Đến thời điểm này, cả thế giới vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước thảm kịch giẫm đạp làm ít nhất 153 người chết tại Hàn Quốc. Ngay sau thảm kịch này, châu Á tiếp tục ghi nhận thảm kịch khác cũng liên quan đến đám đông tại Ấn Độ, đó là vụ sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat khiến 132 người thiệt mạng khi tham gia lễ hội tôn giáo Diwali.
Đến thời điểm này, cả thế giới vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước thảm kịch giẫm đạp làm ít nhất 153 người chết tại Hàn Quốc. Ngay sau thảm kịch này, châu Á tiếp tục ghi nhận thảm kịch khác cũng liên quan đến đám đông tại Ấn Độ, đó là vụ sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat khiến 132 người thiệt mạng khi tham gia lễ hội tôn giáo Diwali.
Có một điểm chung ở 2 vụ thảm họa này là đều do tập trung quá đông người, lối di chuyển chật hẹp khiến nhiều người bị mắc kẹt, chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn của đám đông khiến nhiều người xô đẩy, chen lấn để thoát ra ngoài nhưng hành động đó lại càng làm đám đông mắc kẹt lại, giẫm đạp lên nhau. Rất nhiều nạn nhân trong những thảm hoạ này là người trẻ, chỉ mới 18-20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Điều này một lần nữa cho thấy, cần thiết phải có sự trang bị những kỹ năng sống cho trẻ nhỏ ngay từ rất sớm để hình thành khả năng thích ứng khi thảm họa có thể xảy ra.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc trang bị các kỹ năng sống cho học sinh đã được nhiều cơ sở trường học chú trọng. Tận dụng các tiết ngoại khóa, nhà trường đã mời chuyên gia trên từng lĩnh vực tới nói chuyện, trang bị kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn cho các em. Chẳng hạn như mới đây, khi cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy làm nhiều người chết và bị thương, nhiều trường học đã mời cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tới trang bị kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Những kiến thức được trang bị khá hữu ích, là hành trang không thể thiếu giúp các em tự tin xử lý các tình huống trong thực tế.
Không ai có thể biết trước được khi nào thảm họa xảy ra nhưng nếu được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết, con người có thể tránh được những rủi ro đáng tiếc. Thảm họa ở Hàn Quốc hay Ấn Độ vừa qua có một phần nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, không lường trước được những bất ổn khi tập trung quá đông người ở một không gian quá chật hẹp, tù túng. Sự mất bình tĩnh, hoảng loạn của số đông cũng khiến cho tai họa kinh hoàng ập xuống cướp đi sinh mạng của hàng trăm người chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Do đó, hơn lúc nào hết, việc trang bị những kỹ năng sinh tồn là chuyện cần làm ngay, trước tiên là ở mỗi gia đình và các cơ sở giáo dục.
Minh Ngọc