Trong tất cả các lễ hội trên thế giới, lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) được xem là phổ biến nhất, là dịp để mọi người thấm nhuần lòng biết ơn cuộc sống.
Trong tất cả các lễ hội trên thế giới, lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) được xem là phổ biến nhất, là dịp để mọi người thấm nhuần lòng biết ơn cuộc sống.
Bé gái vui vẻ cầm tấm biển “Tôi cảm ơn” trong bữa ăn dịp lễ Tạ ơn với gia đình. Nguồn: travel.earth |
Với ý nghĩa ban đầu là bày tỏ sự vui mừng được mùa bội thu thời xưa, nhưng với cuộc sống đủ đầy hiện nay, mỗi quốc gia kỷ niệm lễ Tạ ơn theo cách riêng phù hợp với phong tục, tập quán.
* Mỹ
Lễ Tạ ơn đánh dấu sự bắt đầu của kỳ nghỉ mùa đông ở Mỹ cho đến đón năm mới. Năm nay lễ Tạ ơn diễn ra vào ngày 24-11.
Lễ Tạ ơn lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1624 để kỷ niệm vụ thu hoạch mùa màng thành công đầu tiên. Ban đầu lễ được tổ chức vào nhiều ngày khác nhau và cuối cùng vào năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln đã quyết định tổ chức vào ngày thứ năm của tuần thứ 4 tháng 11 hằng năm. Theo truyền thống, đây là dịp để tạ ơn những phước lành trong năm và mùa màng bội thu. Thời hiện đại, mọi người nghỉ làm (4 ngày cuối tuần, bắt đầu từ thứ năm của tuần thứ 4), dành thời gian cho gia đình và bạn bè với một bữa tiệc lớn mang nghĩa tri ân được tổ chức vào ngày lễ Tạ ơn. Cách kỷ niệm điển hình của người dân Mỹ là tổ chức bữa tối thịnh soạn, phổ biến là các món: gà tây, bánh bí ngô, khoai tây nghiền, bắp ngọt và các loại rau mùa thu. Điểm nổi bật khác trong lễ Tạ ơn là cuộc diễu hành qua những đường phố ở New York, buổi biểu diễn Broadway và các trận đấu bóng đá.
Có khoảng 17 quốc gia kỷ niệm lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn là ngày lễ quốc gia hằng năm ở Mỹ và Canada để kỷ niệm mùa màng bội thu và những phước lành trong năm. |
* Canada
Nguồn gốc lễ Tạ ơn của Canada (còn được gọi là Action de Grace) có từ năm 1578. Action de Grace được tổ chức lần đầu tiên bởi ông Martin Frobisher và thủy thủ đoàn để bày tỏ lòng biết ơn vì sự trở về an toàn sau một chuyến đi biển nguy hiểm. Lễ Tạ ơn diễn ra vào thứ hai của tuần thứ 2 tháng 10. Cách kỷ niệm lễ Tạ ơn của Canada khá giống với Mỹ, gồm có món ăn gà tây và xem bóng đá; ngoài ra còn khoai tây nghiền, khoai lang, sốt nam việt quất và cải Brussels.
* Brasil
Giống với Mỹ, lễ Tạ ơn (tiếng Bồ Đào Nha gọi là Dia de Ação de Gracas) của Brasil được tổ chức vào thứ năm của tuần thứ 4 tháng 11. Có sự tương đồng này là do vào những năm 1940, Ngài đại sứ Brasil Joaquim Nabuco đã có ấn tượng về ý nghĩa của lễ Tạ ơn tại Mỹ và mong muốn lễ này cũng được tổ chức ở Brasil để đánh dấu mùa thu hoạch hằng năm. Ông đã đề xuất Tổng thống Gaspar Dutra lập một lễ kỷ niệm tương tự để bày tỏ lòng biết ơn đối với vụ mùa bội thu và Dia de Ação de Graças được thành lập năm 1949. Đây không phải là ngày lễ quốc gia nhưng nhiều người Brasil và nhiều người Mỹ sống ở Brasil coi ngày này là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và vụ mùa bội thu. Món ăn chủ yếu là gà tây, bánh bí ngô và khoai lang nghiền.
Món gà tây phổ biến trong dịp lễ Tạ ơn trên thế giới. Nguồn: timeanddate.com |
* Nhật Bản
Lễ Tạ ơn ở Nhật Bản có tên là Kinro Kansha no Hi (Ngày lễ Tạ ơn lao động), bắt nguồn từ một lễ hội thu hoạch lúa xưa để tri ân nông dân đã giúp vụ thu hoạch thành công. Không giống như các quốc gia khác, Nhật Bản chú trọng cảm ơn sự chăm chỉ, tận tụy của người lao động hơn là tiệc tùng. Lễ Tạ ơn của Nhật Bản luôn cố định là ngày 23-11 hằng năm. Dịp này, học sinh chuẩn bị thiệp thủ công và quà để tặng nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, lực lượng tuần duyên... Mọi người dành thời gian nghỉ ngơi và quan tâm đến gia đình của mình.
Gà tây là món ăn truyền thống ở hầu hết các quốc gia trong dịp lễ Tạ ơn qua hàng thập kỷ. |
* Hà Lan
Lễ Tạ ơn ở Hà Lan được tổ chức vào thứ tư đầu tiên của tháng 11.
Tương truyền rằng, thế kỷ XVII ở nước Anh, những người không hài lòng với cách quản lý tôn giáo của nhà vua James đã trốn đến TP.Leiden của Hà Lan. Người Hà Lan đánh giá cao và vinh danh những người hành hương bằng cách tổ chức một lễ kỷ niệm hằng năm ở đây. Những điều ước trong lễ Tạ ơn được thực hiện tại nhà thờ Pieterskerk với kiểu kiến trúc thời Gothic - nơi chôn cất mục sư John Robinson và nhà bác học Willebrord Snellius.
Không giống như các quốc gia khác, Hà Lan không có tiệc tùng xa hoa, chỉ có cà phê và bánh quy sau một buổi lễ ở nhà thờ để nhắc nhớ sự kiên trì của những người hành hương xưa. Những bữa ăn truyền thống dịp lễ Tạ ơn được bán trong nhà hàng và cộng đồng người Mỹ trên khắp đất nước Hà Lan.
Vui vẻ cùng nhau. Nguồn: travel.earth |
* Hàn Quốc
Lễ hội Thu hoạch Chuseok của Hàn Quốc được coi là lễ Tạ ơn, diễn ra vào ngày 15-8 âm lịch. Đây là thời điểm hoàn hảo để lan tỏa hạnh phúc và sự quan tâm đối với những người yêu thương. Hàng ngàn người từ các nơi đổ về quê hương để ăn mừng lễ hội kéo dài 3 ngày với niềm tin tổ tiên đã mang lại những điều may mắn, phước lành và tỏ lòng tôn kính với tổ tiên bằng cách thăm mộ và cầu nguyện. Trẻ em và người lớn mặc đồ lụa truyền thống và ăn mừng với các món được làm từ lúa mới thu hoạch. Mọi người say mê các hoạt động như: bắn cung, khiêu vũ dân gian và âm nhạc.
* Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia đa ngôn ngữ, đa văn hóa và tập tục. Lễ Tạ ơn được tổ chức với nhiều tên và thời gian khác nhau tùy vào từng địa phương. Ở bang Goa, lễ Tạ ơn được gọi là Ladin hoặc Ladainha, diễn ra vào cuối tháng 11. Vào ngày này, người theo đạo Công giáo thường hát thánh ca và cùng nhau cầu nguyện để bày tỏ lòng biết ơn với Chúa. Ở miền Nam Ấn Độ, lễ được tổ chức với tên gọi Pongal vào tháng Giêng. Nông dân thu hoạch nông sản đầu tiên và đồ ăn ngọt để dâng lên thần linh với lòng biết ơn. Ở bang Punjab, mọi người tin rằng tạ ơn Chúa trong lễ Tạ ơn sẽ giúp họ hạnh phúc và sung túc cả năm.
Minh Huyền (biên dịch theo travel.earth/calendardate.com)