Trong số 92 tấm gương làm công tác Mặt trận ở cơ sở tiêu biểu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2022), có 5 cá nhân là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Trong số 92 tấm gương làm công tác Mặt trận ở cơ sở tiêu biểu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2022), có 5 cá nhân là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Ông Vòng A Ửng (người đứng) trao đổi cùng Bí thư Chi bộ và đảng viên trong ấp về việc tổ chức chương trình dọn vệ sinh môi trường vào thứ bảy hằng tuần. Ảnh: S.Thao |
Thời gian qua, những nhân tố này là cầu nối giữa cộng đồng các DTTS nói riêng, người dân ở địa bàn dân cư nói chung với chính quyền địa phương trong thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động an sinh xã hội.
* Chủ động xây dựng mô hình an sinh
Năm 2022 là năm thứ 7, ông Vòng A Ửng (dân tộc Hoa) đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 7 (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ).
Theo Bí thư Chi bộ ấp 7 Trần Xuân Hiếu, ấp có 234 hộ thì 162 gia đình là dân tộc Hoa. Với vai trò vừa là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, vừa là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Hoa ở địa phương, ông Ửng đóng góp rất lớn vào kết quả thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động ở địa phương. Đặc biệt, trong công tác vận động, thuyết phục, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cộng đồng DTTS, nhất là dân tộc Hoa, ông Ửng thường xuyên được chính quyền địa phương, hội đoàn thể các ấp “mượn” để cùng tham gia trao đổi cùng người dân.
Ông Ửng cho hay, để kịp thời thông tin chính xác về những vấn đề của đời sống, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với cộng đồng, thông qua sự đồng thuận của chính quyền địa phương, thống nhất của chi bộ, ông đã thành lập CLB đa niên hệ người Hoa. Đúng như tên gọi, CLB này là nơi sinh hoạt của người dân thuộc mọi lứa tuổi trong cộng đồng.
“Thông qua CLB, tôi kịp thời nắm bắt những sự việc xảy ra trong cộng đồng và ý kiến thuận hay trái chiều của bà con về những vấn đề đang diễn ra. Từ đó, kịp thời trao đổi trực tiếp với từng trường hợp cụ thể. Như mới đây, khi xảy ra chuyện tranh chấp ranh đất, 2 hộ có liên quan đã liên hệ để được Ban Công tác Mặt trận ấp và thành viên CLB để hướng dẫn giải quyết hợp tình hợp lý không để câu chuyện kéo dài, gây tổn hại sự gắn kết trong cộng đồng” - ông Ửng nói.
Ngoài ra, CLB còn là sân chơi văn hóa, thể thao của cộng đồng người Hoa. Chỉ mới thành lập 5 năm song CLB đã có 2 lần đoạt giải nhất liên hoa ấp, khu phố văn hóa cấp huyện. Bên cạnh đó, nhờ sự đồng thuận của người dân, từ đầu năm đến nay, đã có 350 phần quà được dành tặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn với số tiền trên 140 triệu đồng...
Tương tự, trong 15 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh), ông Hoàng A Pẩu (dân tộc Hoa) đã để lại nhiều dấu ấn trong thực hiện các mô hình an sinh xã hội ở cộng đồng.
Nổi bật là mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường được thành lập từ năm 2018, do ông Pẩu là thành viên nòng cốt. Mỗi tháng, 24 thành viên tham gia mô hình là những người DTTS có uy tín, tham gia công tác hội, đoàn thể ở địa phương tự tiết kiệm trong chi tiêu của gia đình để góp 500 ngàn đồng xây dựng quỹ cho mô hình. Bên cạnh đó, mỗi người còn kết nối với hàng xóm, người thân để vận động thêm nguồn lực cho công tác khuyến học. Hiện đây là mô hình khuyến học duy nhất được cộng đồng các DTTS trong tỉnh cùng chung tay thực hiện.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang Lương Bảo Thùy, đến nay mô hình này đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp với số tiền 62 triệu đồng từ các thành viên và cộng đồng. Từ đó, đã có 5 đợt trao tặng quà cho học sinh DTTS khó khăn là: thẻ bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, xe đạp, đồ dùng học tập… cho học sinh, sinh viên đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo động lực giúp các em tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong học tập để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình trong tương lai. Trong đó, ông Pẩu đã hỗ trợ 23 triệu đồng để tặng học sinh dân tộc khó khăn nhân dịp đầu năm học.
* Cầu nối giữa cộng đồng với chính quyền
Một đóng góp tích cực và quan trọng khác của những Trưởng ban Công tác Mặt trận người DTTS ở vùng có đông đồng bào dân tộc là thể hiện tích cực vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với cộng đồng.
Ông Nguyễn Minh Cần trò chuyện cùng bà con. Ảnh: S.Thao |
Tiếp nối hoạt động của cha mình là già làng Nguyễn Văn Long, năm 2018, ông Nguyễn Minh Cần (dân tộc Chơro) tham gia công tác ở ấp với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trấn ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh). Trước đó, ông Cần có 8 năm là Phó trưởng ấp.
Khi bắt tay vào công việc được giao, ông Cần gặp nhiều thuận lợi và có cha kèm cặp thêm nên mọi việc đều suôn sẻ. “Ấp có 150 hộ đồng bào dân tộc Chơro. Hộ nghèo trong đồng bào theo chuẩn nghèo không còn. Gia đình nào cũng có thiết bị nghe nhìn nên việc tuyên truyền, vận động cũng thuận tiện hơn. Điều mà tôi xem trọng nhất khi đảm nhận công tác này là khi chuẩn bị diễn ra một hoạt động nào ở địa phương hay có dư luận về vấn đề nào đó, mình phải kịp thời thông tin đến bà con để mọi người hiểu rõ vấn đề, tránh bị kẻ xấu xúi giục làm bậy. Đồng thời, thay mặt bà con có ý kiến với chính quyền về những việc người dân quan tâm, mong mỏi” - ông Cần chia sẻ.
Khi trong ấp thực hiện làm các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu với nội dung hợp lòng người là bà con đều đồng thuận, đóng góp tiền, hiến đất. Đặc biệt, trong quá trình vận động người dân tiêm vaccine mũi tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, ông Cần đến từng nhà để lý giải, vận động thuyết phục cho bà con hiểu và tham gia.
Còn với ông Nông Văn Khiên, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 3, xã Tà Lài và ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phú Thành, xã Phú Bình (H.Tân Phú), khi tham gia công tác, cả 2 đặt mình vào vị trí cầu nối tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc đến với các cấp Đảng, chính quyền; đồng thời, vận động, khuyến khích bà con dân tộc Tày nói riêng, cộng đồng dân cư ở ấp cùng tham gia đóng góp vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Theo ông Khiên, để những phong trào thi đua, chính sách pháp luật, chủ trương đến với đồng bào, việc phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể xã, ấp là điều rất quan trọng. Bởi nhiều vấn đề bản thân ông không hiểu hết, cần sự hỗ trợ, chung tay của ban, ngành, đoàn thể để nội dung tuyên truyền đúng - trúng và có tác động đến người dân. Qua đó, người dân trong ấp đã chung tay vào các hoạt động xây dựng khu dân cư, cung cấp nhiều thông tin có giá trị trong phòng chống, tố giác các loại tội phạm, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Còn theo ông Hùng, việc kết nối được người dân cùng thực hiện các phong trào ở địa phương là rất quan trọng và người dân sẵn sàng khi được kết nối với những phần việc trong khả năng. Cụ thể, khi thực hiện tuyến đường trong khu dân cư dài 20m, rộng 3m, thông qua vận động và thống nhất của bà con, người dân đã đóng góp 20 triệu đồng. Người dân cũng tự đóng góp để mua 145 phần quà cho các các hộ khó khăn.
Theo ông PHẠM VĂN HOÀNG, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh, với những khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống, những cán bộ Mặt trận là cầu nối quan trọng giúp gắn kết đồng bào với chính quyền trong triển khai các phong trào thi đua, huy động sức dân xây dựng quê hương. |
Văn Truyên