được, vì ở nhiều nơi làm tốt đã thể hiện đúng là ngày Tết của dân. Cũng có nhiều nơi còn bệnh hình thức, làm chiếu lệ, năng phần báo cáo nên lòng dân chưa ưng bụng, mong muốn nhiều hơn.
Gần đây, từ năm 2018, tỉnh Đồng Nai học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, có chủ trương động viên thi đua đoàn kết ở các khu dân cư: mỗi huyện bình chọn 1 ấp/khu dân cư tiêu biểu giới thiệu để tỉnh cử lãnh đạo đến dự, tặng quà cho tập thể và cá nhân (các ủy viên Ban TVTU, ủy viên UBND tỉnh, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều được phân công tham dự). Ở các huyện, thành phố thuộc tỉnh cũng làm như vậy. Ấp nào được chọn là “chảnh” lắm, vì được đón lãnh đạo cấp cao tham dự, động viên, tặng quà, trực tiếp ghi nhận thành tích của ấp.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Thọ An, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Ảnh: Hương Lan |
Như ở ấp 2, xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch chẳng hạn. Năm nay, nhận tin ấp mình được chọn, đồng chí Cao Văn Quang - Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo H.Nhơn Trạch sẽ về dự ngày hội vào ngày 6-11, bà con toàn ấp mừng lắm, vui lắm. Từ cuối tháng 10, đã có nhiều cuộc họp bàn việc tổ chức với nụ cười trên môi và niềm vui nhảy múa trong bụng. Đồng chí Trần Tiến Nhạn, Bí thư Chi bộ ấp thâu đêm lọc cọc gõ máy rà soát kế hoạch phân công trong ban ấp chuẩn bị mọi việc, chăm chút báo cáo thành tích ấp cho ngắn gọn, đủ ý và đủ sức thuyết phục. Năm qua, ấp đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu thi đua, chọn những việc quan trọng mà báo cáo như: tự quản trật tự, vệ sinh, vận động làm đường, nước sạch, cải tạo cảnh quan, góp phần nâng cấp nhà bia liệt sĩ… tất thảy đều là tâm sức của dân dưới sự lãnh đạo của xã.
Đến ngày 1-11, ấp 2, xã Long Thọ đã sẵn sàng, kế hoạch chi tiết đã rõ, từng người dân và các đoàn thể đều hình dung được việc của mình, việc trang trí tại địa điểm họp ở nhà dân đã bắt mắt, thực đơn đã lên, các trò vui đã khởi động, đến cái chuồng vịt cho cuộc vui thảy vòng bắt vịt do đồng chí Bí thư Chi bộ ấp lui cui chuẩn bị cũng đã xong. Vui nhất chắc là 5 hộ gia đình tiêu biểu, 10 hộ gia đình khó khăn, 10 học sinh nhận học bổng được ghi danh trong danh sách.
Đồng hồ đếm ngược, ngày hội đến rồi, bà con ấp 2, xã Long Thọ à ơi, vững tin mong chờ!
Ong Mật