Nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ nổi tiếng trong giới sáng tác và độc giả ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung. Ông sáng tác rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài đến tiểu thuyết.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ nổi tiếng trong giới sáng tác và độc giả ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung. Ông sáng tác rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài đến tiểu thuyết.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: My Ny |
Trong đó, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết viết hàng chục đầu sách và trao tặng hàng ngàn cuốn sách miễn phí cho lứa tuổi thanh thiếu nhi. Không chỉ vậy, ông tích cực cùng với các các nhà văn, nhà thơ… “ươm mầm” cho các cây bút trẻ của Đồng Nai.
* Khi làm tập san Dưới mái trường, có một bạn viết trẻ, hình như là học THCS, chẳng may cha mất, gia đình rất khó khăn. Ông nói, nếu bạn ấy thi đậu vào lớp chuyên Văn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, ông sẽ đưa bạn ấy về gia đình lo chuyện ăn học. Bút danh khi cộng tác Dưới mái trường của bạn ấy là Chiều Tím, chuyện diễn tiến sau đó ra sao, thưa ông?
- Em học sinh ấy có bút danh là Tím Quê, con gái của một nhà báo đồng nghiệp với tôi thời gian ấy, anh Lê Hườn. Tím Quê viết hồn nhiên, rất học trò, bản thảo viết tay trên giấy vở bằng mực tím, rất dễ nhận ra trong số bản thảo gửi về tòa soạn. Tôi đặt hy vọng em sẽ trở thành một cây bút triển vọng sau này. Tôi muốn “ươm mầm” cả cuộc sống và ngòi bút của em nên mới ngỏ ý. Tiếc là sau đó, Tím Quê đã không lên Biên Hòa mà tiếp tục học ở H.Định Quán, lớn lên đi làm và không sáng tác nữa. Đây là một trong nhiều trường hợp những “mầm sáng tác” thuở học sinh khi lớn lên vì cuộc sống, hoàn cảnh nên đã dừng lại. Tôi mong liên lạc lại được với em và muốn nhắn nhủ: Nếu cuộc sống đã ổn định, em hãy trở lại với ngòi bút học trò, tôi sẵn sàng hỗ trợ em viết.
* Ở Đồng Nai, một số nhà văn, nhà thơ ít nhiều có sách viết cho thiếu nhi như: Nguyễn Một, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang, Hoàng Ngọc Điệp… Riêng với ông, đó là một mảng sáng tác đồ sộ mà người chuyên viết cho thiếu nhi chưa chắc có được. Ông nói gì về điều này?
- Đúng là có một số nhà văn, nhà thơ Đồng Nai cũng viết cho thiếu nhi. Nhưng viết cho thiếu nhi chưa phải là mảng đề tài chính của các vị ấy. Ngược thời gian thì phải kể cả nhà văn Hoàng Văn Bổn đã quá cố. Vì vậy ở tỉnh mình (và cả trong phạm vi toàn quốc), dành nhiều tâm huyết và bền bỉ viết cho thiếu nhi như tôi vẫn thuộc nhóm “số ít”. Tính đến nay tôi đã in 42 quyển sách thiếu nhi và vẫn còn khá nhiều bản thảo là bộ truyện, truyện dài cho thiếu nhi chờ in. Tôi luôn mong mình bớt bị “cô đơn” khi có thêm nhiều hơn nhà văn tham gia viết cho thiếu nhi, kể cả các cây bút tuổi học sinh.
* Trong số các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông, có nhiều cuốn nằm trong Tủ sách Tuổi hoa trước 1975, nay đã tái bản khá nhiều?
- Tôi khởi viết bằng những truyện ngắn in trên bán nguyệt san Tuổi hoa ở Sài Gòn trước 1975. Sau đó, in sách trong tủ sách Tuổi hoa. Quyển đầu tay là Hoa tầm gửi, in năm 1970 khi tôi đang là sinh viên trường dược. Đến năm 1975 thì tôi đã in 8 quyển truyện dài Tuổi hoa. Còn lại khoảng 50 truyện ngắn in báo thì chưa tập hợp in thành sách. Tôi đang chọn lấy khoảng 20 truyện để in sách trong thời gian sắp tới. Quyển này vừa có tính kỷ niệm của tôi và bạn đọc trang lứa ngày ấy nay đã cao niên, vừa để các em thiếu nhi ngày nay tiếp cận với lứa thiếu nhi và hoàn cảnh sống cách nay nửa thế kỷ.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh đang sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Ảnh: My Ny |
* Ông trân trọng những mầm non sáng tác, yêu lứa tuổi học trò nên làm tập san Dưới mái trường dù để có ấn phẩm đến được với bạn đọc nhỏ tuổi rất khó khăn. Ngoài ra, ông còn có hoạt động sáng tác ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Hiện nay, có cây bút nào “đứng” được không?
- Hồi làm Dưới mái trường, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai là đơn vị đứng danh nghĩa xin giấy phép nhưng không được cấp kinh phí từ ngân sách. Tôi ham làm quá nên tự bỏ tiền túi ra làm như một hình thức “xã hội hóa” từ năm 1998. Tập san chỉ phát hành trong tỉnh. Mấy năm đầu tôi phải bù lỗ vài chục triệu đồng, số tiền dành dụm để sửa nhà. Nửa thời gian sau có sự kết hợp giữa Hội VHNT và Sở GD-ĐT, tình hình có khá hơn, tiến dần đến hòa vốn và có dư một ít, tôi dành trao học bổng cho học sinh nghèo. Sau 10 năm làm Dưới mái trường, tôi dừng lại vì đã về hưu và không tìm được người thay thế.
Sau đó, tôi cộng tác với Nhà thiếu nhi Đồng Nai để tổ chức các trại sáng tác văn thơ học sinh vào mỗi mùa hè, mỗi năm chọn khoảng 30-40 em đi dự hội trại, góp ý từng sáng tác của từng em. Các trại sáng tác này tôi cũng liên tục làm được 10 năm thì phải dừng vì dịch Covid-19. Nay thì tuổi đã cao, tôi chỉ còn đủ sức khỏe để sáng tác. Tôi đã tiếp cận được với hàng trăm lượt cây bút học trò có triển vọng. Trong số ấy, đến nay đã có một số trở thành hội viên hội VHNT tỉnh như: Đào Nguyên Thảo, Lã Hoài Mai, Minh Khôi… Nhiều lúc tôi “mơ” gặp lại các em để động viên các em viết lại với vốn sống là hồi ức tuổi học trò.
* Thời gian qua, ông đã in hàng ngàn cuốn sách để trao tặng cho bạn đọc nhỏ tuổi gần xa. Ông cho biết về việc thiện nguyện văn chương này?
- Đúng là nhiều người nghĩ rằng, tặng sách cũng là một việc thiện nguyện. Tôi không nghĩ đơn giản rằng tặng sách cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa là một việc “tự thấy có ích thì làm thôi”. Bắt đầu chỉ là tôi muốn sách của mình đến được đúng đối tượng bạn đọc, nhất là học sinh ở các huyện không có điều kiện tiếp xúc với sách văn học, kế nữa các học sinh giỏi văn, các học sinh có triển vọng sáng tác. Sau đó, nhận được sự hưởng ứng của các em và cả những nụ cười vui, tôi tiếp tục.
Tôi tặng sách từ năm 2011 và liên tục đến nay. Tổng số sách đã tặng là 15 quyển khác nhau và số bản sách tặng vào khoảng 6 ngàn bản. Tôi tiếc là mình phải dùng nhuận bút, cộng với tiền bồi dưỡng những lần chấm thi văn nghệ vốn ít ỏi của mình để mua sách, chứ giá như tôi giàu có, số bản sách tặng sẽ nhiều hơn. Dù sao thì cũng đã có quyển Khí phách Biên Hùng viết về thời chống Pháp ở Biên Hòa, với sự đóng góp của vài người bạn, tôi đã in hẳn 1,2 ngàn bản chỉ để tặng, không bán. Có tận tay trao sách cho các em, tận mắt chứng kiến niềm vui của các em, mới cảm nhận được hết hạnh phúc của một nhà văn.
* Ông gửi gắm gì về những người viết trẻ, nhất là những mầm non sáng tác mà anh đã phát hiện trong thời gian qua?
- Viết văn là công việc cô đơn, đường dài, nhất là viết cho thiếu nhi. Người viết phải tâm huyết, đam mê thì mới bền bỉ đi được con đường gian nan này. Tôi tin rằng ngoài số nhà văn từ tuổi trung niên đến lớn tuổi, trong số các cây bút trẻ của tỉnh nhà sẽ có 1-2 người chọn đề tài thiếu nhi để viết, bổ sung cho đội ngũ viết cho thiếu nhi của Đồng Nai và cả nước. Cũng mong các đơn vị văn hóa, văn học nghệ thuật cùng các nhà văn tìm được hình thức sinh hoạt phù hợp để “ươm mầm” cho những thế hệ trẻ tiếp theo.
* Xin cảm ơn ông!
Tính đến năm 2022, nhà văn NGUYỄN THÁI HẢI đã in 72 quyển sách cho cả 2 bút danh, vừa bằng số tuổi của mình. Ngoài các giải thưởng Trịnh Hoài Đức, ông đã có 2 lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (năm 1990) và tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam (năm 2020). |
Trung Phi (thực hiện)