Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai

08:11, 26/11/2022

Cùng với dân tộc Kinh, trên địa bàn Đồng Nai còn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống, trong đó có các dân tộc bản địa như: Chơro, Mạ, S'tiêng, Cơho. Mỗi dân tộc có nền văn hóa, đa dạng, phong phú và mang bản sắc riêng.

Cùng với dân tộc Kinh, trên địa bàn Đồng Nai còn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống, trong đó có các dân tộc bản địa như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơho. Mỗi dân tộc có nền văn hóa, đa dạng, phong phú và mang bản sắc riêng.

Các hiện vật, hình ảnh về văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai được trưng bày, giới thiệu tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na
Các hiện vật, hình ảnh về văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai được trưng bày, giới thiệu tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na

Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa trong đời sống đương đại đã và đang góp phần gắn kết các dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.

* Đa sắc màu văn hóa...

Từ thế kỷ XVI, XVII, Đồng Nai đã thu hút đông đảo cư dân Việt từ miền ngoài vào lập nghiệp, cùng với các dân tộc bản địa: Mạ, Chơro, S’tiêng, Cơho cùng nhau khai khẩn đất hoang, xây dựng làng ấp. Năm 1679, có thêm lưu dân người Hoa đến cộng cư, lập ra thương cảng cù lao Phố phồn thịnh. Sau đó, Đồng Nai tiếp nhận thêm những dân tộc như: Chăm, Nùng, Mường, Tày, Thái… đến cộng sinh. Sự giao thoa, đan xen, dung hợp văn hóa các dân tộc theo dòng thời gian đã đúc kết những sắc thái văn hóa đặc trưng cho vùng đất, con người Đồng Nai.

TS Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, theo sử xưa, trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng bấy giờ (vào cuối thế kỷ XVI) có các dân tộc S’tiêng, Cơho, Mạ, M’nông, Chơro sinh sống. Trong đó, đông nhất là người S’tiêng và người Mạ, đã sinh sống từ rất lâu đời, cả trước khi Phù Nam lập quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng bào các dân tộc bản địa: Mạ, Chơro, S’tiêng, Kơho đã một lòng theo Đảng, tham gia chiến đấu, đóng góp công sức, nhiều người con của họ đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc bản địa, tạo thành khối đại đoàn kết vững chắc giữa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

TS Nguyễn Hồng Ân chia sẻ: “Hiện nay, người Chơro tập trung chủ yếu ở các địa phương: Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Long Khánh; người Mạ và Cơho ở Định Quán, Tân Phú; và người S’tiêng ở Long Thành, Tân Phú, Xuân Lộc và Định Quán”.

Theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, các dân tộc bản địa ở Đồng Nai thờ đa thần, tín ngưỡng nguyên thủy có liên quan mật thiết với nghề nông cổ truyền. Họ tin vào vạn vật hữu linh, tất cả mọi vật đều có thần linh. Các vị thần được thờ như: lúa, rừng, suối, ruộng, thổ công… Một trong những lễ cúng quan trọng của các dân tộc bản địa là lễ cúng thần lúa (lễ hội Sayangva), đến nay vẫn còn bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc sắc (đặc biệt ở dân tộc Chơro).

“Ở mỗi sóc của người S’tiêng thường có một miễu nhỏ thờ Neak ta - đó là tượng nhỏ bằng gỗ hoặc đá. Người S’tiêng thờ thần mặt trời, thần sấm sét cai quản đất đai, thần mặt trăng coi sóc việc gặt hái và cây cối. Xưa kia, nghề dệt vải, chăn tương đối phổ biến ở người phụ nữ S’tiêng, nay thì hầu như biến mất. Đối với trang sức, người Mạ và S’tiêng xưa đeo khuyên tai bằng ngà voi rất lớn. Họ quan niệm lỗ tai càng rộng thì càng đẹp… Đây là tàn dư về phong tục “cà răng căng tai” của các dân tộc Đông Nam Á cổ xưa” - TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.

Cũng như đồng bào các dân tộc khác, đời sống văn hóa của người Kơho rất đa dạng và phong phú. Xưa kia, người Cơho sống thành làng (bon), theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân. Sau hôn lễ, người con trai về ở bên nhà vợ, con cái lấy theo họ mẹ. Nhạc cụ truyền thống cho đến hiện nay vẫn còn được gìn giữ gồm: cồng chiêng, sáo trúc 2 lỗ, khèn bầu, khèn môi, đàn tre…

* Bảo tồn và phát huy trong đời sống

Trong tiến trình hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai luôn tự hào với kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của các bậc tiền nhân để lại rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt là loại hình phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo… với sự giao lưu văn hóa cộng đồng, trao truyền những đạo lý, tình cảm và những khát vọng cao đẹp giữa các dân tộc sinh sống trên vùng đất này, đã mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ những lo toan thường nhật để trở về với nguồn cội.

Khách du lịch tham quan triển lãm Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên
Khách du lịch tham quan triển lãm Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên

Cũng theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai là một phức hợp của các dân ở tiểu vùng Đông Dương và Đông Nam Á. Ở từng sinh hoạt của các dân tộc đều mang tính cộng đồng (ngày nay đã có ít nhiều thay đổi). Đồng bào các dân tộc luôn ý thức về cội nguồn tộc người, cùng nhau bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa ở Đồng Nai, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết: “Hiện bảo tàng đang kết nối với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh để mời các đoàn du lịch của các tỉnh lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đến tham quan di tích, tham quan triển lãm Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai. Chúng tôi kỳ vọng rằng, với sự kết nối này sẽ lan tỏa rộng hơn văn hóa các dân tộc bản địa trong nhân dân, phát huy các giá trị này trong đời sống”.

Ngoài phòng trưng bày cố định các hiện vật dân tộc thiểu số ở Bảo tàng Đồng Nai, tại Văn miếu Trấn Biên đang diễn ra triển lãm Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai. Triển lãm giới thiệu 250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu kéo dài từ đây đến hết Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ly Na

Tin xem nhiều