Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 600 trẻ phải nhập viện, 1 trẻ tử vong xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã và đang khiến dư luận hết sức quan tâm, bức xúc. Qua phân tích mẫu thức ăn, đã xác định có 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên, gồm vi khuẩn salmonella spp, bacillus cereus và escherichia coli.
Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 600 trẻ phải nhập viện, 1 trẻ tử vong xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã và đang khiến dư luận hết sức quan tâm, bức xúc. Qua phân tích mẫu thức ăn, đã xác định có 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên, gồm vi khuẩn salmonella spp, bacillus cereus và escherichia coli. Ngoài ra, còn có vi khuẩn bacillus cereus trong mẫu nước mắm. Đây đều là những vi khuẩn độc hại, nguy hiểm đến tính mạng con người.
Vụ ngộ độc xảy ra ở một ngôi trường quốc tế liên cấp có tổ chức bữa ăn bán trú khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Quy trình tổ chức bữa ăn như thế nào lại để “lọt” những đơn vị cung cấp suất ăn kém chất lượng như thế? Và còn bao nhiêu ngôi trường có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh còn chưa mấy chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu kiểm tra, giám sát đối với đơn vị cung cấp suất ăn để những đơn vị này “tự biên, tự diễn”?
Không chỉ có iSchool Nha Trang, trước đó, trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến phụ huynh lo lắng. Đây cũng vấn đề được ngành Giáo dục và Y tế quan tâm, nhắc nhở thường xuyên đối với các cơ sở trường học. Tuy nhiên, bên cạnh những trường thực sự chú trọng đến công tác này vẫn còn một số trường xem nhẹ, thậm chí là khoán trắng cho đơn vị trúng thầu suất ăn cho trẻ. Chính vì thế, khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ban giám hiệu nhà trường tỏ ra lúng túng, đổ lỗi trách nhiệm qua lại mà không thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, điều hành.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm vì liên quan thiết thực đến con em trong mỗi gia đình. Chính vì vậy, tăng cường quản lý, nêu cao trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, nhất là từ mỗi cơ sở trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, mới đây, Bộ GD-ĐT đã có có Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, sinh viên, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ đề nghị kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Chú trọng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Minh Ngọc