Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hoạt động nào cũng hướng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hoạt động nào cũng hướng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết là một trong các nội dung trọng tâm luôn được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và chương trình công tác của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống đẹp, là bài học kinh nghiệm quý báu của ông bà ta trong dựng nước, giữ nước và tổ chức đời sống. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đúc kết bài học lịch sử từ nhân dân, xây dựng đường lối đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Tại Đại hội XIII của Đảng, “đại đoàn kết dân tộc” tiếp tục được xác định là “đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. MTTQ Việt Nam có vai trò lịch sử và nhiệm vụ thiêng liêng trong việc thực hiện chủ trương này.
Theo tinh thần Đại hội XIII, nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hình thành sức mạnh vững bền vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong tình hình mới, khối đại đoàn kết dân tộc vẫn dựa trên nền tảng liên minh công nông và trí thức, nhưng phải biết huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của các tầng lớp nhân dân, nhưng cũng phải biết tôn trọng những khác biệt không trái với lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Để phát huy vai trò của MTTQ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bền vững, Đảng ta đã xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, quản lý, vận động quần chúng để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Bắt đầu từ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xác định xây dựng đoàn kết trong đảng là nhiệm vụ trọng tâm. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhà nước thể chế hóa Hiến pháp 2013, xây dựng nhà nước pháp quyền phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trên nền móng đó, MTTQ và các đoàn thể kết nối mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Cái khó nhất của công tác mặt trận xây dựng đại đoàn kết dân tộc là lợi ích của các thành viên trong xã hội phải được giải quyết hài hòa; lợi ích của cá thể và cộng đồng các dân tộc được tôn trọng và bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, các thể chế dân chủ và công bằng xã hội ngày càng hoàn thiện.
Ở Đồng Nai, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đạt được nhiều thành tựu, đúc kết 8 nội dung cốt lõi để mọi thành phần trong xã hội có hoạt động chung: Một là, tôn trọng sự khác biệt về ý thức hệ. Hai là, lấy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh làm hạt nhân nối kết. Ba là, phát huy dân chủ thực sự. Bốn là, động viên lòng yêu nước và phối hợp thực hiện các phong trào thi đua ái quốc. Năm là, kết nối các hoạt động thiện nguyện vì lòng yêu thương con người. Sáu là, đề cao khát vọng hòa bình. Bảy là, tập trung hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tám là, định hướng phát triển bền vững, hội nhập, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, 5 hạt nhân đoàn kết phải phát huy cho được các phẩm chất của mình: 1. Tổ chức Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức, văn minh. 2. Chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. 3. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, tự giác, nêu gương, tận tụy phục vụ nhân dân. 4. MTTQ và các đoàn thể phải là trung tâm đoàn kết. 5. Các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Việc xác định nội dung cốt lõi và phẩm chất của hạt nhân đoàn kết chính là bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Đồng Nai.
Huỳnh Văn Tới